+Aa-
    Zalo

    VNPT sắp mất "con gà đẻ trứng vàng"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khi quyết định tách MobiFone ra khỏi VNPT đang gần kề, nhiều người quan ngại rằng liệu VNPT có thể phát triển bình thường khi thiếu trụ cột MobiFone.

    Khi quyết định tách MobiFone ra khỏi VNPT đang gần kề, nhiều người quan ngại rằng liệu VNPT có thể phát triển bình thường khi thiếu trụ cột MobiFone.

    Là mạng viễn thông di động đầu tiên của Việt Nam, ra đời trong những năm thời kỳ đầu đổi mới (ngày 16/04/1993), MobiFone trải qua 20 năm đầy thăng trầm.

    Nhìn vào quá trình 20 năm hình thành và phát triển nhà mạng này, các chuyên gia cho rằng, việc Mobifone tách khỏi VNPT là đúng đắn khi so với người em Vinaphone (thành lập năm 1996) Mobifone luôn thể hiện tính độc lập, chủ động thực hiện các chiến lược kinh doanh của mình.

    Mobifone tách khỏi VNPT là tất yếu

    Thị trường viễn thông Việt Nam được đánh giá là một trong 5 nước có mức độ cạnh tranh cao. Thế nhưng, nghịch lý là sự cạnh tranh này lại chỉ tồn tại trong 3 DN vốn chiếm đến 95\% thị phần và đều do Nhà nước nắm chủ sở hữu.

    Tại buổi toạ đàm "Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam" tổ chức ngày 14/2, TS. Mai Liêm Trực, chuyên gia trong ngành viễn thông ví von: “Cạnh tranh ở thị trường viễn thông giống như ông bố cho 3 con ra ở riêng, nếu 3 đứa con hoàn toàn tự chủ về tài chính thì khác, nhưng ông bố lại vẫn làm chủ khối tài sản, nên cạnh tranh chưa hoàn chỉnh. Thực tế này khiến cho những quyết định hành chính được đưa ra, như sáp nhập EVN Telecom mà lẽ ra phải đấu thầu… Bức tranh DN và thị trường sẽ khác nếu như không có những quyết định hành chính như vậy”.

    Trong bối cảnh đó, đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông được đưa ra với trọng tâm là tách MobiFone ra khỏi… VNPT, thành lập Tổng công ty Thông tin di động, tiến tới cổ phần hoá được kỳ vọng sẽ gỡ “nút thắt” của thị trường.

    Theo ông Võ Trí Thành, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem), việc MobiFone có công nghệ tốt được cổ phần hoá vừa tạo áp lực với hai DN còn lại, vừa giúp Nhà nước mạnh tay hơn trong quản lý cơ sở hạ tầng. Chỉ cần ít nhất một trong ba “chân vạc” không thuộc chủ sở hữu Nhà nước, việc cổ phần hoá MobiFone sẽ là phương tiện để đi đến một thị trường cạnh tranh đúng nghĩa.

     

    Nếu mất đi "con gà đẻ trứng vàng" MobiFone, VNPT sẽ đối mặt với những khó khăn nào?

    Theo tiến sỹ Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ TT&TT): Tôi từng có thời gian dài làm Tổng giám đốc VNPT, chính vì vậy tôi rất hiểu nỗi lòng của người VNPT trước sự chia tách này, đây là một thiệt thòi rất lớn. MobiFone đang làm ăn rất tốt, chiếm tới 60\% lợi nhuận của VNPT, chẳng ai muốn tách ra cả. Tuy nhiên tới thời điểm này thì dù đau nhưng vẫn phải làm.

    Việc của ngày hôm nay cũng có phần lỗi của VNPT, nếu như VNPT thực hiện cổ phần hóa từ năm 2006 theo chủ trương của Chính phủ thì vẫn có thể chiếm tới 80\% cổ phần của MobiFone chứ không phải chia ra để cạnh tranh nhau như bây giờ.

    Trong 1 - 2 năm đầu sau khi chia tách, VNPT sẽ có nhiều khó khăn nhưng với tiềm lực và cơ chế hiện có VNPT sẽ chịu đựng được, không bị sốc quá lớn về mặt tài chính.

    Mất MobiFone, VNPT phải ngay lập tức làm mới mình, tiến hành tái cấu trúc lại hoạt động, xác định những hướng đi hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế, đầu tư phải tập trung hơn chứ không thể dàn trải như trước được nữa.

    Hiện nay, ở VinaPhone, phần hạ tầng và dịch vụ vẫn ở chung với nhau, nhiều lúc sẽ khiến hoạt động không ăn khớp, đổ lỗi cho nhau khi hoạt động không hiệu quả. Cần tách các phần này ra, thành lập các công ty thành viên, qua đó nâng cao được chất lượng dịch vụ cũng như hệ thống mạng lưới.

    Thực tế, trong 62 công ty mà VNPT dự kiến chuyển phần vốn góp, đã có nhiều DN lỗ trong năm 2012. Đơn cử như Công ty Tài chính Bưu điện lỗ 635 tỷ đồng, hệ thống vệ tinh Vinasat 1 và 2 lỗ 411 tỷ đồng... Theo các chuyên gia, đây sẽ là gánh nặng cực kì lớn khi MobiFone tách ra thành lập công ty mới. Hơn nữa tổng doanh thu VNPT năm 2013 lại thấp hơn Viettel, nên nếu tách ra, thì việc không đủ sức cạnh tranh với Viettel là chuyện có thể xảy ra. Ngay cả ông Minh cũng phải thừa nhận, dù hoạt động độc lập mang lại nhiều lợi thế, nhưng nhiều gánh nặng khác được giải quyết như thế nào thì vẫn là câu chuyện còn bỏ ngỏ.

    Ông Vũ Hoàng Liên, chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam băn khoăn: “Ai cũng mong tách MobiFone ra để có 3 tập đoàn mạnh nhưng cơ sở gì để đảm bảo là MobiFone hay VNPT vẫn tiếp tục mạnh. Bởi bài học từ Beeline, Gtel, SPT, lúc đầu mạnh nhưng sau cũng đi xuống... vẫn còn đó”. Ngay cả ông Phạm Hồng Hải, cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho rằng, tái cơ cấu cũng chỉ là một phương án để tối ưu hoá trong thời điểm hiện tại. Còn việc DN có tiếp tục phát triển được hay không thì chưa ai nói trước được.

    Với những DN tư nhân như CMC, điều lo ngại nhất là tái cơ cấu không đi vào thực chất và 3 “ông lớn” vẫn thuộc Nhà nước, thì chắc chắn DN tư nhân sẽ không có cửa.

    Thực tế, chuyện cho “con” ra ở riêng của VNPT đã dùng dằng từ nhiều năm nay, nên các chuyên gia cho rằng mấu chốt chính là phải minh bạch hoá, công bố rộng rãi thông tin trong thoái vốn, thay đổi cung cách, kỹ năng quản lý, chuyển giao công nghệ, tạo dựng lòng tin cho thị trường. Có như vậy, mới tạo được áp lực cạnh tranh trên cấu trúc thị trường.

    Linh Sang/ Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vnpt-sap-mat-con-ga-de-trung-vang-a22360.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan