+Aa-
    Zalo

    Xót ruột nhìn hai toà tháp nghìn tỷ của HUD, Vicem bỏ hoang cả thập kỷ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hai tòa tháp nghìn tỷ của Tập đoàn HUD và Tổng công ty Xi măng Việt Nam "trơ gan cùng tuế nguyệt" sau chục năm thi công...

    Với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, thế nhưng sau gần 10 năm thi công, những dự án này vẫn đang bị bỏ hoang hoặc mới bắt đầu đi vào hoạt động khiến người dân không khỏi xót xa.

    Vicem Tower "chết yểu" sau 8 năm thi công

    Nằm cạnh cạnh tòa nhà Keangnam, dự án Vicem Tower do Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) làm chủ đầu tư được xây dựng trên trục đường vành đai 3 Phạm Hùng (Hà Nội), với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại.

    Dự án Vicem Tower chỉ mới xây dựng xong phần thô sau 8 năm thi công.

    Vicem Tower được xây dựng theo quy mô hạng A trên diện tích 8.476m2, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và bốn tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 78.270m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.952 tỷ đồng.

    Được khởi công từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau ba năm nhưng công trình Vicem Tower mới chỉ xong phần xây thô và chủ đầu tư đã phải lùi thời hạn hoàn tất sang quý 3/2017.

    Bên cạnh đó, số vốn đầu tư cũng tăng lên 2.743 tỷ đồng, tăng thêm gần 800 tỷ đồng so với ban đầu.

    Cổng trước dự án luôn trong tình trạng cửa đóng then cài.

    Liên quan tới công trình này, ngày 20/3/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo việc chuyển nhượng dự án.

    Được biết, dự án hoàn thành phần thô sau khi ngưng tiến độ từ năm 2015 do Vicem đã có chủ trương chuyển nhượng cho đối tác khác nên chỉ thực hiện những gói thầu đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng thi công.

    Theo báo cáo của Vicem, lý do của việc chuyển nhượng là do trong khi lập, phê duyệt dự án đã không đánh giá đúng giá cho thuê văn phòng thị trường Hà Nội (giá thuê lập 45-50 USD/tháng nhưng giá tham khảo cùng thời điểm chỉ 28 USD/tháng). Do đó, nếu dự án tiếp tục thực hiện sẽ không đảm bảo hiệu quả đầu tư.

    Ngoài ra, theo chủ trương của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

    Vì vậy, từ năm 2015, Vicem đã xúc tiến và báo cáo Bộ Xây dựng xin chuyển nhượng dự án.

    Phía sau Vicem Tower trở thành nơi để tập kết rác hay được dán chằng chịt những tờ rơi quảng cáo.

    HUD "mắc kẹt" trong dự án nghìn tỷ

    Là "hàng xóm" của Vicem, toà nhà văn phòng hạng A HUD Tower được xây dựng trên khu đất 6.500m2, có vị trí đắc địa góc ngã tư đường Lê Văn Lương (Hà Nội), tổng diện tích sàn khoảng 70.000m2.

    Đây là một trong những dự án nghìn tỷ được Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Tổng công ty HUD) đầu tư giai đoạn trước 2011 với tổng mức đầu tư được cho là 2.000 tỷ đồng.

    Dự án HUD Tower của Tổng công ty HUD.

    Công trình có 3 tầng hầm đáp ứng đủ nhu cầu đỗ xe cho tòa nhà, phần nổi gồm hai khối nhà cao 32 tầng và 27 tầng với đầy đủ công năng thương mại, văn phòng gồm nhiều dịch vụ tiện ích cao cấp. Công trình được thiết kế bởi Công ty tư vấn KYTA Singapore.

    Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vì thiếu vốn nên dư án này không thể hoàn thiện đúng kế hoạch, nhiều lần phải tạm dừng thi công. Đến nay, sau 8 năm thi công công trình mới đang bước vào hoàn thiện để khai thác sử dụng.

    Trong thời gian qua, HUD liên tục đưa ra phương án muốn bán toà bộ dự án này để thu hồi vốn nhưng đến nay dự án vẫn chưa được chuyển nhượng.

    Dự án nghìn tỷ nằm trên vị thế đắc địa tại đường Lê Văn Lương, Hà Nội.

    Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2010, đã thực hiện nộp tiền thuê đất một lần cho hết thời gian thuê (ngày 30/7/2059). Giá trị đầu tư tính đến thời điểm 31/3/2018 khoảng 1.540 tỷ đồng.

    Với thực trạng sử dụng và kinh doanh hiện tại, việc chuyển nhượng toàn bộ dự án theo Văn bản chấp thuận số 2667/BXD-KHTC ngày 22/10/2014 của Bộ Xây dựng sẽ khó khả thi và không thực hiện được.

    Sau 8 năm thi công, HUD Tower mới đang bước vào hoàn thiện để khai thác sử dụng.

    Do vậy, trước nhu cầu của khách hàng cũng như áp lực thu hồi vốn đầu tư, ngày 22/5/2018, Tổng Cty HUD đã có Văn bản số 1103/HUD-KD về việc chuyển nhượng một phần Dự án HUD Tower, tại lô đất 2.4-NO, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội gửi Bộ Xây dựng.

    Sau đó,  Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1682 "Chấp thuận để Tổng công ty HUD nghiên cứu các hình thức kinh doanh đối với tòa nhà HUD Tower - Dự án Trụ sở Tổng công ty HUD kết hợp với văn phòng cho thuê bao gồm: Chuyển nhượng một phần diện tích sàn văn phòng, diện tích sàn thương mại hoặc chuyển nhượng một phần dự án; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi Hội đồng thành viên Tổng công ty HUD thống nhất hình thức kinh doanh, báo cáo Bộ phương án chi tiết trước khi thực hiện".

    HUD Tower gồm hai toàn tháp được thiết kế độc đáo theo hình dáng của 2 cánh buồm cong vút lên cao tạo thành điểm nhấn kiến trúc của khu vực.

    Theo nghiên cứu đánh giá của một số công ty nghiên cứu thị trường, văn phòng cho thuê tại phía Tây Hà Nội vẫn khá dồi dào với rất nhiều toà nhà lớn như Keangnam, Chamvit, Handico Tower,... vì thế, với 70.000m2 sàn văn phòng hạng A của HUD Tower có đi vào hoạt động cũng là một thách thức lớn với HUD.

    Cho đến hiện nay, tòa tháp biểu tượng trên đường Lê Văn Lương của Tập đoàn HUD vẫn án binh bất động, cả tòa nhà nghìn tỷ không một bóng người lai vãng mỗi ngày...

    Nguyễn Phượng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xot-ruot-nhin-hai-toa-thap-nghin-ty-cua-hud-vicem-bo-hoang-ca-thap-ky-a278072.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan