Báo Nhà Báo & Công Luận đưa tin, ngày 14/12, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) vừa tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than hoa.
Thông tin ban đầu, vào khoảng 10h ngày 13/12, không thấy vợ chồng ông M.V.H. (SN 1971) và bà P.T.H. (SN 1974) ra khỏi nhà, hàng xóm đã vào gọi.
Khi vào trong nhà, người hàng xóm tá hỏa khi phát hiện ông H. đã tử vong trong phòng ngủ, còn người vợ đang trong tình trạng nguy kịch nên đưa đã hô hào người dân hỗ trợ đưa đi cấp cứu.
Tại phòng ngủ, người dân phát hiện một lò than sưởi ấm, trong khi căn phòng được đóng kín. Cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân có thể do ngạt khí khi đốt than sưởi.
Hiện tại, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy đang cố gắng sử dụng các biện pháp điều trị tích cực để hạn chế những biến chứng cho nữ bệnh nhân trong thời gian tới.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật, rét đậm, rét hại kéo dài những ngày qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân. Để chống chọi với giá rét, nhiều người dân đã sử dụng các biện pháp sưởi ấm, trong đó có việc đốt than, củi trong không gian kín.
Tuy nhiên, cách sưởi ấm này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Việc đốt than sẽ tạo ra khí CO, khi hít phải lượng lớn khí này có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính.
Có 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…
Hầu hết trường hợp ngạt khí khi ngủ không thể kêu cứu, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc đặt than trong nhà, phòng để sưởi cũng có thể gây hỏa hoạn, bỏng do cháy quần áo, chăn đệm.
Để hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra từ việc sử dụng các biện pháp sưởi ấm không đúng cách, các chuyên gia y tế khuyên người dân trong điều kiện thời tiết lạnh rét mùa đông không được sưởi than củi và đóng kín cửa trong nhà. Nếu bắt buộc sưởi ấm thì cần mở cửa sổ, cửa phòng thông thoáng.
Khi phát hiện người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc.
Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở thì hô hấp nhân tạo theo điều kiện tại chỗ, nếu ngừng tuần hoàn thì cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau khi sơ cứu, cần đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị tiếp.