Bên hành lang Quốc hội sáng nay (25/10), Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an - đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vụ án Giang Kim Đạt.
Phóng viên Dân Việt đặt câu hỏi với Thượng tướng Lê Quý Vương: Bố của Giang Kim Đạt là Giang Văn Hiển bị truy tố về tội rửa tiền, đây có phải tội danh rất ít khi áp dụng tại Việt Nam?
Tướng Vương cho biết: "Chúng ta đã tham gia Công ước quốc tế về phòng, chống khủng bố, phòng chống hoạt động rửa tiền, cũng là một thành viên của Công ước nên phải tích cực phòng, chống hoạt động rửa tiền. Ngăn chặn rửa tiền có nghĩa là ngăn chặn hành vi của đối tượng có khoản tiền thu được từ hoạt động bất hợp pháp chuyển ra nước ngoài hoặc đối tượng thay đổi bằng hình thức khác để làm sạch đồng tiền".
Thượng tướng Lê Quý Vương thừa nhận vụ án Giang Kim Đạt là điển hình của tội phạm tham nhũng và rửa tiền.
Thượng tướng Lê Quý Vương. |
"Chính vì thế, lực lượng công an có quyết tâm rất cao khi tham gia vào vụ án này để thu hồi lại tiền và tài sản, dù vụ Giang Kim Đạt đã xảy ra từ lâu. Sau khi phạm tội, đối tượng Giang Kim Đạt đã phải bỏ trốn ra nước ngoài, lực lượng công an phải truy bắt rất vất vả" - tướng Vương cho biết.
Liên quan đến vụ án Giang Kim Đạt, hôm qua 24/10, Viện KSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 4 bị can gồm: Trần Văn Liêm - 61 tuổi, trú tại phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines); Trần Văn Khương - 66 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines; Giang Kim Đạt - 39 tuổi, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines. Cả ba bị truy tố về tội Tham ô tài sản.Còn Giang Văn Hiển - 66 tuổi, bố của Giang Kim Đạt, trú tại phường Bình An, quận 2, TP. HCM - bị truy tố về tội Rửa tiền.
Theo cáo trạng, từ tháng 7/2006 đến tháng 3/2007, Trần Văn Liêm ký hợp đồng mua 3 tàu Vinashin Summer, Vinashin Island, Vinashin Phoenix và giao Giang Kim Đạt đàm phán mua tàu. Giang Kim Đạt đã đàm phán với công ty môi giới là Marvin Shipping LTD mua tàu Vinashin Summer của Panama với giá 6,25 triệu USD, được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua tàu; tàu Vinashin Island mua từ Croatia, giá 5,95 triệu USD, hoa hồng 3,75%; tàu VinashinPhoenix mua từ Hy Lạp, giá 21,55 triệu USD, hoa hồng 2%. Trong các mức hoa hồng được hưởng trên, Giang Kim Đạt thỏa thuận trích lại cho công ty môi giới 10%. Tính chung tổng số tiền hoa hồng mua 3 con tàu trên trích lại cho công ty môi giới gần 11,5 tỷ đồng và đều được chuyển khoản vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển.
Các bị can còn có hành vi chiếm đoạt tiền cho thuê ngoài hợp đồng đối với 9 con tàu. Cụ thể, trong thời gian từ tháng 5.2006 đến tháng 6.2008, thông qua các công ty môi giới, các bị can Liêm, Đạt và Khương thỏa thuận với các chủ tàu, gửi giá cước cho thuê ngoài hợp đồng 9 con tàu để chiếm đoạt của Vinashinlines trên 249 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, các bị can Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt Vinashinlines tổng số tiền 260,5 tỷ đồng. Trong đó, bị can Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, bị can Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng, bị can Khương chiếm đoạt 110.000USD.
Theo hồ sơ điều tra, để che giấu nguồn tiền tham ô, Giang Kim Đạt nhờ bố là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ, mua 40 bất động sản gồm nhà ở, biệt thự, đất đai ở TP. HCM, Hà Nội, TP. Nha Trang - Khánh Hòa… cùng 13 ô tô đứng tên ông Hiển và người thân trong gia đình.
Vụ án Giang Kim Đạt là một trong 6 vụ đại án tham nhũng, kinh tế được Ban thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo đưa ra xét xử từ nay đến cuối năm 2016 và đầu năm 2017. |
Xem thêm video:
[mecloud]op1e1woytn[/mecloud]