+Aa-
    Zalo

    Bi hài chuyện uống nước ở công sở

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ở nơi phức tạp như chốn công sở, một “chuyện thường ngày ở huyện” như chuyện uống nước cũng sinh ra lắm chuyện bi hài.

    Ở nơi phức tạp như chốn công sở, một “chuyện thường ngày ở huyện” như chuyện uống nước cũng sinh ra lắm chuyện bi hài.

    Bị ghét vì uống nước bằng cốc riêng

    Nhung (24 tuổi) mới đi làm đã bị đàn chị trong phòng ngứa mắt vì tội “dám” mang cốc riêng đến uống nước.

    Tính Nhung vốn tỉ mỉ, sạch sẽ. Bởi vậy, ngày đầu tiên đi làm, cô rất choáng với kiểu ăn chung, uống chung của các chị cùng phòng ở cơ quan. Ở bàn uống nước của phòng có một bộ 6 chiếc cốc thủy tinh, mờ đục và còn sót lại vết cáu bẩn của trà. Có vẻ như những chiếc cốc này chỉ được tráng qua lấy lệ thay vì rửa sạch sẽ, kỹ càng.

    Cả ngày hôm ấy, Nhung không dám uống giọt nước nào vì cứ nhìn thấy mấy chiếc cốc trong phòng là rợn tóc gáy. Cả chục con người trong phòng uống chung cốc, chẳng phân định rõ của ai với ai, chưa kể mỗi khi có khách khứa đến cũng lấy cốc đó để rót nước mời. Mỗi lần nhìn mọi người kề miệng vào cái cốc cáu bẩn, hết người này người khác dùng chung, Nhung thấy gai gai trong người.

    Bi hài chuyện uống nước ở công sở

    Ảnh: Internet

    Sáng hôm sau, Nhung mua một chiếc cốc sứ mới mang đến văn phòng để dùng riêng. Mỗi lần uống nước xong, cô tráng sạch sẽ, đậy nắp và cất gọn vào bàn làm việc của mình. Không ngờ, hành động đó của Nhung lại khiến chị em trong phòng “ngứa con mắt bên trái, đỏ con mắt bên phải.

    Chỉ vì chuyện dùng cốc uống nước riêng mà Nhung bị cả phòng kỳ thị, tránh như tránh hủi. Đủ thứ tội được đổ lên đầu cô: kiêu, láo, ki bo,… Có người xỉa xói Nhung thiếu hòa đồng, mới vào mà đã một mình một kiểu. Có người bảo cô keo kiệt, dùng cốc xong mang về chỗ, không cho người khác động vào. Có người nói Nhung láo, hành động như thế chẳng khác nào chê các chị bẩn thỉu – “Hay nó sợ bọn mình có bệnh, uống chung cốc sợ lây?”.

    Mọi người trong phòng tẩy chay Nhung, nếu không phải công việc bắt buộc thì không nói chuyện hay lại gần Nhung với lý do “Tránh để mầm bệnh của bọn mình lây sang em nó”.

    Giả bệnh để khỏi phải dùng chung cốc

    Cùng hoàn cảnh với Nhung là Thủy (25 tuổi). Suốt một năm nay, cô vẫn vờ mình bị nóng trong, phải uống thuốc nam để chữa bệnh. Thực ra, trong bình là nước lọc chứ chẳng phải thuốc thang gì hết.

    Ngay ngày đầu tiên đi làm, Thủy đã choáng với cảnh cả phòng chỉ có 3-4 chiếc cốc dùng chung. Cô định mua cốc dùng riêng nhưng một chị ngồi cạnh “phím” trước: “Ở đây mọi người không mang cơm đi mà cùng ra ngoài ăn cho thân thiết. Nước uống ở đằng kia, em lấy cốc trên giá mà uống, uống xong lại úp vào đấy. Em đừng mang cốc riêng đi hay “thủ” riêng một cái vào bàn. Chị trưởng phòng ghét nhất hành động “phân biệt chủng tộc” ấy đấy”.

    Bi hài chuyện uống nước ở công sở

    Ảnh: Internet

    Nghe chị đồng nghiệp nói xong, Thủy cảm thấy đau đầu. Uống chung cốc thì cô thực sự không làm được. Nhìn mấy cái cốc kề hết vào miệng người này tới miệng khác, cô tưởng tượng tới cả tá nước bọt, vi khuẩn đang dính vào đó. Mà không uống nước thì chắc chết khát.

    Vậy là Thủy nghĩ ra một khổ nhục kế. Cô cho nước vào một chiếc bình nước tối màu, nói dối với cả phòng rằng cô nóng trong người dẫn tới dạ dày và gan không tốt, phải mua thuốc nam uống giảm nhiệt. Có vậy mới có cớ không phải dùng chung cốc với cả phòng.

    Suốt một năm nay Thủy nói dối như vậy. Mãi cho đến gần đây, chị trưởng phòng hỏi “Sao bệnh em chữa mãi không khỏi thế, cứ uống thuốc mãi vậy hại người lắm, tìm biện pháp khác đi”. Thủy giật mình thon thót, biết rằng “diệu kế” không dùng được bao lâu nữa, phải nghĩ cách mới để được “uống sạch”.

    Chỉ vì chuyện thay bình nước mà thù địch nhau

    Phòng kế toán của Linh (28 tuổi) có 4 người, trong đó có hai cô gần 50 tuổi là trưởng và phó phòng. Còn lại Linh và đồng nghiệp của cô – chị Trang (30 tuổi) là được xếp vào dạng thanh niên.

    Phòng Linh đặt bình nước 19L, thường gọi 3 bình một lúc, bình đầu tiên thì thợ thay giúp, còn lại khi hết nước toàn phải tự thay. Cơ quan Linh âm thịnh dương suy, đàn ông chỉ có anh bảo vệ và vài kỹ sư hay chạy ngoài công trường, bởi vậy, chủ yếu chị em trong phòng toàn tự túc. Khổ nỗi, mọi người toàn đùn đẩy cho nhau, không ai chịu tự giác đổi bình khi nước hết.

    Linh nhỏ nhất phòng nên thường là người phải ngậm đắng nuốt cay đi thay nước. Mỗi lần thay là một lần cô vật vã mãi mới nâng được cái bình lên và đặt nó vào đúng khấc. Những lúc như vậy, Linh đều uất ức chiếu ánh mắt sắc lẻm vào Trang – người chỉ hơn cô có 2 tuổi mà lên mặt đàn chị và vin vào cớ đó để lười nhác.

    Bi hài chuyện uống nước ở công sở

    Ảnh: Internet

    Lần gần đây nhất cần thay bình nước, Linh quyết định chày bửa, mặc kệ ai muốn thay thì thay, cô quyết không đụng tay vào. Sau 3 ngày trời phải đi xin nước phòng bên cạnh, cô Hòa – trưởng phòng lệnh: “Cái Linh, cái Trang, một trong hai đứa thay bình nước đi chứ. Chúng mày định để bà già như cô phải động tay vào nữa hay sao?”.

    Trang đùn đẩy ngay cho Linh “Đây là nhiệm vụ của em út, cô cứ giao cho em ấy”. Linh bực bội phản kháng: “Chẳng có cái quy định nào là em út phải làm hết mọi việc cả. Lâu nay em đã thay nước nhiều rồi. Chị cũng phải động tay vào đi chứ, đừng có bịa cớ này cớ nọ để lười nhác”.

    Chỉ vậy thôi mà Linh – Trang lời qua tiếng lại rồi cãi nhau to. Linh nói Trang lười biếng, bắt nạt đàn em. Trang bảo Linh láo toét, không biết điều. Đến khi cô Hòa cáu, quát lên hai người mới chịu im lặng, nhưng vẫn nhìn nhau khó chịu, không ai chịu thua ai.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-hai-chuyen-uong-nuoc-o-cong-so-a54261.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Sự thật nghiệt ngã về tình công sở

    Sự thật nghiệt ngã về tình công sở

    Đàn ông sa ngã nơi công sở vì tình yêu và tình dục. Phụ nữ chọn tình công sở để tiến thân. Đó là cách mà mọi người vẫn quan niệm và phán xét về những chuyện tình công sở