Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã nêu ra văn bản ngày 7/9/2010 do ông Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐTV tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) ký với OceanBank.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp và luật sư Đào Hữu Đăng bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm trình bày, trong suốt quá trình điều tra, bị cáo Hà Văn Thắm đã rất thành khẩn khai báo, chứ không phải là không thành khẩn như VKS quy kết.
Luật sư Đào Hữu Đăng bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm |
Liên quan đến khoản tiền 500 tỷ đồng OceanBank cho công ty Trung Dung vay, các vị luật sư cho rằng không thể căn cứ vào việc sử dụng tài sản đảm bảo là căn cứ duy nhất để cáo buộc hành vi phạm tội này với bị cáo Thắm. Bởi OceanBank vẫn có thể căn cứ vào các điều kiện khác để cho công ty Trung Dung vay tiền.
Về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cáo trạng kết luận tổng số tiền OceanBank chi lãi ngoài hơn 1.500 tỷ đồng.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa này, Hà Văn Thắm hoàn toàn thừa nhận việc chi lãi ngoài là trái quy định. Nhưng theo quan điểm bào chữa của hai vị luật sư cho rằng, điều mấu chốt cần đi sâu trong vụ án này chính là xem xét tới vấn đề có gây thiệt hại cho OceanBank hay không thì phải xem xét tới nguyên nhân và hoàn cảnh xảy ra vụ án.
Luật sư trình bày bản thân Hà Văn Thắm và các bị cáo khác không muốn làm trái quy định của Thông tư 02 nhưng do hoàn cảnh bắt buộc. Hà Văn Thắm đã nghiêm túc thực hiện và có chỉ thị ngừng trên hệ thống. Tuy nhiên, OceanBank là ngân hàng nhỏ không có tác động lớn trên thị trường – hành vi của OceanBank đi ngược lại với xu thế chung, gây sụt giảm tiền gửi từ 12.000 tỷ đồng còn 5.000 tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn.
"Nhiều Giám đốc chi nhánh khai, nhìn thấy xe chở tiền đi, khách hàng đến rút tiền về mà như rút ruột mình ra”, luật sư viện dẫn.
Do vậy nếu tiếp tục dừng chi lãi ngoài thì ngân hàng vỡ, buộc Hà Văn Thắm phải tiếp tục thực hiện việc chi lãi ngoài.
Theo đánh giá của luật sư bào chữa cho Hà Văn Thắm thì OceanBank là ngân hàng trung thực, duy nhất chấp hành Chỉ thị 02 và cũng là ngân hàng duy nhất bị xử lý trách nhiệm hình sự, điều này là thiếu công bằng.
Thực hiện điều này, chính bị cáo Thắm cũng nghĩ chỉ có thể xử phạt hành chính chứ không nghĩ mình lại trở thành bị cáo trong vụ án này. Bởi suy nghĩ đó mà việc kế toán, hạch toán tại OceanBank diễn ra rất minh bạch, sau này cơ quan điều tra cũng dễ dàng tiếp cận bởi chính Hà Văn Thắm không có ý định bao che, thậm chí còn chỉ đạo kế toán làm minh bạch.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cũng đồng tình với quan điểm của 2 vị luật sư đồng nghiệp.
Trước khi trình bày bản luận cứ bào chữa cho bị cáo Sơn, luật sư Tâm bày tỏ thái độ không đồng tình với bản luận tội của VKS khi cho rằng, lời luận tội của VKS không khác gì bản cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố các bị cáo mà chưa xem xét đến các tình tiết phát sinh trong quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn |
Luật sư Tâm bác bỏ quan điểm luận tội của VKS khi cho rằng, bị cáo Sơn ngoan cố khi chỉ dựa vào việc bị cáo này thay đổi lời khai trong 2 lần mở tòa.
Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát, Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo OceanBank phải chi tiền lãi ngoài, nhằm thực hiện mục đích cá nhân.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã nêu ra văn bản ngày 7/9/2010 do ông Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐTV tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) ký với OceanBank, có nội dung: “Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OeanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010”.
Đó là Văn bản số 6843 yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải thực hiện mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank bao gồm: Cấp phát vốn, thanh toán, gửi tiền và các dịch vụ tài chính khác, trong đó có các quan hệ tài chính giữa các đơn vị với nhau.
Văn bản thể hiện rất rõ tinh thần chỉ đạo của ông Đinh La Thăng. Luật sư Tâm cho rằng không cần xét hình thức chỉ đạo, cần phải xét nội dung chỉ đạo và đây là chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV chứ không phải của Tổng giám đốc PVN.
Luật sư Tâm cũng chỉ ra, tội Tham ô quy định rất rõ về chủ thể của tội này phải là người có chức vụ quyền hạn, có trách nhiệm quản lý tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn đó để chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư Tâm thì Sơn không phải là đại diện nguồn vốn của PVN tại OceanBank và cũng chưa bao giờ là đại diện nguồn vốn của PVN tại OceanBank. Nhưng nếu có là đại diện nguồn vốn thì Sơn cũng không phải là người có chức vụ quyền hạn, không phải là người quản lý tài sản của OceanBank để chiếm đoạt.
Không đủ các yếu tố cấu thành tội Tham ô để cáo buộc bị cáo Sơn. Do vậy, luật sư đề nghị HĐXX xem xét và tuyên bố Nguyễn Xuân Sơn không phạm tội Tham ô tài sản.
Tư Viễn