Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2 vừa qua, giá trị của đồng rúp đã sụt giảm nghiêm trọng. Với việc giao dịch bằng đồng rúp ở mức thấp, xuất khẩu của Nga sẽ đem lại ít lợi nhuận hơn để trợ cấp cho các dịch vụ nhà nước và tài trợ cho các hoạt động quân sự so với dự kiến trước đây.
Đồng rúp có giá trị cao hơn sẽ không chỉ mang lại nhiều lợi nhuận hơn mà còn là một lợi thế khiến các quốc gia thương mại sẵn sàng thanh toán cho hàng hóa xuất khẩu của Nga bằng đồng tiền của chính nước này. Một lượng đồng rúp lớn hơn, được tạo ra bởi nhu cầu từ các nước và công ty nước ngoài đối với hàng hóa Nga, sẽ giúp Moscow tiếp tục đối đầu với đồng USD của Mỹ trên thị trường tiền tệ toàn cầu.
Một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân tổng thống Nga muốn thanh toán bằng đồng rúp còn bởi bởi đồng USD và euro ít hữu ích hơn đối với Moscow trong khi các lệnh trừng phạt đang được thắt chặt. Với việc không có quyền tiếp cận USD và euro thông qua các sàn giao dịch quốc tế, Nga cũng đang đề xuất trả lãi cho các khoản nợ bằng đồng euro của mình bằng đồng rúp.
Các nước được yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp là các nước trong danh sách "không thân thiện" của Nga. Đây là các nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, bao gồm Mỹ, các quốc gia thành viên EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine. Một số, bao gồm cả Mỹ và Na Uy, không mua khí đốt của Nga.
Giao dịch với các công ty và cá nhân từ các quốc gia đó phải được ủy ban chính phủ phê duyệt.
Năm 2020, EU là đối tác thương mại chính của Nga, chiếm 37,3% tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của nước này với thế giới. Trong khi đó, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 5 của EU, chiếm 5,8% tổng kim ngạch thương mại của khối. Tuy nhiên, có một thực tế quan trọng là khí đốt của Nga là đặc điểm chính của các mặt hàng nhập khẩu đó, hầu hết được thanh toán bằng đồng USD, euro hoặc đồng bảng Anh.
Theo Gazprom, 58% doanh số bán khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu và các nước khác tính đến ngày 27/1 được thanh toán bằng đồng euro. Trong đó, đồng USD chiếm khoảng 39% tổng doanh thu và đồng bảng Anh khoảng là 3%. Hàng hóa trên toàn thế giới phần lớn cũng được giao dịch bằng đồng USD hoặc euro, chiếm khoảng 80% dự trữ tiền tệ trên toàn thế giới.
Minh Hạnh (Theo The Guardian)