(ĐSPL) - Sau kháng nghị hủy bản án tuyên phạt tử hình đối với bị cáo Hàn Đức Long của TAND Tối cao, dư luận băn khoăn, đây sẽ là vụ "Nguyễn Thanh Chấn" thứ 2?
Chiều 26/5, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết, cơ quan này đã ra kháng nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm từng tuyên phạt tử hình đối với bị cáo Hàn Đức Long (SN 1959, trú tại thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) về hai tội danh Hiếp dâm trẻ em và Giết người. Theo đó, đây đã là lần thứ hai bản án tử đối với Hàn Đức Long được kháng nghị. Lần thứ nhất vào năm 2009. Tuy nhiên, kết quả vẫn không có gì thay đổi và bị cáo Long vẫn bị
tuyên án tử hình.
|
Bị cáo Hàn Đức Long trong một phiên tòa xét xử. |
Bốn lần xử vẫn không thoát án tử
Thời gian qua, báo Đời sống và Pháp luật đã đăng tải loại bài dài kỳ về trường hợp nghi oan sai của bị cáo Hàn Đức Long (SN 1959, trú tại thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), được bạn đọc cả nước quan tâm và nhận thấy có nhiều tình tiết tương đồng với vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).
Vụ "kỳ án" kéo dài suốt 9 năm qua của Hàn Đức Long bắt đầu bằng vụ mất tích bí ẩn và cái chết tức tưởi của cháu Nguyễn Thị Y. (SN 2000, là hàng xóm của Long) vào chiều tối 26/6/2005 tại cánh đồng thôn Yên Lý. Theo đó, sau khi phát hiện các dấu hiệu chứng tỏ cháu Y. bị xâm hại trước khi bị giết chết, cơ quan Công an huyện Tân Yên và tỉnh Bắc Giang đã tích cực vào cuộc điều tra, sàng lọc tổng cộng 27 đối tượng tình nghi (không có Hàn Đức Long - PV) nhưng vẫn không đạt kết quả. Sau 4 tháng quanh quẩn trong ngõ cụt, vụ án buộc phải đình chỉ điều tra.
Thế nhưng sau đó không lâu, chỉ trong vòng một tuần, lần lượt bà K. (75 tuổi) và con gái bà là chị N. (46 tuổi, người cùng thôn Yên Lý) cùng đâm đơn tố giác lên cơ quan chức năng về việc bị Hàn Đức Long tấn công tình dục. Hậu quả, Long bị công an huyện bắt tạm giam để điều tra về hành vi này. Mặc dù bị bắt tạm giam liên quan đến đơn thư tố giác của mẹ con chị K. nhưng không hiểu tại sao, trong quá trình giam giữ,
Hàn Đức Long bỗng nhận mình chính là thủ phạm hiếp dâm và giết cháu Y..
Tại các phiên xét xử, tội ác của Long được miêu tả lại thông qua những gì Long khai trong bản cung: Chiều 26/6/2005, Long chở thóc bằng xe cải tiến đến nhà anh Diêm Quảng Nam ở cùng thôn để xát thóc. Nhưng vì mất điện và đông khách, phải chờ đợi lâu, Long đi bộ sang quán bán hàng của vợ chồng anh Nguyễn Đình Sơn, chị Đoàn Thị Liễu thì gặp cháu Nguyễn Thị Y. sinh tháng 7/2000 (là con của anh Sơn và chị Liễu) đang ngồi trước sân. Long hỏi cháu Y. và biết bố mẹ cháu không có nhà, cháu Y. cũng không biết Long là ai. Theo Long khai, lúc này xung quanh không có người, trời lại nhá nhem tối, Long nảy sinh ý định bắt cháu Y. đưa ra đồng hãm hiếp rồi thủ tiêu luôn. Sau khi thực hiện hành vi thú tính, không biết cháu Y. còn sống hay đã chết, Long lạnh lùng hất cháu xuống lòng mương. Sau đó, Long quay lại xát gạo, về nhà ăn cơm tối. Nghe thông báo cháu Y. mất tích, Long còn sang nhà anh Sơn, chị Liễu nghe việc cháu Y. đến khuya mới về nhà ngủ.
Tuy nhiên, cũng ngay tại tòa, Hàn Đức Long phản cung, một mực kêu oan, cho rằng những lời khai trên bị ép viết, nếu không sẽ bị các điều tra viên đánh đập, tra tấn. Thế nhưng HĐXX vẫn tuyên án Long phạm tội
Hiếp dâm trẻ em và Giết người với mức án tử hình.
Tin tưởng chồng vô tội, chị Nguyễn Thị Mai (vợ Long) đã bán gần như tất cả mọi thứ có thể để "gõ cửa kêu oan", đến nay đã gần 9 năm trôi qua nhưng bản án của Hàn Đức Long sau bốn lần xử vẫn giữ nguyên mức án tử hình.
|
Bà Mai (vợ bị cáo Long) cùng người thân trước chồng đơn thư kêu oan. |
Vi phạm nghiêm trọng về tố tụng
Bên hành lang Quốc hội chiều 26/5, theo lời Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, bản kháng nghị giám đốc thẩm mới đây liên quan đến vụ án của Hàn Đức Long có số hiệu 29, được ký ngày 9/5/2014, có nội dung kháng nghị hủy án phúc thẩm và sơ thẩm do "vi phạm nghiêm trọng về tố tụng và nội dung, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kết án Hàn Đức Long".
Ngoài ra, ông Nguyễn Sơn cũng cho biết, TAND Tối cao vừa có văn bản gửi các cơ quan tố tụng, kháng nghị bản án của Hàn Đức Long theo hướng hủy án điều tra lại. "Sau khi TAND Tối cao kháng nghị thì VKSND Tối cao còn phải xem xét lại hồ sơ vụ án này", ông Sơn nói.
Đáng chú ý, trước đó, cũng tại vụ án này, ngày 3/3/2009, TAND Tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 504 ngày 25/6/2007, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm trước đó; giao VKSND Tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.
Lý do Bản án phúc thẩm và Bản án sơ thẩm bị hủy được đưa ra là: "Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội ban đầu của bị cáo, chưa phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện các chứng cứ khác có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo; nhiều tài liệu do cơ quan điều tra thu thập còn mâu thuẫn với lời khai nhận tội; nhiều chứng cứ quan trọng chưa được điều tra, làm rõ".
Sau đó, quá trình điều tra xét xử lại thì Hàn Đức Long vẫn bị TAND tỉnh Bắc Giang và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên án tử hình. Tuy nhiên, trong loạt bài đã đăng tải, báo Đời sống và Pháp luật đã dẫn chứng đầy đủ việc cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã tự ý bỏ ngoài hồ sơ vụ án 49 bút lục; không có bất cứ một chứng cứ nào, kể cả trực tiếp và gián tiếp; trước, sau chỉ dựa vào lời khai của bị cáo trong trại giam để kết tội, dù trước toà, bị cáo một mực kêu oan.
Liên quan đến liên tiếp những vụ án oan sai và nghi oan sai gần đây cùng trách nhiệm của những người "cầm cân nảy mực", ông Sơn thừa nhận, những cán bộ tham gia tố tụng, xét xử đối với một người bị oan sai nào đó, dù đã về hưu thì vẫn phải xem xét trách nhiệm. Nếu phải bồi thường thì phải áp dụng đúng theo quy định của Nhà nước về trách nhiệm bồi thường. "Làm án này nhiều khi khó mà xác định được cố tình hay không. Nếu cố tình thì chắc chắn bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật rồi", ông Sơn nói.
Chiều cùng ngày, trả lời PV báo Đời sống và Pháp luật qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Mai (vợ Hàn Đức Long) xúc động cho biết, cá nhân bà và gia đình rất vui khi biết vụ án của chồng bà đã được kháng nghị hủy án. "Tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào liên quan đến việc này. Tôi cũng mới chỉ được luật sư thông báo qua điện thoại. Dẫu sao tôi cũng rất vui, bao nhiêu năm vất vả cũng đã có kết quả bước đầu. Hy vọng lần này các cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, xét xử thật công tâm, trả lại danh dự cho người vô tội", bà Mai nói.
Sẽ là “vụ Nguyễn Thanh Chấn” tiếp theo? Vụ án của Hàn Đức Long có sự trùng hợp với vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn ở chỗ, cả hai đều có "đơn tự thú" sau khi bị triệu tập lên cơ quan điều tra, đều kêu oan và tố cáo các Điều tra viên đã đánh đập, ép phải nhận tội. Ngoài ra, Kiểm sát viên của cả hai vụ án này đều là ông Đặng Thế Vinh (VKSND tỉnh Bắc Giang). Mới đây, ông Đặng Thế Vinh đã bị cơ quan điều tra VKSNDTC khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Làm sai lệch hồ sơ vụ án trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn. Tuy nhiên, ông Chấn "may mắn" hơn khi hung thủ đích thực của vụ án đã ra nhận tội. Cần xem xét trách nhiệm toàn diện của TAND tỉnh Bắc Giang Cũng trong buổi trao đổi với PV, trước câu hỏi về việc nhiều vụ án oan, nghi oan xảy ra liên tiếp ở tỉnh Bắc Giang có xem xét một cách toàn diện năng lực của TAND tỉnh Bắc Giang không, ông Nguyễn Sơn cho biết, khi xét xử vụ án thì phải xem xét nguyên nhân, điều kiện sai phạm của cơ quan tổ chức để có biện pháp khắc phục, quán triệt làm sao lấy đó làm bài học, do mỗi cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm riêng trong lĩnh vực quản lý. Đối với vụ án của bà Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang), ông Nguyễn Sơn cho biết, đến giờ chưa nhận được văn bản của VKSND Tối cao. Tuy nhiên, theo nguyên tắc thì Tòa hình sự TAND Tối cao sẽ phải xét xử lại vụ án này theo đề nghị của VKSND Tối cao; việc quyết định thế nào sẽ do hội đồng xét xử quyết định. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-han-duc-long-se-la-vu-nguyen-thanh-chan-tiep-theo-a34810.html