+Aa-
    Zalo

    Nghị định 168 của Chính phủ có hiệu lực: “Liều thuốc hữu hiệu” trị “bệnh nhờn” vi phạm giao thông

    (ĐS&PL) - Theo Cục CSGT, việc nâng cao mức xử phạt không nhằm vào xử phạt người dân mà để tạo ra sự răn đe từ sớm với những người có ý định vi phạm giao thông.

    Tăng mức phạt để răn đe

    Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó, lỗi không chấp hành tín hiệu đèn với ô tô sẽ bị phạt từ 18 - 20 triệu đồng, mức phạt đối với người lái xe máy cùng hành vi này là 4-6 triệu đồng. Nhiều lỗi vi phạm giao thông khác cũng tăng hàng chục lần như mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn sẽ tăng gấp 36-50 lần…

    Thông tin với PV ĐS&PL, đại diện đại diện Cục CSGT cho biết, hiện nay tình hình trật tự, an toàn giao thông, tai nạn và ùn tắc giao thông, nhất là tại các thành phố lớn diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại cho xã hội, cho người dân.

    Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt từ 4-6 triệu đồng. (Ảnh: Phi Hùng)

    Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt từ 4-6 triệu đồng. (Ảnh: Phi Hùng)

    Tình trạng vi phạm giao thông rất phổ biến, cần thiết siết chặt trật tự văn hóa giao thông. Vì vậy, Ban soạn thảo thấy rằng, cần thiết phải tăng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm với lỗi cố ý nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.

    Việc nâng cao mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm, cơ quan chức năng không nhằm vào xử phạt người dân mà cốt lõi ở đây là để tạo ra sự răn đe từ sớm đến những người có ý định vi phạm phải nhớ rằng các hành vi như vậy sẽ bị xử lý rất nặng để từ đó thay đổi suy nghĩ, có ý thức tuân thủ luật giao thông.

    "Kinh nghiệm khi thực hiện Nghị định 100 trong việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn, đến nay bước đầu đã tạo dựng được thói quen "đã uống rượu bia, không lái xe" và được nhân dân ủng hộ", đại diện Cục CSGT khẳng định.

    Cục CSGT cũng nhấn mạnh, để lập lại trật tự đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe, tương xứng với vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, việc tăng mức xử phạt để kiềm chế tai nạn giao thông.

    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV ĐS&PL, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ quan điểm ủng hộ Nghị định 168 khi nâng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông. Ông Thanh cho rằng, hiện nay tốc độ phát triển của cơ sở kết cấu hạ tầng, mạng lưới giao thông và các loại phương tiện tham gia giao thông tăng rất nhanh nhưng ý thức người dân lại không được nâng cao. Nhiều hành vi vi phạm giao thông để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng mức xử phạt chưa đủ tính răn đe.

    Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh.

    Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh.

    Đơn cử, hậu quả tiềm ẩn từ hành vi mở cửa xe ô tô thiếu quan sát là rất lớn, thế nhưng mức xử phạt chỉ từ 400.000- 600.000 đồng. Khi nghị định 168 có hiệu lực, mức xử phạt mới tăng 20-22 triệu đồng, mới mức này mới thể hiện đúng được tính chất, mức độ nguy hiểm và tạo tính răn đe thực sự đối với các tài xế.

    “Có thể mức phạt sẽ gây “choáng” với 1 bộ phận thường xuyên “tùy tiện”, “nhờn” với pháp luật nhưng rõ ràng phải có chế tài xử lý nghiêm thì ý thức tham gia giao thông của người dân mới được nâng cao. Với mức xử phạt như trong nghị định tôi thấy hoàn toàn phù hợp. Những trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm, không có vùng cấm, ngoại lệ và đặc biệt không được xảy ra tiêu cực để lập lại trật tự an toàn giao thông”, ông Thanh nhấn mạnh.

    Cũng theo ông Thanh, cơ quan chức năng cũng phải cân nhắc, đưa ra giải pháp đối với một số trường hợp chủ phương tiện khi vi phạm giao thông bị xử lý, phương tiện bị thu giữ theo quy định pháp luật nhưng họ có tư tưởng chậm chấp hành, giải quyết các thủ tục vi phạm hoặc sẵn sàng chây ì bỏ lại phương tiện. Trong trường hợp này cơ quan quản lý Nhà nước sẽ lãng phí một số tiền không hề nhỏ để dùng cho việc tập kết và thu giữ các phương tiện vị phạm. Thậm chí, có thể xảy ra các vấn đề tiêu cực như tháo dỡ phụ tùng xe, hao mòn giá trị các phương tiện này.

    "Tôi cho rằng cần phải có những quy định, chế tài rõ ràng trong thời gian cụ thể và bao lâu. Và trường hợp chủ phương tiện vi phạm giao thông không chấp hành sẽ bị thu hồi và thanh lý theo quy định của Nhà nước. Tất cả đều được thực hiện nghiêm, công khai, có như vậy mới có thể giải quyế dứt điểm các trường hợp cố tình vi phạm giao thông", ông Thanh đề nghị.

    Giải pháp có hiệu quả tức thì

    Theo lực lượng chức năng, trong 2 ngày thực hiện việc xử phạt theo Nghị định 168/2024 đối với các hành vi vi phạm giao thông, đa số người dân đã chấp hành nghiêm túc luật giao thông đường bộ, đặc biệt là dừng chờ đèn đỏ đúng tín hiệu giao thông. Việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân.

    Tại TP.Hà Nội, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội đánh giá, khi bắt đầu thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168 đã cho thấy hiệu quả rõ rệt tại Hà Nội. Việc xử lý nghiêm minh kết hợp với tuyên truyền sâu rộng tạo nền tảng quan trọng để xây dựng môi trường giao thông an toàn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn và hướng tới một Thủ đô văn minh, hiện đại.

    Bày tỏ quan điểm về việc tăng mức xử phạt, nhiều người dân kỳ vọng, khi mức xử phạt vi phạm giao thông tăng cao, ý thức tuân thủ trật tự, an toàn giao thông, chấp hành luật sẽ được cải thiện.

    Theo Cục CSGT, việc nâng cao mức xử phạt không nhằm vào xử phạt người dân mà để tạo ra sự răn đe từ sớm với những người có ý định vi phạm giao thông. (Ảnh: Phi Hùng)

    Theo Cục CSGT, việc nâng cao mức xử phạt không nhằm vào xử phạt người dân mà để tạo ra sự răn đe từ sớm với những người có ý định vi phạm giao thông. (Ảnh: Phi Hùng)

    Trao đổi với PV, ông T.V.K (45 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết, khi thấy mức xử phạt mới sẽ tăng nhiều lần, bản thân ông K có bất ngờ nhưng hoàn toàn ủng hộ. Theo ông K, ví dụ như mức phạt áp dụng cho hành vi vượt đèn đỏ trước kia dường như chưa đủ sức răn đe nên nhiều người vẫn “tặc lưỡi” cố vượt chỉ để được nhanh hơn vài giây.

    “Từ khi thực hiện Nghị định 168, tại các ngã tư ở Hà Nội, mọi người đều nghiêm túc đợi đèn đỏ, không còn nhiều trường hợp cố vượt hoặc vội vã phóng lên khi đèn đỏ còn 3-4 giây nữa. Với mức phạt cao, mọi người đều phải tuân thủ và cẩn trọng khi tham gia giao thông”, ông K chia sẻ.

    Cùng quan điểm với ông K, anh P.Q.V bộc bạch, với mức phạt nặng, bản thân anh V không dám đi “ẩu nữa”. “Chỉ 1 lần vi phạm có thể mất gần tháng lương, nên tôi không dám vi phạm dù cho công việc có vội đến đâu”, anh V nhấn mạnh.

    “Liều thuốc” phòng và trị bệnh

    Bày tỏ quan điểm về Nghị định 168/2024, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng chế tài rất mạnh, thậm chí là xử lý hình sự (dù chưa xảy ra hậu quả) đối với nhiều hành vi của người tham gia giao thông. Đơn cử như hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông, vi phạm nồng độ cồn ở mức cao. "Việc tăng chế tài sẽ tạo tính răn đe và phòng ngừa, từ đó nhiều người sẽ biết sợ mà không dám vi phạm nữa", luật sư Cường nhìn nhận.

    Luật sư Phạm Hồng Kiên.

    Luật sư Phạm Hồng Kiên.

    Cùng quan điểm, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt cho biết,không ít người dân dường như tỏ ra “nhờn” khi vi phạm giao thông bởi mức xử phạt chưa đủ tính răn đe.  Vì vậy, Nghị định 168/2024/NĐ-CP được ra đời như 1 “liều thuốc” trị bệnh cũng như phòng ngừa với những người thường xuyên thiếu ý thức và vi phạm giao thông.

    "Để lập lại trật tự đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe, tương xứng với vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông. Chính vì vậy, Nghị định 168/2024/NĐ-CP là một bước tiến quan trọng để đảm bảo an toàn trật tự giao thông và xây dựng văn hóa giao thông văn minh”, luật sư Kiên nhấn mạnh.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nghi-inh-168-cua-chinh-phu-co-hieu-luc-lieu-thuoc-huu-hieu-tri-benh-nhon-vi-pham-giao-thong-a495911.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan