+Aa-
    Zalo

    Việt Nam hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sáng ngày 11/6/2019, tại TP. HCM, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Báo Tuổi trẻ TPHCM tổ chức hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”.

    (ĐS&PL) Sáng ngày 11/6/2019, tại TP. HCM, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Báo Tuổi trẻ TPHCM tổ chức hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”.

    Tham dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cùng Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ... trên cả nước.

    Hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt đã được cải thiện

    Đến nay, hầu hết các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại trong cả nước cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) khi mua hàng. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được cải thiện, số lượng ATM và máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh.

    Năm 2015, giá trị mua hàng trực tuyến ước tính đạt khoảng 160 USD/người. Tổng doanh thu bán hàng qua các hình thức TMĐT tại Việt Nam năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, tuy nhiên, mới chỉ chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

    Cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã được cải thiện

    Tiềm năng phát triển TMĐT còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã, tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Số lượng đối tác kinh tế, thương mại của Việt Nam thông qua hiệp định thương mại tự do (FTA) lên đến hàng chục đối tác. Việc ký kết các FTA nói chung sẽ giúp TMĐT của Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.

    Tính chung giai đoạn 2011-2015, việc sử dụng thẻ điện tử ở Việt Nam ngày càng tăng, giúp việc tiêu thụ hàng hóa tăng 0,22% và đóng góp của lưu hành thẻ vào GDP Việt Nam đạt hơn 800 triệu USD. Năm 2015, giá trị giao dịch ATM đã đạt mức 1.564 nghìn tỷ đồng, mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Với việc tất cả các chỉ số về thanh toán thẻ như tổng giá trị giao dịch qua các máy ATM, các tài khoản thanh toán cá nhân hay qua POS đều tăng. Điều này cho thấy, xu hướng sử dụng thẻ trong thanh toán của người Việt ngày càng phổ biến.

    Kể từ khi thị trường Việt Nam phát hành thẻ ngân hàng lần đầu tiên (vào năm 1996), đến tháng 6/2016, số lượng thẻ phát hành đã đạt trên 106 triệu thẻ (tăng gấp 3,4 lần so với cuối năm 2010) với 48 ngân hàng phát hành. Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm 90,66%, thẻ tín dụng chiếm 3,53%, thẻ trả trước là 5,81%. Về mạng lưới, cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán thẻ ngân hàng được cải thiện, số lượng các máy POS có tốc độ tăng trưởng nhanh. Đến cuối tháng 6/2016, trên toàn quốc có trên 17.300 ATM và hơn 239.000 POS được lắp đặt.

    Tỉ lệ khách hàng có thói quen tiền mặt hiện chỉ 5%. Bên cạnh đó nhiều khách hàng đánh giá thanh toán không tiền mặt chưa tiện lợi. 

    Tại Hội thảo nêu trên, các doanh nghiệp thương mại, công nghệ đều khẳng định tiện ích lớn của thanh toán không dùng tiền mặt. Họ thống nhất đánh giá rằng, khi doanh nghiệp và đơn vị chấp nhận thẻ tham gia thì sẽ tham gia vào cộng đồng khách hàng của VPBank với nhiều cơ hội kinh doanh. Doanh nghiệp bán hàng qua POS thì dòng tiền tài chính rất minh bạch. Trên cơ sở đó, VPBank có thể cấp tín dụng tín chấp để tài trợ cho các đơn vị chấp nhận thẻ kinh doanh.

    Tuy nhiên, hiểu biết của người tiêu dùng và xã hội nói chung về thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn “mông lung”. Để góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ đã có nhiều cam kết trong giảm giá bán hàng hoá, dịch vụ.

    Cụ thể ngay trong năm 2019, NAPAS tiếp tục thực hiện giảm phí chuyển mạch (lên đến 80% tùy theo từng loại giao dịch) cho các ngân hàng thành viên hoàn chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.

    Xã hội không dùng tiền mặt sẽ có nhiều lợi ích

    Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng “không tiền mặt nhưng sẽ có rất nhiều thứ” khi liệt kê ra các lợi ích: Giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy minh bạch, công khai; phòng chống tham nhũng, kể cả tham nhũng lớn, nhỏ; chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế; hiệu quả hoạt động của ngân hàng tăng lên, thực hiện hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện trên mọi vùng miền, lãnh thổ với mọi đối tượng người dân; thúc đẩy sản xuất, dịch vụ.

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Thành Chung

    “Đến giờ mà người dân phải đi xa, xếp hàng chờ nộp học phí cho con thì rõ ràng là quá bất tiện", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận và cho biết Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải triển khai việc nộp học phí, tiền nước...không dùng tiền mặt ngay trong năm 2019.

    Đối với các ngân hàng, Phó Thủ tướng cho rằng sẽ không bị giảm sút doanh thu mà sẽ tập trung phát triển mảng phi tín dụng, huy động được nhiều hơn vốn khả dụng để tăng doanh thu.

    “Có những ngân hàng gần như 100% doanh thu là từ hoạt động tín dụng, còn thu lợi từ phi tín dụng rất kém. Như Vietcombank, tỷ trọng thu từ phi tín dụng cao nhất trong hệ thống và hiện nay cũng giảm xuống còn 37%. Thanh toán không dùng tiền mặt tốt thì cũng thúc đẩy các dịch vụ của ngân hàng phát triển tốt hơn, ngân hàng sẽ ‘đi’ bằng nhiều chân”, Phó Thủ tướng cho biết.

    Gần đây, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công cấp độ 3 và 4.

    Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong thanh toán không dùng tiền mặt khi tốc độ tăng trưởng về giá trị vừa qua đạt 160%, nhưng tất cả mới chỉ là bước đầu. Phó Thủ tướng cho rằng, với Việt Nam, việc thiết kế cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đồng bộ hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh mới. 

    Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát sinh. Qua đó làm cơ sở cho việc xây dựng, triển khai các quy trình nghiệp vụ, đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ.

    Được biết, cùng với việc tổ chức Hội thảo này, Ban Tổ chức mong muốn khởi động phong trào tuần lễ không dùng tiền mặt, trong đó quan trọng nhất là ngày 16/6/2019 là "Ngày không dùng tiền mặt ở Việt Nam".

    Quyết Tuấn/Sức Khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-huong-toi-mot-xa-hoi-khong-dung-tien-mat-a279417.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.