Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh cực hiếm
Báo Tiền Phong đưa tin, ngày 14/12, tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật với chuyên đề “Nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị tai mũi họng” được Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM tổ chức, các bác sĩ đã chính thức công bố về 2 ca mắc bệnh cực hiếm vừa được ghi nhận tại Việt Nam.
Đây là nghiên cứu được TS.BS Lê Trần Quang Minh - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cùng các đồng nghiệp thực hiện trên 2 ca bệnh u nhầy xương bản vuông nguyên phát kèm với nấm cục đã được bệnh viện điều trị thành công.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ 69 tuổi, nhập viện vì đau đầu kéo dài, kém đáp ứng điều trị nội khoa. Bệnh nhân không có tiền căn phẫu thuật mũi xoang hoặc chấn thương đầu trước đó.
Qua nội soi mũi xoang các bác sĩ ghi nhận có dòng dịch nhầy ở vị trí ngách sàng bướm bên phải. CT-scan bác sĩ phát hiện người bệnh bị viêm xoang bướm bên phải và một tổn thương dạng nang nằm phía sau xoang bướm - xương bướm phải.
Sau hội chẩn, bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật nội soi mũi xoang dẫn lưu u nhầy. Các bác sĩ cho biết, quá trình phẫu thuật, ekip ghi nhận, trong nang chứa đầy mủ đục kèm mô nghi nấm. Sau khi dẫn lưu triệt để u nhầy, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh tĩnh, sức khỏe đã hồi phục tốt, không ghi nhận biến chứng. Giải phẫu bệnh sau đó xác nhận mẫu gửi là mô nấm cùng với vỏ bao u nhầy.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ 58 tuổi. Cách nhập viện khoảng 1 tháng, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu và nhìn đôi. Qua thăm khám bác sĩ phát hiện, người bệnh bị liệt vận nhãn ngoài bên trái.
Kiểm tra hình ảnh, bác sĩ phát hiện người bệnh bị phù nề vùng ngách sàng bướm trái, tổn thương dạng nang, kích thước 2cm nằm ở vùng xương bản vuông của xương bướm bên trái. U nhầy khiến người bệnh bị hủy một phần xương bản vuông và chèn ép cấu trúc nội sọ.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi mở xoang bướm 2 bên để dẫn lưu u nhầy. Khi thực hiện phẫu thuật, ekip bác sĩ phát hiện xoang bướm bên trái của người bệnh chứa đầy dịch mủ và mô nghi nấm. Khối u nhầy được mở miệng bao và bơm rửa sạch.
Qua hệ thống định vị, các bác sĩ ghi nhận có một vị trí khuyết xương ở thành sau trên của xương bản vuông, bộc lộ màng não nhưng không ghi nhận chảy dịch não tuỷ, bệnh nhân đã may mắn khi không phải tái tạo sàn sọ. Sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh bình phục tốt, không còn triệu chứng đau đầu hoặc nhìn song thị, không ghi nhận biến chứng.
Từ 2 trường hợp trên, nhóm nghiên cứu cho biết, u nhầy xương bản vuông là một bệnh cảnh lâm sàng cực kỳ hiếm gặp, chỉ có 4 trường hợp được báo cáo trong y văn thế giới. Triệu chứng lâm sàng gây nên do chèn ép cấu trúc xung quanh bao gồm đau đầu, tê vùng mặt, nhìn song thị.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, do là bệnh cực hiếm gặp nên u nhầy xương bản vuông dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác như u tân sinh, cholesterol granuloma, cốt tuỷ viêm sàn sọ, thoát vị não màng não, phình động mạch cảnh… Người bệnh khi có các biểu hiện (nêu trên) cần đến bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị phù hợp.
Nhiều trẻ mắc sởi bị biến chứng viêm phổi
VTV Times đưa tin, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị nội trú cho 270 trẻ bị mắc sởi, trong số đó, có 3 ca nặng phải thở máy, 40 ca thở oxy và 50 ca phải thở áp lực dương qua mũi.
Tính từ đầu tháng 11/2024 đến nay, số ca nhập viện do sởi vẫn liên tục tăng, từ 129 ca ngày 1/11 lên 270 ca vào ngày 12/12. Trong đó, đỉnh điểm cao nhất là ngày 9/12 với 287 ca đang điều trị nội trú. Số ca đến khám ngoại trú cũng tăng từ 76 ca ngày 1/11 lên 271 ca vào ngày 12/12.
Đáng chú ý, hầu hết các ca nhập viện đều bị biến chứng viêm phổi. Trong đó, có 1 ca bị tổn thương gan nặng, đó là bé N.H.M.Q., 12 tháng tuổi, ngụ tại phường Long Bình (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Bé Q., nhập viện trong tình trạng sốt cao 39 độ 7 ngày liên tục, tiêu phân lỏng 3-4 lần/ngày, ho, sổ mũi. Ngày thứ 7 sau khi phát bệnh, bé vẫn còn sốt cao, phát ban vùng mặt, li bì.
Để thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị bệnh sởi, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã bố trí khu khám và điều trị bệnh sởi riêng với công suất khoảng 250-300 bệnh nhân/24h và 250-300 giường bệnh nội trú. Đồng thời, dành riêng 6 giường tại khu cấp cứu và 15 giường tại khoa hồi sức tích cực cho bệnh nhân sởi.
Tính đến nay, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận hơn 4.600 ca mắc sởi, trong đó có 2 ca tử vong. Các địa phương trong tỉnh hiện đang rà soát, tổ chức tiêm bổ sung sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi. Nếu trẻ chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng sởi, phụ huynh hãy đưa con em đi tiêm vì đây là giải pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh sởi.
Người đàn ông mắc liên cầu lợn, nghi do ăn thịt lợn luộc ở quán cơm
VietNamNet dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận trường hợp mắc liên cầu lợn, nghi ngờ do ăn thịt lợn luộc ở quán cơm.
Cụ thể, ngày 2/12, ông C.T. (59 tuổi, trú TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế làm nghề thợ nề) sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ. Sáng 3/12, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế với chẩn đoán ban đầu sốc nhiễm khuẩn từ đường tiêu hóa.
Sau đó, người đàn ông này xuất hiện tử ban trên da, rối loạn đông máu, nghi ngờ bệnh liên cầu lợn và được lấy máu xét nghiệm, cấy máu và điều trị tích cực chống nhiễm trùng.
Ngày 6/12, kết quả xét nghiệm cấy máu cho thấy bệnh nhân dương tính với Streptococcus Suis II (liên cầu lợn), được điều trị bệnh theo phác đồ của Bộ Y tế. Tình trạng bệnh nhân ổn định, tiến triển tốt trong những ngày tiếp theo và được chuyển về khoa Nội điều trị tiếp.
Đến ngày 9/12, bệnh nhân sốt 38 độ C, ban sung huyết, xuất huyết rải rác vùng cẳng chân, vành tai, hoại tử khô đầu ngón tay. Bác sĩ chẩn đoán ông T. viêm màng não mủ do liên cầu lợn nên đã chuyển sang khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Huế) để tiếp tục điều trị theo đúng chuyên khoa.
Theo người thân, gia đình không nuôi lợn, ăn tiết canh, lòng lợn, nem chua. Trước khi khởi phát triệu chứng 2 ngày, bệnh nhân ăn cơm trưa với món thịt lợn luộc ở quán không biết địa chỉ.
Liên cầu lợn là bệnh do vi khuẩn Streptococcus Suis gây ra, lây sang người có thể do tiếp xúc với lợn bị bệnh mang vi khuẩn hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh như máu, thịt, lòng… Thói quen ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín như nem chua, nem chạo dễ dẫn tới mắc bệnh này.
Để phòng bệnh, người dân không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh. Đồng thời, không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không ăn tiết canh, các món chưa nấu chín. Khi giết mổ lợn cần sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác. Người chế biến thịt lợn cần thường xuyên rửa tay với xà phòng.