+Aa-
    Zalo

    Trả lương theo vị trí việc làm, hết thời công chức “ngồi chơi hưởng lương cao”?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một trong những cải cách về chính sách tiền lương từ năm 2021 là “trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm”

    Một trong những cải cách về chính sách tiền lương từ năm 2021 là “trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm” (theo Nghị quyết 27- NQ/TW). Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến trái chiều, PV tạp chí ĐS&PL có cuộc trao đổi với ĐBQH khóa XIII Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

    Trả lương theo hiệu quả công việc để khuyến khích người tài

    PV: Chính sách trả lương theo vị trí việc làm được nhiều người kỳ vọng sẽ đổi mới nền công vụ. Ông nhận định sao về việc trả lương theo vị trí việc làm?

    ĐBQH Lê Như Tiến: Tôi rất đồng tình với chủ trương trả lương theo vị trí việc làm, chúng ta không thể trả lương theo kiểu “bình quân chủ nghĩa” và cào bằng như hiện nay. Như vậy mới phản ánh được cái gọi là giá trị lao động bỏ ra tương ứng với đồng lương được hưởng.

    ĐBQH khóa XIII Lê Như Tiến

    Nếu xác định vị trí việc làm thật chuẩn thì đó chính là hao phí lao động của người lao động. Mà hao phí lao động bao nhiêu thì sẽ được trả lương bấy nhiêu. Không thể có chuyện chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên bình thường đều có một thang lương như nhau. Thậm chí, nhiều lãnh đạo quản lý phải chịu trách nhiệm rất lớn nhưng hưởng lương thấp hơn nhân viên, chỉ vì nhân viên có thâm niên cao hơn và cứ sau 3 năm lại lên bậc. Trả lương như vậy không kích thích được sức lao động, sáng tạo của người ăn lương.

    Theo tôi, vị trí việc làm nào, kết quả thực hiện công việc ra sao thì sẽ được hưởng lương theo hiệu quả, trách nhiệm của công việc đó. Việc này nhằm khuyến khích cán bộ, công chức và người lao động phát huy hết khả năng, trí lực của mình trong công việc. Khi nào lương được trả theo vị trí công việc, hiệu quả công việc thì không cần giảm, lúc đó bộ phận yếu kém cũng tự loại mình ra khỏi guồng máy.

    Lương trả theo vị trí việc làm nhưng phải kèm theo hiệu quả và hiệu suất lao động trong từng vị trí đó. Tôi lấy ví dụ, một người bảo vệ ở cơ quan sẽ được trả theo mức lương của bảo vệ. Quan trọng phải xem với vị trí đó người ấy có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Một người hoàn thành xứng đáng hưởng đồng lương theo đúng vị trí đó. Còn nếu giao vị trí khác mà họ chỉ làm được 30 - 50% thì phải cân nhắc có nên trả 30 - 50% không.

    PV: Nói như vậy, những người “lão làng” chưa chắc đã được hưởng lương cao bằng những người ít thâm niên, thưa ông?

    ĐBQH Lê Như Tiến: Đúng vậy! Trước đây, chúng ta áp dụng trả lương theo hệ số và lên lương theo năm công tác của cán bộ. Điều này có nghĩa người làm lâu được hưởng lương cao và ngược lại. Vì vậy dân gian mới có câu “sống lâu lên lão làng”, mà trong thực tiễn không phải cứ người nhiều tuổi thì đóng góp nhiều hơn và làm việc tốt hơn.

    Không cần biết bằng cấp gì, khi đã mô tả công việc theo một khung năng lực, 1 người dù mới vào hay lâu năm, cứ đáp ứng yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó, phải được trả lương tương xứng công sức bỏ ra và kết quả đạt được; không đáp ứng thì không được bố trí nữa. Có thể những ngành vất vả sẽ được xếp vào một nhóm hưởng lương cao hơn. Như vậy, lương sẽ phản ánh thực chất năng lực, cống hiến. Đồng thời, lương sẽ trở thành thu nhập chủ yếu, không phải phụ cấp như từ trước đến nay.

    PV: Nhiều ý kiến băn khoăn, khi thời điểm trả lương theo vị trí việc làm đã đến gần mà công tác đánh giá năng lực cán bộ vẫn không mấy nhúc nhích thì việc trả lương này sẽ khó mà đúng người, đúng việc, thưa ông?

    ĐBQH Lê Như Tiến: Để đánh giá đúng năng lực thực sự của cán bộ, công chức là điều không hề đơn giản nhưng không phải không làm được. Theo đó, điều phải làm là xác định vị trí việc làm cho thật chuẩn theo từng ngành nghề, lĩnh vực, trong từng vị trí nên nêu rõ mức lương thế nào cho phù hợp.

    Để có tiền lương xứng đáng với cống hiến của người cán bộ thì phải có một cơ chế đánh giá thành tích và sự cống hiến một cách khách quan, công khai, minh bạch. Ví dụ, việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức viên chức sẽ được bổ sung quy định đánh giá định lượng, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương, bảo đảm xuyên suốt, liên tục, đa chiều, dân chủ, khách quan. Khi đưa vị trí việc làm là yếu tố quan trọng nhất để xác định thang bảng lương đương nhiên chúng ta cũng phải có tiêu chí đánh giá đúng năng lực, không làm tổn thương người làm nhiều mà hưởng lương không tương xứng.

    Cần có cơ chế đặc thù cho các thành phố lớn?
    PV: Theo ông, chính sách trả lương theo vị trí việc làm và chức vụ lãnh đạo quản lý có phù hợp với xu thế?
    ĐBQH Lê Như Tiến: Nhiều nước tiên tiến trên thế giới mà chúng tôi từng nghiên cứu đều áp dụng chính sách trả lương theo vị trí việc làm. Cách trả lương như vậy là rất công bằng.

    Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức và đơn vị.

    Theo quan điểm của tôi, ngoài trả lương theo vị trí việc làm, cần có các kênh khác nhau để động viên ưu đãi khuyến khích. Ví dụ như với bác sĩ mổ nhưng họ là giáo sư hay tiến sĩ thì phải trả lương cao hơn bác sĩ mổ thông thường. Hay phải trả lương theo chức vụ quản lý. Tôi lấy ví dụ, lương người quản lý phân xưởng 50 người sẽ khác với quản lý phân xưởng 500 người và khác với người quản lý phân xưởng với dây chuyền công nghệ cao, đặc thù tính chất công việc cao hơn.

    Cũng với việc làm ấy, 1 kỹ sư hoàn thành sẽ được khuyến khích khác nếu như lao động đó là 1 giáo sư. Ngược lại nếu giáo sư không hoàn thành như kỹ sư cử nhân thì phải cân nhắc trong việc trả lương vì trả lương phải công bằng, sòng phẳng, công khai minh bạch thì mới thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội.

    PV: Việc triển khai chính sách trả lương theo vị trí việc làm liệu có thực hiện được trên diện rộng? Theo ông, có cần thiết áp dụng cơ chế riêng cho những độ thị đặc thù như Hà Nội, TP.HCM?

    ĐBQH Lê Như Tiến: Theo tôi, không nên cào bằng các đô thị như nhau mà cần áp dụng cơ chế đặc thù cho các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, tạo điều kiện cho các đô thị đó phát triển. Điều này cũng xuất phát từ thực tế cùng một ngành, một vị trí việc làm nhưng cán bộ công chức ở Hà Nội, TP.HCM phải chịu khối lượng, tính chất công việc phức tạp hơn nhiều so với các địa phương khác, vì số dân đông hơn và mức chi tiêu có khi gấp 2 - 3 lần. Rõ ràng đô thị lớn thì sức ép công việc lớn hơn rất nhiều, nhất là lượng giao dịch với người dân.

    PV: Xin cảm ơn ông!

    ĐBQH BÙI SỸ LỢI, PHÓ CHỦ NHIÊM THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI: Nguyên tắc của tiền lương là phải làm theo năng lực

    “Nhiều cơ quan đã luân chuyển cán bộ, công chức đúng năng lực và phù hợp với vị trí, công việc của họ. Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi cũng không làm được điều đó. Chẳng hạn như, 1 cán bộ đang làm Trưởng phòng nhưng không có cách nào đưa họ xuống Phó phòng được. Nếu chúng ta cải cách được chính sách tiền lương, trả đúng lương với số lượng, chất lượng lao động thì họ không nghĩ đến chức tước và sẽ cống hiến cho công việc. Dù họ làm nhân viên nhưng thu nhập vẫn cao hơn lãnh đạo là yên tâm làm việc rồi. Nguyên tắc của tiền lương là phải làm theo năng lực, chi trả theo số lượng và chất lượng lao động. Tiền lương là đòn bẩy để tăng năng suất lao động và coi đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho sự phát triển. Có như vậy mới có bộ máy công chức toàn tâm toàn ý. Khi đánh giá cán bộ, chúng ta cần nhìn nhận cả hai mặt, nâng cao năng lực, phẩm chất tuy nhiên cũng phải cho người ta đủ sống họ mới toàn tâm toàn ý cho công việc.

    Theo tôi, đầu tư cho người lao động thông qua việc cải thiện tiền lương chính là đầu tư cho phát triển. Sau đó, ta phải sắp xếp cho hợp lý bộ máy và sắp xếp cho được vị trí việc làm. Lộ trình tăng lương hiện nay thì gắn với việc đang sắp xếp vị trí việc làm và các bậc tiền lương theo đúng quy định của Nghị quyết 27, tức khu vực ngoài lực lượng vũ trang chỉ còn 2 bảng lương, bảng lương của chức vụ lãnh đạo và bảng lương của chuyên môn nghiệp vụ. Còn trong lực lượng vũ trang có 3 bảng lương, chúng ta phải tập trung để xử lý các nguồn cải cách tiền lương.

    Có thể khi cải cách chính sách tiền lương, tất cả các nguồn ngoài lương đưa vào tiền cứng thì ta thấy rằng, có thể một số ngành, lĩnh vực sẽ không thay đổi so với thực tế tiền lương và thu nhập hiện nay. Vì vậy, người ta cảm thấy cải cách tiền lương không có gì lớn nhưng cách chi trả sẽ công bằng, công khai và minh bạch hơn”.

    ÔNG VĂN TẤT THU, NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ: Trả lương theo vị trí việc làm là... hoang tưởng!

    “Trả lương theo vị trí việc làm là chuyện hoang tưởng, từ khi còn công tác, tôi đã có ý kiến về vấn đề này. Theo tôi, chỉ có thể trả lương theo chức vụ chứ không thể trả lương theo vị trí việc làm. Chúng ta không xác định được rõ ràng vị trí việc làm hay vị trí làm việc. Việc xác định vị trí việc làm chưa rõ ràng, cụ thể nên việc trả lương cũng đang bị nhầm lẫn, không rõ ràng, khó có thể xây dựng được bảng lương phù hợp.

    Nếu xây dựng vị trí việc làm không đúng, không chuẩn thì việc xác định chức danh trả lương cũng bị sai lệch, méo mó. Nếu bây giờ chuyển lương từ hệ thống chức danh nghề nghiệp sang vị trí việc làm sẽ gây xáo trộn rất lớn trong các cơ quan và các đơn vị sự nghiệp hiện nay.

    Cách trả lương theo vị trí việc làm chỉ số ít nước áp dụng. Lao động trong bộ máy công quyền là lao động trừu tượng thì làm sao xác định được vị trí việc làm để trả lương (ví dụ 1 cán bộ soạn thảo văn bản để trình cho cấp quản lý ký thì định lượng cụ thể công việc ra sao-PV)”.

    Hương Lan

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (32)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tra-luong-theo-vi-tri-viec-lam-het-thoi-cong-chuc-ngoi-choi-huong-luong-cao-a334795.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.