Ngày 23/8, tại Hà Nội, Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam phối hợp với Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội và Trường ĐH Hoà Bình đã tổ chức góp ý cho dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Nhiều chuyên gia về khoa học đánh giá, khoa học giáo dục hàng đầu của các viện, trường ĐH phía Bắc đã tham dự.
Thí sinh dự thi đại học. |
Theo PGS TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, dù ý kiến trong hội thảo không đạt sự đồng thuận cao với nội dung dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT nhưng nhìn chung các đại biểu đều cho rằng việc đặt vấn đề thi như là yếu tố quan trọng, có tính đột phá cần phải đổi mới ngay từ đầu của Bộ là đúng.
Bộ GD-ĐT nên khẩn trương chuẩn bị, nên quyết tâm để sớm đưa ra một phương án. Đổi mới thi cử được đặt ra từ 20 năm nay nhưng mãi vẫn chỉ là vấn đề được đưa ra thảo luận rồi để đấy.
“Nhiều đại biểu góp ý, để có được sự chuẩn bị tốt, Bộ GD&ĐT phải tiếp cận được mấy hướng sau đây: Một là tiếp cận chủ trương chung và đổi mới căn bản toàn diện; hai là xem xét cái này trong mối quan hệ những đổi mới khác của ngành GD-ĐT.
Cái thứ ba, tôi thấy nhiều đại biểu nhấn mạnh là trực tiếp xem xét đến đối tượng: học trò và bố mẹ các em. Một cách tiếp cận nữa theo tôi, Bộ cũng rất cần tiếp cận từ những cơ sở khoa học của lý thuyết đánh giá.
Một đại biểu đã đưa ra ý kiến, người ta có cảm giác cơ sở khoa học của những chủ trương về thi cử này chưa sáng tỏ, hay là có lẽ do Bộ chưa trình bày. Nhưng tôi e rằng nếu không có một nghiên cứu khoa học thoả đáng, đảm bảo cơ sở khoa học của nó - tức cơ sở thực tiễn và cơ sở lý luận, thì sức thuyết phục thấp”. PGS Trần Kiều nói.