VTC News dẫn thông tin trên RT cho hay ngày 17/4, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tuyên bố đang kiên trì với kế hoạch đưa một loạt dự luật viện trợ ra Hạ viện, bao gồm dự luật cho Ukraine và Israel. Các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu về dự luật viện trợ vào ngày 20/4.
“Sau những phản hồi và thảo luận quan trọng của các thành viên, Ủy ban Hạ viện sẽ sớm đăng tải nội dung của 3 dự luật sẽ tài trợ cho các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh ở Israel, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Ukraine, bao gồm cơ cấu cho vay viện trợ và chiến lược nâng cao, trách nhiệm giải trình”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ viết.
Dự luật đề cập tới gói viện trợ 26 tỷ USD dành cho Israel, 61 tỷ USD cho Ukraine và 8 tỷ USD cho các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Một điều khoản riêng của dự luật nói rằng, Mỹ sẽ cung cấp các hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể hoãn quyết định này nếu điều đó "gây bất lợi cho lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ".
Báo Dân Trí dẫn thông tin từ RT cho biết, nếu Hạ viện Mỹ thông qua các gói viện trợ này, dự luật sẽ được chuyển sang Thượng viện để biểu quyết. Nếu Thượng viện phê chuẩn dự luật mới, dự luật này tiếp tục được chuyển tới Tổng thống Joe Biden để ký thành luật.
Trước đó, hồi tháng 2/2024, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó bao gồm một số điều khoản tương tự dự luật mới mà Hạ viện đưa ra.
Ông Biden tuyên bố ủng hộ các dự luật mà ông Johnson đưa ra. Tổng thống Mỹ hối thúc quốc hội nhanh chóng thông qua các dự luật này để ông có thể ký thành luật.
"Hạ viện phải thông qua gói viện trợ trong tuần này và Thượng viện cũng hành động nhanh chóng ngay sau đó. Tôi sẽ ký thành luật ngay lập tức để gửi thông điệp tới thế giới: chúng tôi sát cánh cùng bạn bè của mình và chúng tôi sẽ không để Iran hay Nga thành công", ông Biden nói.
Được biết, viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị đình trệ kể từ cuối năm ngoái do quốc hội Mỹ bất đồng về việc tiếp tục chi hàng chục tỷ USD cho Kiev trong khi Washington cần ngân sách cho các ưu tiên trong nước như an ninh biên giới.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ gần đây bày tỏ ủng hộ việc gửi thêm tiền tới Kiev nếu đó là một khoản vay chứ không phải là một khoản trợ cấp. Tuần này, áp lực gia tăng với ông Mike Johnson sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel, cuộc tấn công mà Israel tuyên bố đã bị chặn lại với sự giúp đỡ từ Mỹ.
Cuối tháng trước, nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn Marjorie Taylor Greene đã nộp "kiến nghị bãi nhiệm" ông. Trong suốt nhiều tháng, bà Greene cảnh báo sẽ kiến nghị bỏ phiếu bãi nhiệm ông Mike Johnson nếu ông thúc đẩy Hạ viện thông qua gói hỗ trợ Ukraine.
Sự chậm trễ trong việc phê duyệt viện trợ quân sự cho Ukraine đã khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức khác ở Kiev lo lắng, đồng thời cho rằng tình trạng thiếu đạn dược và phòng không vốn do các nước đồng minh viện trợ là nguyên nhân dẫn đến tổn thất ngày càng tăng trên chiến trường.
Đ.K(T/h)