+Aa-
    Zalo

    Vụ dân bắt đền tài xế ôtô 400 triệu sau tai nạn chết người: Có phạm tội cướp tài sản?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nếu tài xế đưa tiền trong trường hợp bị gia đình nạn nhân và người dân dùng vũ lực, lời nói đe dọa, khi đó tùy theo tính chất và mức độ có dấu hiệu tội cướp tài sản.

    Theo luật sư, nếu tài xế đưa tiền trong trường hợp bị gia đình nạn nhân và người dân sử dụng vũ lực, có lời nói đe dọa để bắt ép phải đưa, khi đó tùy theo tính chất và mức độ, vụ việc có dấu hiệu phạm tội Cướp tài sản.

    Mới đây, dư luận xôn xao trước một vụ tai nạn xảy ra tại Km108+600 QL4D đoạn qua xã Sa Pả (Sa Pa) khiến một người tử vong tại chỗ. Điều đáng nói là sau khi nhận được tin báo, gia đình nạn nhân, người dân địa phương kéo ra phong tỏa hiện trường đòi bồi thường 400 triệu đồng mới cho công an vào làm nhiệm vụ. Vụ việc khiến giao thông tuyến QL4D bị ùn tắc nhiều tiếng đồng hồ.

    Hàng trăm người thân, bạn bè của nạn nhân kéo xuống hiện trường đòi bồi thường gây khó khăn cho công tác giải quyết tai nạn - Ảnh: Báo Giao thông

    Liên quan đến những vấn đề pháp lý của vụ việc, trao đổi trên báo chí, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), trước hết cần xác định lỗi của các bên tham gia giao thông mới có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Người nào vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.

    Nếu có căn cứ xác định lái xe ôtô không có lỗi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi đó, hai bên tự thỏa thuận bồi thường dân sự. Nếu không đồng nhất, vụ việc sẽ do toán án dân sự phân xử.

    Căn cứ thông tin ban đầu vụ việc, luật sư Thơm cho rằng việc người nhà nạn nhân và dân địa phương đòi tài xế ôtô 400 triệu vì làm chết người, đó là yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự. Lúc đó, có thể do họ bức xúc, chưa biết đúng sai nên yêu cầu lái xe đưa tiền để lo các chi phí. Sau đó, người lái ôtô đã đưa 200 triệu.

    Ông Thơm nhận định, nếu tài xế đưa tiền trong trường hợp bị gia đình nạn nhân và người dân sử dụng vũ lực, có lời nói đe dọa để bắt ép phải đưa, khi đó tùy theo tính chất và mức độ, vụ việc có dấu hiệu phạm tội Cướp tài sản theo Điều 168 hoặc tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự.

    Còn việc bồi thường 200 triệu do lái xe ôtô và gia đình nạn nhân thỏa thuận trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng, thì đó có thể được coi là bồi thường dân sự.

    “Một số người dân có hành vi quá khích, say rượu nếu có hành vi gây mất trật tự, cản trở việc đưa thi thể ra khỏi hiện trường, cản trở điều tra giải quyết tai nạn giao thông thì tùy theo tính chất mức độ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330, BLHS 2015, hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này theo quy định tại các Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”, luật sư Thơm cho biết thêm.

    Cũng liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Hà Nội) bày tỏ quan điểm rằng, thứ nhất, việc người dân để thi thể nạn nhân ở giữa nơi công cộng, giữa lòng đường dẫn đến ùn tắc giao thông đã có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng theo qui định của điều 318 Bộ luật hình sự.

    Thứ hai, việc gây sức ép tài xế phải bồi thường mà không có bất kì một quyết định nào của cơ quan nhà nước khi chưa có sự phân giải của pháp luật, lợi dụng đông người gây sức ép, gây khó khăn, buộc tài xế phải bồi thường dẫn đến có dấu hiệu của hành vi "cưỡng đoạt tài sản".

    "Để chứng minh được có hay không việc tự nguyện trả tiền của hai người tài xế và việc cưỡng đoạt tài sản của người dân thì cơ quan chức năng cần phải khởi tố vụ án để điều tra", luật sư nói.

    Vị luật sư đưa ra lời khuyên, qua sự việc này, người dân cũng cần rút kinh nghiệm, việc bồi thường nếu không thỏa đáng sẽ có tòa án giải quyết hoặc trên cơ sở tự nguyện giữa người gây ra tai nạn và phía bị hại, chứ không thể bắt ép, giữ người gây tai nạn để yêu cầu bồi thường, điều đó rất dễ dẫn đến hành vi "cưỡng đoạt tài sản" theo qui định của BLHS.

    Do đó, những hành vi trên trong vụ việc cần phải có cơ quan điều tra để xác định lỗi của ai, sau đó mới kết luận được việc có hay không có vụ án hình sự, trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ việc", luật sư Trần Tuấn Anh nêu quan điểm.

    Theo thông tin ban đầu, trưa 1/3, Hạng A Câu (15 tuổi, ở xã Sa Pả) đi xe máy trên quốc lộ 4D. Khi qua đoạn thuộc thôn Sa Pả (cùng xã), xe máy này tông trực diện ôtô con do anh Nguyễn Trọng Nghĩa (30 tuổi, ở TP Lào Cai) điều khiển. Sau tai nạn, Câu tử vong.

    Người nhà nạn nhân và người dân địa phương đã bao vây, đòi anh Nghĩa bồi thường 400 triệu đồng mới cho cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường. Vụ việc gây ùn tắc quốc lộ nhiều giờ.

    Dù công an vận động nhưng đám đông vẫn không cho di chuyển thi thể. Sau đó, anh Nghĩa đã đưa cho gia đình Câu 200 triệu. 18h cùng ngày, đoạn đường mới thông xe.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-dan-bat-den-tai-xe-oto-400-trieu-sau-tai-nan-chet-nguoi-co-pham-toi-cuop-tai-san-a265115.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan