Một bài xã luận trên SCMP đã liệt kê 8 biện pháp mà Triều Tiên dùng để né lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) sau vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất chống lại Triều Tiên sau lần thử hạt nhân lần thứ 6. Tuy nhiên, các nhà phê bình bày tỏ sự nghi ngờ về hiệu quả của việc các biện pháp trừng phạt này trong việc ngăn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo một số báo cáo của LHQ và Mỹ, Triều Tiên đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm ứng phó với các lệnh trừng phạt của LHQ, trong đó có 2 biện pháp nổi bật là buôn lậu và dùng các công ty bình phong để thu ngoại tệ.
Dưới đây là 8 biện pháp cơ bản nhất mà chính phủ ông Kim Jong-un thường sử dụng:
1. Trao đổi hàng hoá
Triều Tiên trực tiếp trao đổi than đá và các khoáng chất khác lấy hàng hoá cần thiết, chẳng hạn như vũ khí và các mặt hàng xa xỉ. Điều này tránh được nguy cơ bị lộ con đường chuyển tiền.
Một nghị quyết được thông qua bởi Hội đồng Bảo an LHQ hồi tháng 11/2016 đã đặt ra mức hạn chế xuất khẩu than của Triều Tiên. Một nghị quyết khác thông qua vào tháng 8/2017 cũng ngăn cấm thương mại than với Triều Tiên, nhưng cho phép việc mua bán nhiên liệu được tiếp tục.
Triều Tiên sử dụng nhiều biện pháp tránh né lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ. Ảnh: SCMP |
2. Buôn lậu
Các đối tượng buôn lậu từ các nước khác, ví dụ như Trung Quốc, tắt hệ thống tín hiệu vô tuyến trên tàu khi đi vào hải phận của Triều Tiên, sau đó nhận hàng hóa của Triều Tiên để chuyển tới một nước khác, ví dụ như Nga. Tiếp theo, họ tuyên bố rằng số hàng hóa đó được sản xuất tại Nga.
3. Giả mạo các giấy tờ đăng ký tàu
Triều Tiên đã đăng ký các tàu với một số lượng nhiều bất thường, trong đó có nhiều tàu thuộc quyền sở hữu của nước ngoài. Điều này cho phép Triều Tiên tránh được các hoạt động thanh tra, sát hạch của quốc tế.
4. Công nhân nước ngoài và các dự án giúp tài trợ chương trình vũ khí
Theo chính phủ Mỹ, gần 100.000 người Triều Tiên làm việc trên khắp thế giới, tạo ra khoảng 500 triệu USD cho chế độ của Kim Jong-un. Nhóm các Dự án Mansudae ở hải ngoại thuộc các công ty xây dựng của Triều Tiên cũng mang lại nguồn ngoại tệ cho nước này.
5. Thay đổi thiết bị không thuộc diện bị cấm vận để sử dụng cho mục đích quân sự.
Triều Tiên đã trưng bày tên lửa tại một cuộc diễn hành khổng lồ được tổ chức tại Bình Nhưỡng hồi tháng 4/2017. Video và hình ảnh của các xe được sử dụng để vận chuyển một tên lửa Pukguksong-1 có biểu tượng "Sinotruk" trên thùng nhiên liệu. Trong một cuộc diễu hành quân sự hồi tháng 10/2016 tại Bình Nhưỡng, xe Sinotruk Howo 6x6 cũng từng xuất hiện.
Sinotruk là công ty được liệt kê trong danh sách nhà sản xuất xe lớn nhất của Trung Quốc. Trong một cuộc điều tra của LHQ, công ty này thừa nhận họ đã xuất khẩu những xe tải dân dụng có ba trục đến Triều Tiên từ năm 2010 - 2014, nhưng thiết bị này không bị cấm vận.
6. Các công ty bình phong
Các công ty của Triều Tiên hoạt động ở nước ngoài lập các tài khoản ngân hàng để tích lũy vốn.
7.Vỏ bọc ngoại giao
Triều Tiên sử dụng các nhà ngoại giao của nước này ở nước ngoài để mở nhiều tài khoản ngân hàng. Các tài khoản mang tên chính họ, những thành viên trong gia đình họ hoặc cho các công ty bình phong.
Một ví dụ là Kim Chol-sam, đại diện của Ngân hàng Tín dụng Daedong ở Đại Liên, thuộc Liêu Ninh của Trung Quốc. Ông Kim đã thiết lập ít nhất 8 tài khoản ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông bằng tên mình và cho các công ty bình phong sử dụng trong những giao dịch trị giá hàng triệu USD.
8. Bán vũ khí
Bất chấp lệnh cấm vận của LHQ, Triều Tiên vẫn bán vũ khí và cung cấp huấn luyện quân sự ở nước ngoài. Hoạt động này đặc biệt sôi động tại khu vực châu Phi và Trung Đông.
Cuộc điều tra của LHQ cho biết những người mua bao gồm Angola, CHDC Congo, Eritrea, Mozambique, Namibia, Syria, Uganda, Tanzania...
(Theo SCMP)