(ĐSPL) - Ngày 22/4 tại Hà Nội, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trưởng đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Bộ Tài chính và Đài Truyền hình Việt Nam về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tham dự chương trình sơ kết với Bộ Tài chính có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tham dự đoàn sơ kết với Đài truyền hình Việt Nam có các đồng chí Ủy viên Trung ương: bà Nguyễn Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội; ông Đào Ngọc Dung, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp TƯ.
Đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp.
Bộ Tài chính: 5 bài học kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết
Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X của Bộ Tài chính nêu rõ: Nghị quyết đã đánh dấu những thay đổi quan trọng trong tư duy của Đảng về phát triển thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta, qua quá trình thực tiễn triển khai Bộ Tài chính rút ra 5 bài học kinh nghiệm:
Một là, bám sát thực tiễn đất nước, coi trọng tổng kết thực tiễn, gắn kết lý luận với thực tiễn và tập trung nghiên cứu, làm sáng tỏ các vấn đề lý luận quan trọng cũng như chú trọng công tác dự báo và làm rõ các vấn đề thực tiễn trọng tâm bức xúc của công cuộc đổi mới.
Hai là, kiên định những mục tiêu đặt ra thông qua việc gắn kết chặt chẽ cơ chế, chính sách tài chính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chú trọng tính hiệu quả, chất lượng chính sách là cơ sở cho việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ba là, đảm bảo sự đồng bộ về thể chế kinh tế, thực hiện cải cách triệt để từ tư duy, cơ chế, chính sách, bộ máy hành chính trong nền kinh tế quốc gia. Hệ thống pháp luật kinh tế phải được hình thành đồng bộ.
Năm là, mở rộng dân chủ, phát huy mọi sự sáng tạo thông qua nhiều hình thức, nhiều biện pháp nhằm phát huy tối đa trí, lực của toàn Đảng, toàn dân trong quá trình đổi mới tư duy lý luận.Bốn là, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các đường lối, chủ trương của Đảng; nâng cao hiệu quả của công tác theo dõi, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, đường lối, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính và quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của từng chủ thể trong nền kinh tế.
Tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính: Thời gian qua, khu vự kinh tế nhà nước đã thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước được mở rộng về quy mô tài sản, quy mô vốn chủ sở hữu.
Giá trị tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2008 là hơn 1 triệu tỷ đồng, năm 2013 ước là 2,3 triệu tỷ đồng, bằng 229\% so với năm 2008. Vốn chủ sở hữu tiếp tục được bảo toàn và phát triển, năm 2008 là 438 nghìn tỷ đồng, năm 2013 là 959 nghìn tỷ đồng, bằng 219\% so với năm 2008. Lợi nhuận năm 2008 là 71 nghìn tỷ đồng, năm 2013 là 147 nghìn tỷ đồng, bằng 207\% so với năm 2008.
Toàn cảnh buổi sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X. |
Bình quân giai đoạn 2008-2013, đầu tư của khu vực nhà nước chiếm 37,9\% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khu vực kinh tế nhà nước cũng là khu vực góp phần quan trọng trong tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trong tổng thu ngân sách nhà nước từ khối doanh nghiệp giai đoạn 2008-2013, tổng thu từ khối doanh nghiệp nhà nước chiếm 46,64\%.
Cơ cấu GDP, đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước những năm qua tuy có giảm do quá trình sắp xếp và cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, song khu vực này tiếp tục khẳng định vai trò và vị trí trong nền kinh tế.
VTV đã đi đúng hướng
Báo cáo đoàn công tác Trung ương về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X, đồng chí Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nhấn mạnh, Đài Truyền hình Việt Nam đã có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, các đơn vị và doanh nghiệp trực thuộc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Qua đó, đã tạo điều kiện cho các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… hiểu rõ mục đích ý nghĩa, nội dung, bản chất và tầm quan trọng của việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm góp phần quan trọng trong công tác chuyên môn, thực hiện thông tin, tuyên truyền trên song truyền hình quốc gia có chất lượng và hiệu quả cao, tạo động lực phát triển cho kinh tế - xã hội đất nước.
Về đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động tài chính của Đài Truyền hình Việt Nam trong tình hình mới, đồng chí Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nêu rõ: Từ năm 2008 đến nay, VTV thực hiện cơ chế quản lý tài chính, lao động, tiền lương như doanh nghiệp nhà nước, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.
Đồng chí khẳng định, VTV đã chọn mô hình phát triển đúng hướng, giúp VTV đang đi vào thế ổn định, phát triển. Cơ cấu tổ chức, bộ máy từng bước được kiện toàn, đội ngũ những người làm truyền hình ngày càng lớn mạnh. Bên cạnh những cán bộ nhiều năm trong nghề, có kinh nghiệm, đã hình thành lớp phóng viên, biên tập viên, cán bộ kỹ thuật trẻ có năng lực, tâm huyết với công việc. Để có được kết quả đó là do thời gian qua Đài truyền hình Việt Nam đã xây dựng được một cơ chế quản lý và đánh giá lao động phù hợp.
Trong năm 2013, cơ cấu tổ chức, bộ máy của các đơn vị trực thuộc VTV được kiện toàn, sắp xếp lại cho phù hợp với thực tiễn và xu thế của truyền hình thế giới: VTV thành lập trung tâm sản xuất các chương trình thể thao, trung tâm Truyền hình thời tiết và cảnh báo thiên tai, Trung tâm tin tức VTV24, đồng thời chính thức khai trương các cơ quan thường trú của VTV tại Trung Quốc, New York, Singapore, Nhật Bản.
Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Nghị định 18 và hướng dẫn thực hiện tại Thông tư của Bộ Tài chính đã thể hiện những ưu việt của cơ chế tài chính, alo động, tiền lương như doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt đối với công tác quản lý và sử dụng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, qua đó nâng cao chất lượng chương trình, mở rộng diện phủ song phục vụ đông đảo khán giả xem đài.
Hiện nay, từ nguồn thu quảng cáo và dịch vụ, VTV đã tự cân đối được kinh phí chi thường xuyên và đầu tư các dự án nhóm B, nhóm C trong điều kiện nhiệm vụ chính trị của VTV ngày càng tăng; đặc biệt VTV đã đóng góp đáng kể nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nộp đầy đủ các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp các khoản nộp ngân sách Nhà nước theo quy định. Doanh thu năm 2013 của VTV đạt trên 4.500 tỷ đồng.
Tại các buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá mặt được, chưa được và nguyên nhân, những thuận lợi, khó khăn; những vấn đề mới đặt ra cần được tiếp tục nghiên cứu, giải đáp để khắc phục cơ bản những hạn chế, yếu kém, đề xuất và kiến nghị các giải pháp tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các đại biểu đi sâu thảo luận các nội dung về: tác động của Nghị quyết Trung ương 6 ( khóa X) đối với đổi mới thể chế và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua quá trình thực tiễn hoạt động ở Bộ Tài chính và Đài Truyền hình Việt Nam.
Phát biểu kết luận tại các buổi sơ kết, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao các báo cáo của Bộ Tài chính và Đài Truyền hình Việt Nam, nội dung báo cáo hết sức cụ thể, các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự sơ kết có những phân tích sâu, đầy đủ các thông tin, đây là tư liệu quý cho Ban Chỉ đạo trong quá trình tiến hành sơ kết.
Thay mặt đoàn công tác Trung ương, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo trân trọng cám ơn các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính và VTV đã sắp xếp thời gian làm việc với đoàn công tác.
Đối với một số vấn đề cần nghiên cứu thêm, đồng chí đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam tiếp tục quan tâm, chỉ đạo hoàn thiện các báo cáo bổ sung cho Ban Chỉ đạo, phục vụ cho công tác sơ kết đạt được kết quả tốt.