Theo thông tin trên Newsweek, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine vào một địa điểm radar của Nga có thể đã vượt qua một trong những ranh giới đỏ của Moscow, liên quan tới năng lực sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đó là “sự gián đoạn các hành động phản ứng của các lực lượng hạt nhân”, theo cách diễn đạt trong sắc lệnh của Điện Kremlin do Tổng thống Nga Vladimir Putin ký vào năm 2020.
Loạt UAV của Ukraine được cho là đã nhắm mục tiêu vào Trung tâm kỹ thuật vô tuyến độc lập số 590 của đơn vị quân đội 84680 ở thành phố Kovilkino vào sáng 17/4 (theo giờ địa phương) và trước đó vào ngày 11/4.
Được biết, Kovilkino nằm ở Cộng hòa Mordovia, cách biên giới Ukraine khoảng 570km. Thành phố này là nơi đặt radar “vượt đường chân trời” 29B6 'Container', tạo thành một phần của mạng lưới trinh sát và cảnh báo sớm của Nga đối với các cuộc tấn công hàng không vũ trụ, bao gồm cả tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Theo các nguồn tin, hậu quả của vụ tấn công hôm 17/4 vẫn đang được xác định. Truyền thông Ukraine trước đó đưa tin, tòa nhà sở chỉ huy của địa điểm này đã bị hư hại trong cuộc tấn công ngày 11/4, trong khi chính quyền Nga cho biết 2 UAV đã bị bắn hạ.
Tờ Ukrainska Pravda dẫn nguồn tin giấu tên của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (DIU) cho hay, Kiev vẫn đang đánh kết quả của cuộc tấn công mới nhất.
Nếu hệ thống radar Container bị ảnh hưởng, các cuộc tấn công có thể đã đáp ứng một trong những "điều kiện xác định khả năng Liên bang Nga sử dụng vũ khí hạt nhân" như sắc lệnh của tổng thống năm 2020 đã đặt ra, VOV dẫn thông tin từ Newsweek cho biết.
Những điều kiện này bao gồm "nhận được thông tin đáng tin cậy về việc phóng tên lửa đạn đạo tấn công vào lãnh thổ Liên bang Nga và (hoặc) các đồng minh" và "việc đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt trên lãnh thổ Nga và (hoặc) đồng minh".
Ngoài ra còn có các tiêu chí khác được liệt kê, gồm "tác động của kẻ thù đối với các cơ sở quân sự hoặc cơ sở nhà nước quan trọng của Liên Bang Nga, nếu ngừng hoạt động sẽ dẫn đến sự gián đoạn các hành động phản ứng của lực lượng hạt nhân" và "sự gây hấn chống lại Liên bang Nga sử dụng vũ khí thông thường khi sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa".
Mối đe dọa leo thang hạt nhân, dù là qua vũ khí hạt nhân hay thảm họa tại một trong nhiều nhà máy điện dân sự ở vùng chiến sự, đã phủ bóng lên cuộc xung đột ở Ukraine kể từ khi chiến sự bùng nổ ra vào cuối tháng 2/2022.
Theo TTXVN, Tổng thống Putin và các quan chức hàng đầu của ông đã nhiều lần cảnh báo về một cuộc đối đầu hạt nhân do phương Tây can dự vào cuộc xung đột.
Chính quyền Mỹ và các nước phương Tây cũng lo ngại về vũ khí hạt nhân, trong đó nổi bật là e ngại liên quan đến đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Nga nhằm mục đích sử dụng trên chiến trường cục bộ.
Hồi tháng 3/2024, ông Putin nói các đối thủ phương Tây “phải nhận ra rằng chúng ta cũng có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ”.
"Tất cả những điều này thực sự đe dọa một cuộc xung đột với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và sự hủy diệt của nền văn minh. Họ không hiểu điều đó hay sao?", Tổng thống Putin nói thêm.
Đ.K(T/h)