Thông tin từ Mekong Asean, Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 lần lượt là CTCP Thủy sản Sóc Trăng, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, CTCP Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang, CTCP Thực phẩm Sao Ta và CTCP Chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau.
Cụ thể, theo VASEP, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc đều tăng trưởng khả quan. Sao Ta (FMC) thu về 186,7 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2024. Đáng chú ý, Sao Ta đạt 30,1 triệu USD về doanh thu (tăng 48% so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 9/2024.
Được biết, năm 2023, Sao Ta là doanh nghiệp Việt xuất khẩu tôm lớn nhất vào Nhật Bản, đứng thứ 5 tại thị trường Mỹ và thứ 9 tại Hàn Quốc, tạp chí Thương hiệu & Công luận thông tin.
VASEP cho biết, năm 2024, tôm đông lạnh xuất khẩu vẫn bị tác động bởi xu hướng giá chưa phục hồi rõ rệt, cùng với áp lực giá bán cạnh tranh với tôm Ecuador và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế tốt ở các thị trường.
Do vậy, tính đến cuối tháng Chín, xuất khẩu tôm chân trắng chế biến vẫn tăng gần 10%, trong khi xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh tăng nhẹ hơn với mức 4,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 2 tỷ USD, xuất khẩu tôm sú đạt 334 triệu USD.
“Về giá tôm nguyên liệu của Việt Nam đã ghi nhận tích cực hơn kể từ tháng Bảy năm nay. Giá tôm chân trắng nguyên liệu các cỡ 50, 80, 100 con/kg tăng đều kể từ tháng Bảy đến tháng Chín”, theo VASEP.
Dự kiến về giá tôm nguyên liệu trong quý IV/2024, VASEP cho biết, giá tôm nguyên liệu vẫn tiếp tục khả quan, tuy nhiên có khả năng thiếu nguyên liệu cục bộ do đây là giai đoạn Trung Quốc sẽ tăng mua cho nhu cầu lễ Tết Nguyên đán và năm mới, doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng cuối năm.
Nhìn chung trong 9 tháng đầu của năm 2024, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 701.400 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 210.300 tấn, tăng 2,2%.