Ngày 8/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, đánh dấu đòn trừng phạt lớn tiếp theo của Washington đối với Moscow giữa lúc căng thẳng Ukraine. Trong đó, nhiều người phản đối Nga nhận định việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga có lẽ là cách duy nhất để khiến Moscow ngừng hành động quân sự hiện nay.
Một lệnh cấm vận hoàn toàn sẽ hiệu quả nhất nếu các nước châu Âu, vốn cũng tìm cách ngăn chặn bạo lực ở Ukraine, cũng tham gia. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu toàn bộ châu Âu có tham gia vào lệnh cấm vận này cũng Mỹ hay không, mặc dù trong ngày 8/3, Anh đã tuyên bố họ sẽ cắt bỏ nguồn dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay.
Khác với Mỹ, châu Âu phụ thuộc khá nhiều vào nguồn dầu thô từ Nga, nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới sau Ả Rập Xê Út. Trong khi Mỹ có thể thay thế nguồn nhiên liệu tương đối nhỏ mà họ nhập khẩu Nga, thì với châu Âu, đây vốn không phải điều có thể đạt được trong "một sớm một chiều".
Hơn nữa, bất kỳ sự hạn chế nào đối với xuất khẩu dầu của Nga có thể khiến giá dầu và xăng đã tăng vọt ở cả hai châu lục và tác động trực tiếp người tiêu dùng, doanh nghiệp, thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu. Dưới đây là cái nhìn sâu hơn về lệnh cấm nhập khẩu của Mỹ đối với dầu Nga.
Tác động với Nga
Với việc giá xăng ở Mỹ tăng cao hơn bao giờ hết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu dầu.
Hiện tại, một lệnh cấm rộng rãi của Mỹ và châu Âu dường như là điều khó xảy ra. Hôm 7/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã khẳng định rõ ràng rằng đất nước của ông, nước tiêu thụ năng lượng Nga lớn nhất châu Âu, không có kế hoạch tham gia vào bất kỳ lệnh cấm nào đối với nguồn dầu từ Nga. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman lại ám chỉ rằng Washington có thể hành động một mình hoặc với một nhóm đồng minh nhỏ hơn về quy định cấm này.
Bà Sherman nói: "Không phải quốc gia nào cũng làm đúng như vậy, nhưng tất cả chúng ta đều đã đạt đến ngưỡng cần thiết để áp đặt những biện pháp khắc nghiệt mà tất cả chúng ta đã thống nhất".
Tuy nhiên, tác động của lệnh cấm từ Mỹ đối với nguồn dầu Nga có lẽ sẽ không quá lớn. Bởi Mỹ chỉ nhập khẩu một phần nhỏ dầu từ Nga và không mua bất kỳ loại khí đốt tự nhiên nào của nước này.
Năm 2021, Mỹ chỉ nhập khẩu khoảng 8% lượng dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga. Tổng lượng nhập khẩu tương đương 245 triệu thùng vào năm 2021, tức là khoảng 672.000 thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng dầu nhập khẩu của Nga đã giảm nhanh chóng do người mua xa lánh nhiên liệu này.
Do lượng dầu Mỹ nhập từ Nga không lớn nên Moscow hoàn toàn có khả năng xuất khẩu lượng dầu này cho những nơi khác, chẳng hạn như Trung Quốc hoặc Ấn Độ.
Claudio Galimberti, một nhà phân tích của Rystad Energy, nhận định nếu Nga cuối cùng bị loại khỏi thị trường dầu toàn cầu, các quốc gia như Iran và Venezuela có thể được "chào đón trở lại" với tư cách là nguồn cung cấp dầu mỏ. Những nguồn bổ sung như vậy có thể sẽ giúp thế giới ổn định lại giá cả.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, một nhóm quan chức chính quyền Tổng thống Biden đã có mặt ở Venezuela vào cuối tuần qua để thảo luận về an ninh năng lượng và các vấn đề khác.
Kevin Book, giám đốc điều hành của Clearview Energy Partners, chia sẻ: "Bằng cách loại bỏ một số nhu cầu, chúng tôi đang buộc giá dầu của Nga giảm và điều đó làm giảm doanh thu cho Nga. Về lý thuyết, đó là một cách để giảm số tiền Nga kiếm được trên mỗi thùng mà họ bán ra, có thể không nhiều nhưng vẫn sẽ tác động. Câu hỏi quan trọng nhất là liệu có thêm các áp lực hơn đến từ phía bên kia Đại Tây Dương hay không".
Giá dầu Nga sẽ thay đổi ra sao?
Tin tức về lệnh cấm dầu của Mỹ đã khiến giá xăng tăng vọt, trong đó, một gallon có giá trung bình 4,17 USD vào hôm 8/3.
Một tháng trước, dầu được bán với giá khoảng 90 USD/thùng. Giờ dây, giá đầy đang tăng lên khoảng 130 USD / thùng do người mua tránh xa dầu thô của Nga. Các nhà máy lọc dầu cũng lo sợ bị bỏ lại với loại dầu mà họ không thể bán lại nếu các lệnh trừng phạt được đưa ra.
Tập đoàn Shell nhận định họ sẽ ngừng mua dầu và khí đốt tự nhiên của Nga và đóng cửa các trạm dịch vụ, nhiên liệu hàng không và các hoạt động khác ở đó, vài ngày sau khi ngoại trưởng Ukraine chỉ trích gã khổng lồ năng lượng vẫn nhập dầu từ Moscow.
Các nhà phân tích năng lượng cảnh báo rằng giá dầu có thể lên tới 160 USD hoặc thậm chí 200 USD/thùng nếu người mua tiếp tục tránh dầu thô của Nga. Xu hướng đó có thể khiến giá xăng của Mỹ vượt qua mức 5 USD/gallon, một kịch bản mà ông Biden và các nhân vật chính trị khác không muốn xảy ra.
Ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ cho biết họ chia sẻ mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nước ngoài và cam kết làm việc với chính quyền Tổng thống Biden cùng Quốc hội. Ngay cả khi không có lệnh trừng phạt, một số nhà máy lọc dầu của Mỹ đã bắt đầu cắt hợp đồng với các công ty Nga. Do đó, lượng nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm của Nga cũng đã giảm.
Frank Macchiarola, Phó chủ tịch cấp cao của Viện Dầu khí Mỹ, nhóm vận động hành lang lớn nhất của ngành dầu khí, chia sẻ: "Ngành công nghiệp của chúng tôi đã thực hiện các bước quan trọng và có ý nghĩa để rút ngắn mối quan hệ với Nga và tự nguyện hạn chế nhập khẩu từ Nga".
Liệu châu Âu có tham gia?
Một lệnh cấm đối với dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga sẽ gây tổn hại đối với châu Âu. Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên cho Châu Âu để sưởi ấm cho các gia đình, sử dụng điện, công nghiệp và khoảng 1/4 lượng dầu của châu Âu. Các quan chức châu Âu đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga nhưng sẽ cần nhiều thời gian để đạt được mục đích này.
Thư ký kinh doanh của Anh Kwasi Kwarteng cho biết đất nước của ông sẽ sử dụng thời gian còn lại trong năm 2022 để loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ để tìm kiếm nguồn "cung cấp cho thị trường, các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng có đủ thời gian để thay thế hàng nhập khẩu của Nga". Được biết, lượng dầu nhập khẩu của Nga chiếm 8% nhu cầu của Vương quốc Anh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 8/3 vẫn bảo vệ quyết định của châu Âu trong việc miễn trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga.
Ông Habeck nhận xét: "Các biện pháp trừng phạt đã được lựa chọn một cách có chủ ý để tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga và chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, nhưng chúng cũng được lựa chọn một cách có chủ ý để chúng ta với tư cách là một nền kinh tế và một quốc gia có thể duy trì chúng trong một thời gian dài. Hành vi được coi là không phù hợp có thể dẫn đến kết quả hoàn toàn ngược lại".
Ông thừa nhận: "Chúng ta đã phụ thuộc ngày càng lớn vào nhập khẩu năng lượng hóa thạch từ Nga trong 20 năm qua. Đó không phải là một trạng thái tốt."
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng đã nhấn mạnh về sự cấp thiết đó, nói rằng Moscow sẽ có "mọi quyền" để tạm dừng vận chuyển khí đốt tự nhiên đến châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 để trả đũa việc Đức ngừng đường ống song song Nord Stream 2. Tuy nhiên, theo ông Novak, Nga "đã không đưa ra quyết định này" và rằng "không ai sẽ được hưởng lợi từ điều này". Tuyên bố của ông đánh dấu sự thay đổi so với những đảm bảo trước đó của Nga rằng họ không có ý định cắt nguồn khí đốt đối với châu Âu.
Dầu dễ thay thế hơn khí tự nhiên. Các quốc gia khác có thể tăng sản lượng dầu và vận chuyển dầu sang châu Âu. Nhưng nhiều dầu sẽ phải bị thay thế và điều này sẽ làm tăng giá hơn nữa vì con đường vận chuyển sẽ xa hơn.
Việc thay thế khí đốt tự nhiên mà Nga cung cấp cho châu Âu là điều không thể trong thời gian ngắn. Phần lớn khí đốt tự nhiên mà Nga cung cấp cho châu Âu đi qua các đường ống. Để thay thế, châu Âu chủ yếu sẽ nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng, được gọi là LNG. Vấn đề được đặt ra là châu Âu không có đủ đường ống để phân phối khí đốt từ các cơ sở nhập khẩu ven biển đến những vùng xa hơn của lục địa.
Trong khi các nhà sản xuất dầu và khí đốt của Mỹ có thể khai thác thêm khí tự nhiên, các cơ sở xuất khẩu của họ đã hoạt động hết công suất. Việc mở rộng các cơ sở này sẽ mất nhiều năm và tiêu tốn tới hàng tỷ USD.
Minh Hạnh (Theo ABC News)