Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với chức năng thận, đặc biệt đối với những người gặp vấn đề như thận yếu, suy thận, hay sỏi thận. Vì vậy, nhiều bệnh nhân rất quan tâm đến việc nên ăn gì và kiêng gì để bảo vệ sức khỏe thận.
Trong số các thực phẩm có lợi cho thận, các loại hạt nổi bật với giá trị dinh dưỡng giúp hỗ trợ hoạt động của thận. Hãy cùng tìm hiểu 9 loại hạt bồi bổ thận mà bạn cần nên biết trong bài viết dưới đây để thêm vào chế độ ăn hàng ngày.
Hạt mắc ca
Người có vấn đề về thận nên bổ sung hạt mắc ca vào chế độ ăn vì ít protein, carbohydrate và kali. Loại hạt này chứa nhiều canxi, chất béo lành mạnh, folate, magie, mangan, đồng và sắt.
Người mắc bệnh thận mạn tính có nguy cơ hạ selen trong máu hoặc thiếu selen. Đây là chất dinh dưỡng được cơ thể bài tiết trong quá trình lọc máu. Bổ sung hạt mắc ca vào chế độ ăn uống có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt selen.
Tuy nhiên người bệnh thận đang theo chế độ ăn kiêng không nên ăn mắc ca do chúng chứa hàm lượng phốt pho cao.
Đậu phộng
Theo các nghiên cứu, protein chứa trong đậu phộng cao khoảng 30% và giá trị dinh dưỡng của nó tương đương với trứng, sữa, thịt nạc... được cơ thể dễ dàng hấp thụ.
Đậu phộng rất giàu chất béo, lecithin, vitamin A, vitamin B, vitamin E, canxi, phốt pho, sắt và các yếu tố khác tốt cho sức khỏe của thận. Kết quả từ một thí nghiệm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, resveratrol có trong đậu phộng cũng giúp giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim.
Hạt vừng đen
Hạt vừng đen hay còn được gọi là mè đen, rất giàu lecithin, protein, vitamin E và nhiều khoáng chất. Việc thường xuyên ăn mè đen có lợi cho gan và thận, hai cơ quan quan trọng trong việc thanh lọc và đào thải độc tố, điều hòa huyết áp và lọc máu. Vì vậy, bổ sung mè đen vào chế độ ăn có thể giúp hạn chế tình trạng thiếu máu, ổn định huyết áp và giảm áp lực lên thận. Tuy nhiên, hạt mè đen nguyên vỏ có thể làm cho hệ tiêu hóa khó hấp thụ dưỡng chất. Do đó, nên xay nhuyễn mè đen thành bột hoặc pha thành nước loãng để dễ dàng tiêu hóa và hấp thu các dưỡng chất.
Hạt óc chó
Theo nghiên cứu năm 2016 trên 15.000 người của Trường Đại học Y Phương Nam (Trung Quốc), axit folic có tác dụng làm chậm bệnh thận mạn tính ở người bị suy thận nhẹ đến trung bình. 100 g óc chó chứa 98 µg axit folic. Ăn hạt óc chó giúp giảm viêm thận.
Hạt dẻ
Hạt dẻ là loại thực phẩm có chức năng nuôi dưỡng dạ dày, lá lách, thận và giúp cầm máu, tăng cường cơ bắp. Do đó, chúng ta nên ăn một ít hạt dẻ mỗi ngày để giúp kéo dài tuổi thọ.
Hạt thông
Hạt thông có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm nuôi dưỡng tim và thận, bổ máu, giữ ẩm cho da, và giảm ho. Loại hạt này rất phù hợp cho người già, những người bị lão hóa sớm, mất trí nhớ, chóng mặt và táo bón. Để tận dụng những lợi ích của hạt thông, bạn nên thường xuyên bổ sung vào bữa sáng của mình một lượng vừa phải, kết hợp với lượng đường thích hợp.
Hạt lanh
Hạt lanh có tác dụng cải thiện chức năng thận bằng cách làm giảm độ đặc của máu, giảm mức cholesterol và sưng tấy. Các nghiên cứu này thử nghiệm trên động vật mắc bệnh thận mạn tính cho thấy bổ sung hạt lanh trong chế độ ăn có thể mang đến tác dụng bảo vệ thận.
Hạt hạnh nhân
Hạt hạnh nhân cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu như vitamin E, protein, chất béo, chất xơ, mangan, magie và các chất chống oxy hóa. Với hàm lượng carbs thấp nhưng giàu chất béo lành mạnh, chất xơ và protein, hạt hạnh nhân là lựa chọn hiệu quả cho việc kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt phù hợp cho người mắc bệnh tiểu đường.
Thường xuyên ăn hạt hạnh nhân còn giúp giảm huyết áp, ngăn ngừa suy thận ở những người bị cao huyết áp, và phòng chống các cơn đau tim, đột quỵ. Vỏ hạt hạnh nhân có tác dụng hỗ trợ ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol, giúp giảm áp lực lên thận và cải thiện chức năng thận.
Hạt bí ngô
Chất chống oxy hóa trong hạt bí ngô có tác dụng như thuốc lợi tiểu, hỗ trợ loại bỏ các chất độc hại ra khỏi thận. Ăn hạt bí còn có tác động tích cực đến tuần hoàn cũng như chức năng thận và gan, từ đó ngăn chặn sự tích tụ axit uric trong cơ thể, giảm nguy cơ mắc sỏi thận.