Ông Trump dẫn trước tại Michigan, cuộc đua gay cấn chưa từng có
Theo kết quả thăm dò mới nhất của AARP công bố hôm qua(16/10), cựu Tổng thống Donald Trump đang dẫn trước sít sao Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc đối đầu trực tiếp tại bang chiến trường Michigan chỉ ba tuần trước ngày bầu cử.
Theo đó, ông Trump đã vượt qua đối thủ đảng Dân chủ với tỷ lệ ủng hộ 49% so với 48%, trong khi 1% cử tri tham gia khảo sát cho biết sẽ có lựa chọn khác và 2% vẫn chưa quyết định.
Theo độ tuổi, ông Trump dẫn trước bà Harris với 47% sự ủng hộ so với 46% trong số những cử tri từ 50-65 tuổi.
Một khảo sát khác của Harvard CAPS cho thấy, trong số cử tri đăng ký bỏ phiếu sớm ở một số bang chiến trường, ông Trump đang có lợi thế nhỏ, với 48% ủng hộ so với 47% của bà Harris.
Trong khi đó, tổng hợp các cuộc thăm dò của Hill/Decision Desk HQ ở bang Michigan cho thấy ông Trump đang dẫn trước bà Harris gần 1 điểm, 48,7% so với 48%.
Tuy nhiên, bà Harris đang dẫn đầu trên toàn quốc với 49,8% ủng hộ, so với 46,9% của cựu tổng thống.
Cuộc thăm dò của AARP được tiến hành từ ngày 2 đến 8/10, với sự tham gia của 1.382 cử tri tiềm năng và có biên độ sai số là 4%.
Với cuộc đua sít sao, việc đảm bảo cử tri của cả hai ứng cử viên thực sự bỏ phiếu có thể là yếu tố quan trọng quyết định người chiến thắng. Trong cuộc bầu cử năm 2020, chỉ hai phần ba người trưởng thành tại Mỹ đi bỏ phiếu, dù đây là tỷ lệ cao nhất trong hơn một thế kỷ, theo ước tính của Cục Điều tra Dân số Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos đã thăm dò 938 người trưởng thành trên toàn quốc, trong đó có 807 cử tri đã đăng ký, và trong số đó, 769 người được coi là có khả năng cao sẽ đi bỏ phiếu. Trong nhóm cử tri này, bà Harris dẫn trước ông Trump với cách biệt 3 điểm, 47% so với 44%.
Những chiến thuật chặng nước rút
Trong nỗ lực tìm kiếm lợi thế ở giai đoạn nước rút trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, cả bà Harris và ông Trump đều dành thời gian này để tích cực vận động tranh cử tại các bang chiến địa nhằm thu hút cử tri.
Mới đây, Phó Tổng thống Harris công bố một kế hoạch nhằm mang lại cho cử tri nam giới da màu có thêm nhiều cơ hội kinh tế hơn để phát triển. Kế hoạch của bà Harris gồm cung cấp các khoản vay kinh doanh có thể xóa nợ cho các doanh nhân da màu, tạo ra nhiều chương trình học nghề hơn, cũng như nghiên cứu thêm về các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến nam giới người Mỹ gốc Phi.
Giữa những lo ngại khoảng cách dẫn trước của bà Harris đối với ông Trump trên toàn nước Mỹ đang thu hẹp, chiến dịch tranh cử của nữ phó tổng thống đã triển khai một cuộc tấn công rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, bao gồm một loạt cuộc phỏng vấn trên các chương trình nổi tiếng như “60 Minutes”, “The Howard Stern Show” và podcast “Call Her Daddy”.
Nhóm vận động tranh cử của bà Harris cũng đã lên kế hoạch tổ chức các sự kiện tại các bang chiến trường quan trọng, có sự tham gia của những người có tiếng nói là nam giới gốc Phi, như cựu tổng thống Barack Obama hay cựu nghị sĩ da màu Cedric Richmond, đồng chủ tịch chiến dịch tranh cử.
Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của ông Trump đang tập trung cho các sự kiện vận động tại thực địa. Chỉ tính riêng trong tháng 9, ông Trump đã tham gia 21 sự kiện vận động, nhiều gần gấp đôi so với 13 sự kiện mà cặp đôi liên danh tranh cử của đảng Dân chủ Harris-Walz thực hiện.
Bên cạnh đó, đội ngũ vận động của cựu Tổng thống Trump cũng đang triển khai một mô hình thu hút cử tri mới, khi tập trung vào những người trước đây ít đi bỏ phiếu nhưng có khuynh hướng nghiêng về cánh hữu.
Theo chiến dịch của ông, việc tập hợp những người ủng hộ trung thành nhưng ít có xu hướng đi bỏ phiếu là yếu tố quan trọng để giành chiến thắng. Chiến dịch này cũng nhắm đến những người độc lập và những cử tri dễ bị dao động - một nhóm mà họ ước tính chiếm 11% cử tri ở các bang chiến trường.
Tuy nhiên, theo một quan chức đảng Cộng hoà, đây được đánh giá là một chiến lược rủi ro cao, đòi hỏi nhiều công sức để thu hút một làn sóng cử tri mới nhưng cũng có thể không đạt được hiệu quả nếu cuối cùng họ vẫn lựa chọn ở nhà.
Một trong những điểm nhấn trong chiến dịch vận động của ông Trump gần đây là “cú bắt tay” giữa ông và tỷ phú Elon Musk.
Tại buổi vận động tranh cử ngày 5/10 ở bang Pennsylvania, tỷ phú Musk đã xuất hiện trên sân khấu cùng cựu Tổng thống Trump, kêu gọi ủng hộ cho đảng Cộng hòa với mục tiêu "bảo vệ nền dân chủ Mỹ". Mối quan hệ giữa hai người không chỉ dừng lại ở việc ông Musk ủng hộ ứng cử viên Trump, mà ông Trump còn nhiều lần ám chỉ rằng tỷ phú Musk có thể đảm nhận một chức vụ cấp cao trong chính quyền nếu ông trở lại Nhà Trắng.