+Aa-
    Zalo

    Truy tìm nguồn gốc dầu ăn bẩn (tiếp): Dầu ăn hay dầu nhớt?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Dầu ăn bẩn" đã vươn vòi đến đâu trong đời sống dân sinh và nó gây tác hại ghê gớm ra sao đối với sức khoẻ con người?

    (ĐSPL) - "Dầu ăn bẩn" đã vươn vòi đến đâu trong đời sống dân sinh và nó gây tác hại ghê gớm ra sao đối với sức khoẻ con người? Để tìm hiểu vấn đề này, PV báo Đời Sống và Pháp Luật đã dày công thâm nhập và phát hiện không ít sự thật ngỡ ngàng...

    Trong quá trình thâm nhập, PV báo Đời Sống và Pháp Luật đã tiếp xúc với một nhân vật "đặc biệt" có tên T.. Khi chúng tôi đóng vai người muốn mua dầu ăn, ông này đã không ngần ngại quảng cáo "hết công suất" cho các sản phẩm "siêu rẻ" của mình.

    Chỉ tay vào mấy chiếc can nhựa cáu bẩn, bên trong có thứ dung dịch đặc quánh, màu nhờ nhờ, ông T. quảng cáo: "Nếu làm nhà hàng thì nên dùng loại dầu ăn này, vừa rẻ, vừa ngậy, ít hao lại không có mùi. Khi đã nấu thành món, phi hành tỏi thơm lừng, chỉ tài thánh mới biết được thức ăn được chiên từ dầu hãng hay dầu chế".

    Nói rồi ông T. đưa cho tôi bịch dầu ăn đựng trong vỏ chai nước lọc Lavie mà ông quảng cáo là dầu ăn đã được "chế" lại. Nhìn cái màu "nhờ nhờ" của loại dầu ăn này, tôi ngẩn người. Bởi không biết, đã có bao nhiêu "thượng đế" bị loại dầu ăn này đầu độc?

    (bgiay)Truy tìm nguồn gốc “dầu ăn bẩn” và sự thật trong những kho

    Dầu ăn màu nhờ nhờ giống như dầu nhớt xe máy.

    Nhìn cảnh tượng hàng chục can dầu ăn "bẩn" chất đống tại cửa hàng ông T., tôi mường tượng đến những tác hại ghê gớm của nó đối với sức khỏe người dân. Tôi nhớ đến câu nói của Đại đức Thích Bản Quyền, trụ trì một ngôi chùa ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng): "Tôi thấy lạ là, mùng Một, ngày Rằm, người ta thường lên chùa để cầu xin chư Phật ban cho sức khỏe. Tuy nhiên, không ít người trong đó lại buôn bán thực phẩm bẩn, dầu ăn bẩn, thuốc tăng trọng động vật, tăng kích thước thực vật để đầu độc sức khỏe của người khác. Đúng là con người ta có thể bất chấp tất cả chỉ vì hai chữ kim tiền".

    Chiên lên rồi, dầu xịn cũng như dầu "chế"

    Để mục sở thị loại dầu ăn "bẩn" này, chúng tôi tìm đến chợ ĐX (Hà Nội). Tại đây, không khó để PV có thể tiếp cận được những cửa hàng kinh doanh dầu ăn tái chế. Thông qua mấy người phụ nữ chuyên bán bánh khoai, ngô rán, chúng tôi tìm đến cửa hàng tạp hóa của ông T..

    Vừa thấy PV đi đến, ông T. đang nằm trên chiếc ghế tựa trước của hàng nhổm dậy hỏi: "Mấy đứa cần gì". Biết chúng tôi mua dầu ăn, người đàn ông này hất hàm, hướng PV đến nơi để những can dầu ăn của các hãng "xịn" rồi bảo: "Mua về làm hàng hay mua để ăn. Thích loại nào thì mang ra đây chú báo giá".

    Sau khi quan sát một hồi không thấy loại dầu ăn tái chế đang cần tìm, PV đánh bạo hỏi ông T.. Vừa nghe thấy chúng tôi cần mua dầu ăn "siêu rẻ", người đàn ông này nhổm dậy, nhìn chằm chằm, quan sát một hồi rồi chạy ra một góc của cửa hàng, lật chiếc bao tải lên. ở dưới chiếc bao tải là những chiếc can, ống nhựa to nhỏ đựng đầy thứ dung dịch màu nhờ nhờ, đặc quánh.

    ông T. nhìn PV bảo: "Nếu mấy đứa làm hàng ăn thì nên chọn loại dầu ăn này. Rẻ bằng nửa dầu ăn xịn, 115.000 đồng/5 lít. Tôi vẫn thường bán cho những cửa hàng mì xào, cơm rang, họ khen lắm. Khi chiên đồ ăn lên, thì dầu này nó cũng thơm, chẳng ai phát hiện được đâu. Điều đặc biệt, dầu này ít hao hơn các loại xịn vì nó đã được chiên rất nhiều lần rồi".

    Theo quan sát của PV, thứ dung dịch mà ông T. gọi là dầu ăn được đựng trong những chiếc can, ống mang đủ các nhãn hiệu như Lavie, Aquafina, Vodka Hà Nội, Coca-cola (chai nhựa, 1,5 lít)... Thậm chí, dầu ăn bẩn còn được đóng vào những can dầu ăn có nhãn hiệu đàng hoàng. Bên cạnh đó, không ít chiếc can nhựa cáu bẩn, "lở loét" cũng được tận dụng để đựng dầu ăn.

    Từ dầu thải khách sạn thành dầu "xịn" quán bình dân?

    Thấy ông T. "chém gió" liên hồi, cô đồng nghiệp đi cùng tôi buột miệng hỏi: "Thế loại dầu ăn này của hãng nào, sao lại không nhãn mác. Hay là dầu ăn từ rác thải ở đâu "nhập về"? Vừa nghe đến đây, ông T. lấy chiếc bao tải chụp lên đống dầu ăn, mặt cau lại mắng chúng tôi: "Nhìn dầu ăn thế này mà chúng mày bảo là dầu ăn làm từ rác thải à. Không mua thì đi chỗ khác để tao bán hàng. Sáng ra đã ám quẻ".

    Nói rồi ông ta xua tay đuổi chúng tôi và ngồi vào chiếc ghế tựa ngả lưng. Để xoa dịu tình hình, tôi rút 115.000 đồng ra đưa cho ông T.. Nhận được tiền, khuôn mặt ông chủ cửa hàng bỗng nhiên giãn hẳn ra.

    Ông ta đi đến chỗ mấy can dầu "bẩn" mang ra một chai 5 lít rồi đặt vào túi nilon đưa cho chúng tôi. ông ta thanh minh: "Tôi không phải là người trực tiếp "chế" nhưng tôi nghe mấy người đưa hàng bảo, dầu ăn là dầu ăn "xịn" chiên thừa ở các nhà hàng, khách sạn lớn. Sau đó, đầu bếp khách sạn bán lại cho các đầu nậu rồi đóng chai xuất cho các cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, quán cơm bình dân, quán bia hơi... Có loại dầu chiên đi chiên lại đến mấy lần, đen sì sì chỉ cần một chút "thuốc" lập tức biến thành dầu ăn trong veo".

    Theo ông chủ cửa hàng này, việc ông đóng dầu ăn vào can, ống nhựa còn "lịch sự" hơn so với những người đóng dầu ăn tái chế vào túi nilon. Được biết, loại đóng vào túi nilon thường được bán cho những người bán bún đậu mắm tôm, bánh rán ngay tại chợ. Chủ cửa hàng cứ múc dầu ra đến đâu thì mấy bà bán hàng chiên, bún đậu ra mua đến đó.

    ông T. khẳng định, chiên thức ăn với các loại dầu ăn này sẽ nhanh lên màu, đẹp hơn. Khách hàng chủ yếu của ông là các quán ăn. Họ thường mua cả vài chục lít một lúc. Nếu bán hàng ăn, dùng loại này mới có lãi chứ mấy loại xịn thì ăn thua gì.

    Được biết, hiện trên thị trường, các loại dầu có thương hiệu được bán khoảng 200.000 đồng mỗi can 5 lít, tương đương hơn 40.000 đồng một lít, đắt gấp hai, ba lần loại không rõ nguồn gốc. Tìm hiểu từ một số chủ các sạp hàng tại chợ ĐX cho biết, có một vài đơn vị sản xuất tư nhân ở Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội), Từ Sơn (Bắc Ninh)... cung cấp cho các quầy tạp hóa trong chợ. Tuy nhiên, chẳng ai biết chính xác "đại bản doanh" của những "lò" chế "dầu ăn bẩn" này nằm cụ thể ở khu vực nào.

    Theo điều tra của PV, không riêng ở chợ ĐX, người ta cũng không khó để tìm mua các loại mỡ động vật hoặc dầu ăn không nhãn mác tại các chợ truyền thống như Mỹ Đình, Nghĩa Tân, Thành Công... Mặt hàng này được bán với giá từ 80-120.000 đồng một can 5 lít. Tùy vào màu sắc của dầu mà quyết định đến giá cả. Dầu càng trong, có sắc vàng càng nhiều thì giá càng cao. Có loại dầu các đầu nậu đã dùng đến "biện pháp cuối cùng" là hóa chất khử vẫn có màu đen, đục thì giá chỉ vài trăm ngàn một can cả mấy chục lít.

    Vậy tác hại của loại dầu ăn này như thế nào? "Đường đi" của nó ra sao?

    Phát hiện "lò" tái chế dầu ăn tại Bình Thuận

    Phòng Cảnh sát về tội phạm môi trường, Công an Bình Thuận vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất hành phi. Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện cơ sở này sử dụng dầu ăn tái chế nhiều lần.

    Được biết, cơ sở sản xuất hành phi này do bà Trần Thị Khánh Phước làm chủ, ở thôn Phú Xuân, xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cơ sở này sử dụng dầu ăn tái chế nhiều lần. Qua làm việc, chủ cơ sở chế biến cho biết, số hành củ gồm 5.000kg được cắt lát sau đó trộn bột mỳ rồi được chiên lên.

    Cứ như vậy, số dầu chiên hành này được sử dụng nhiều lần cho đến khi nước dầu chuyển sang màu đen. Bà Phước còn cho biết, số dầu đã qua sử dụng nhiều lần cơ sở tiếp tục mang ra lắng, lọc lại, hòa màu điều vào chế biến thành dầu màu điều, đem phân phối lại cho các cơ sở khác trên địa bàn thành phố Phan Thiết đề làm gia vị chế biến thực phẩm. Hiện cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ để xử lý.


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truy-tim-nguon-goc-dau-an-ban-tiep-dau-an-hay-dau-nhot-a63752.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan