(ĐSPL) – Luật sư cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của các điều tra viên và cán bộ tham gia giám định đã "để lọt" tài liệu giả mạo trong vụ án này.
Viện KSND tối cao vừa có kháng nghị Giám đốc thẩm và quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án số 565/2013/HSPT ngày 10/9/2013 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã xử phạt Vũ Ngọc Dương (27 tuổi, trú tại phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) 30 tháng tù về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Viện KSND tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với Vũ Ngọc Dương để điều tra lại.
Theo kết quả điều tra của Cơ quan điều tra VKS nhân dân Tối cao, các tài liệu liên quan đến vụ án đã bị làm giả, phản ánh không đúng sự thật.
Cụ thể, bà Dương Diệu Thu (dì họ của Vũ Ngọc Dương) và bà Nguyễn Thị Thanh Vân (Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh, Hà Nội) là hai người đã bàn bạc, thống nhất với nhau làm giả giấy tờ, tài liệu, sau đó thông qua Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh (Hà Nội) tố cáo anh Vũ Ngọc Dương lợi dụng danh nghĩa là tình nguyện viên chiếm đoạt 100 triệu đồng tiền tài trợ của Công ty Cổ phần và dịch vụ thương mại, xây dựng CODICO, và Công ty TNHH Đức Khuê.
Vụ án sau đó được đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND TP Hà Nội và Tòa phúc thẩm TAND tối cao. Cả hai bản án đều tuyên phạt anh Dương 30 tháng tù giam.
Sau phiên tòa phúc thẩm anh Dương và gia đình đã làm đơn tố cáo gửi Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao với nội dung các cơ quan tiến hành tố tụng đã cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, căn cứ vào các hồ sơ tài liệu giả mạo để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kết án oan cho anh Dương.
Mới đây, khi có kết luận mới nhất của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho thấy có dấu hiện oan sai trong vụ án này, anh Vũ Ngọc Dương đã được tại ngoại. Tuy nhiên, việc bị kết tội khiến anh Dương mất việc làm, bố đẻ của anh Dương bị chiếm đoạt gần 300 triệu đồng.
Cũng theo kết luận của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã không thu thập đầy đủ các chứng từ gốc để tiến hành giám định; Phòng kỹ thuật hình sự công an thành phố Hà Nội đã có nhiều sai sót trong việc giám định mẫu ghi của anh Dương. Do đó, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã tiến hành xác minh và trưng cầu giám định lại các tài liệu, chứng từ trong vụ án. Kết luận giám định của Phòng Giám định kỹ thuật Hình sự Bộ Quốc phòng cho biết những chữ ký, chữ viết trong các giấy tờ, tài liệu không phải của anh Vũ Ngọc Dương.
Về hướng xử lý tiếp theo đối với vụ việc của ông Dương,Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định: VKSND tối cao đã có văn bản kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ án này.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP. Hà Nội. |
Tiếp đó, nếu Hội đồng thẩm phán chấp nhận kháng nghị của Việt kiểm sát, thừa nhận việc kháng nghị là có căn cứ thì vụ án sẽ được điều tra lại và hồ sơ sẽ được giao cho cơ quan nào là thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thẩm phán trên cơ sở đề xuất của Viện kiểm sát.
Trong quá trình điều tra lại mà xác định ông Dương vô tội thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hình sự với ông Dương, đồng nghĩa với việc ông Dương bị oan.
Khi đó, cần phải làm rõ trách nhiệm của các điều tra viên và những cán bộ của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội đã tham gia vào việc giám định mẫu ghi trong vụ án này. Nếu có căn cứ xác định những người tiến hành tố tụng cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án gây oan sai cho ông Dương thì sẽ khởi tố theo quy định tại Điều 300 BLHS với tội danh “Làm lệch hồ sơ vụ án”.
Đối với giám định viên, nếu biết việc làm của cán bộ điều tra là sai mà vẫn giúp sức, ra kết quả giám định sai thì người giám định sẽ bị khởi tố với vai trò đồng phạm giúp sức trong cùng một tội danh.
Video tham khảo:
Dựng lại hiện trường vụ án oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn
Trường hợp sau khi điều tra, xác minh mà không thấy lỗi cố ý, không thấy sai phạm của những người tiến hành tố tụng thì mới không đề cập xử lý.
Nếu sau này, ông Dương thấy việc giải quyết chưa đúng pháp luật thì vẫn có quyền khiếu nại với những quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xử lý những người có liên quan...
Theo quan điểm của Luật sư Huỳnh Kim Ngân, Văn phòng luật sư Chân Thiện Mỹ, Đoàn luật sư TP. HCM,nếu xác định anh Vũ Ngọc Dương bị oan sai, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Điều tra viên trong quá trình điều tra.
|
Luật sư Huỳnh Kim Ngân, Đoàn luật sư TP.HCM. |
Trách nhiệm kế đến là Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc người trực tiếp ký các quyết định tố tụng liên quan đến quá trình điều tra từ lúc khởi tố bị can cho đến lúc kết thúc điều tra; trách nhiệm của kiểm sát viên phụ trách và Thủ trưởng được phân công phụ trách công tác kiểm sát, truy tố và trách nhiệm của Hội đồng xét xử khi không xem xét thấu đáo những tình tiết liên quan làm sáng tỏ vụ án dẫn đến oan sai. Tùy theo mức độ hành vi vi phạm mà có thể xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 285 BLHS.
Đối với trường hợp của bà Dương Diệu Thu và bà Nguyễn Thị Thanh Vân là 2 người đã làm giả tài liệu dẫn đến oan sai của ông Dương có thể bị xử lý hình sự với những tội danh: Tội vu khống (Điều 122, BLHS); Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật (Điều 307 BLHS); Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật (Điều 309 BLHS).
Ngoài ra, trong vụ việc này, khi có quyết định cuối cùng xác định ông Dương bị oan thì anh Dương sẽ được bồi thường các khoản thu nhập bị mất trong thời gian anh bị giam (anh Dương đã bị mất việc tại ngân hàng), bồi thường thiệt hại về danh dự nhân phẩm trong suốt thời gian bị oan sai… và những thiệt hại khác phát sinh trong vụ án trên theo quy định của Luật bồi thường Nhà nước năm 2009 và các quy định của Bộ luật Dân sự.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-an-vu-ngoc-duong-di-lam-giay-to-gia-day-chau-vao-tu-a70364.html