Một trường đại học ở Thượng Hải cho biết, sinh viên hệ cao đẳng, đại học sẽ phải đối diện với hình phạt nếu thức dậy sau 8h. Quy định này hiện đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Trường đại học tại Trung Quốc gây tranh cãi khi phạt sinh viên thức dậy sau 8h. Ảnh minh họa |
Mới đây, tờ Shanghai Morning Post đưa thông tin về quy định của một trường đại học ở Thượng Hải cho biết, sinh viên hệ cao đẳng, đại học sẽ phải đối mặt hình phạt nếu thức dậy sau 8h.
Daily Mail thông tin thêm rằng, sinh viên hệ sau đại học của trường này được phép ngủ thêm một tiếng. Người quản lý của ký túc xá luôn kiểm tra nghiêm ngặt. Những sinh viên vi phạm sẽ bị trừ 5 điểm hành vi, sinh viên ngủ sai vị trí cũng bị tước 15 điểm. Việc trừ điểm này ảnh hưởng lớn đến xếp hạng học tập và khả năng nhận bổng của sinh viên.
Ngay sau khi quy định này được công bố đã nhanh chóng gây ra những luồng tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ sự bức xúc về nội quy của trường học này đã quá nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, cũng có một số sinh viên khác cũng lên tiếng ủng hộ vì quy định như vậy sẽ có lợi cho sức khỏe của sinh viên và rèn luyện sự chăm chỉ cho sinh viên.
Trái ngược lại, trước đó, một trường đại học tại Đức lại quyết định đưa ra chương trình trao học bổng cho sinh viên lười biếng.
Theo thông tin trên The Guardian, đại học Mỹ thuật ở thành phố Hamburg (Đức) cung cấp học bổng cho những ứng viên cam kết “sẽ lười biếng, không làm gì” khi tham gia vào dự án của trường.
Sinh viên lười biếng sẽ được trao học bổng. Ảnh minh họa |
Cụ thể, ngày 19/8, ngôi trường này quảng cáo về chương trình học bổng mới, trong đó 3 người được chọn sẽ nhận số tiền trị giá 1.600 euro. Các ứng viên có thể gửi bài thuyết trình ẩn danh của mình đến hết ngày 15/9.
Ngoài ra, những người này cần thuyết phục ban giám khảo rằng mình sẽ chọn “không làm gì ở lĩnh vực nào” và cho thấy khả năng lười biếng của mình để gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh.
“Chương trình học bổng này không phải trò đùa cợt cho vui mà là cuộc thử nghiệm với mục đích nghiêm túc, về việc bạn sẽ làm thế nào để xoay xở trong xã hội đặt thành tích lên đầu”, kiến trúc sư Friedrich von Borries, người tổ chức dự án cho hay.
Theo vị kiến trúc sư, việc ngồi yên không làm gì thực chất không phải là điều dễ dàng. Ông nói: "Chúng tôi muốn tập trung vào việc không hoạt động tích cực. Nếu bạn nói rằng bạn không đi lại, ra khỏi nhà trong suốt một tuần, điều đó sẽ gây ấn tượng. Nếu bạn chứng minh mình vừa không di chuyển, vừa không suy nghĩ động não điều gì, chỉ ngủ thôi chẳng hạn, nó càng đáng chú ý hơn nữa”.
Người đăng ký được tự do xác định thời gian không hoạt động của họ. Nếu không thực hiện đúng lời hứa “trở nên lười biếng” hay có tác động bên ngoài khiến họ không thể duy trì được nữa, người nhận học bổng vẫn được giữ nguyên số tiền.
Đồng thời, tất cả đơn đăng ký sẽ là một phần của triển lãm có tên "Trường học của những điều không hoàn hảo: Hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn". Triển lãm được khai mạc tại đại học Hamburg (Đức) vào tháng 11 tới.
Thủy Tiên (T/h)