(ĐSPL) - Ngay sau khi nhận được tin báo của một người lạ về khả năng sẽ xảy ra tình trạng thi hộ tại trường, trường đại học Tôn Đức Thắng nhanh chóng tiến hành kiểm tra, xác minh. Đúng như thông tin nhận được, nhà trường đã phát hiện có tới 24 trường hợp thi hộ môn tiếng Anh cho sinh viên.
Ngay khi làm việc với những đối tượng thi hộ và các sinh viên có liên quan, nhà trường đã gửi hồ sơ lên công an điều tra để nhờ hỗ trợ, làm rõ.
Tin báo tiêu cực trong thi cử
Việc phát hiện 24 trường hợp thi hộ cho sinh viên trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) đã khiến dư luận xôn xao nhiều ngày nay. Bàng hoàng trước sự việc gây chấn động này, nhiều cán bộ nhà trường cho rằng, đây là vụ thi hộ lớn nhất từ trước đến nay. Vụ việc một lần nữa báo động về tình trạng gian lận trong thi cử ở các trường đại học, cao đẳng.
Trường đại học Tôn Đức Thắng - nơi phát hiện 24 trường hợp thi hộ (ảnh Thơ Trịnh). |
Để làm rõ những thông tin về vụ thi hộ gây xôn xao dư luận nói trên, sáng ngày 14/11, PV báo Đời sống và Pháp luật có cuộc trao đổi với ông Lê Vũ An Ninh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, trường đại học Tôn Đức Thắng.
Trao đổi với PV, ông Ninh cho biết: "Vào chiều ngày 12/11, nhà trường nhận được cuộc gọi của một người lạ thông báo việc sẽ có tình trạng gian lận, nhờ thi hộ trong đợt thi kết thúc học phần môn tiếng Anh vào tối cùng ngày. Bất ngờ nhận được thông tin nói trên, lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo cho phòng Thanh tra - pháp chế - an ninh rà soát lịch thi và xác định, đúng là vào 19h tối ngày 12/11 có bốn phòng thi môn tiếng Anh của 104 sinh viên liên thông. Theo đó, nhà trường đã lên kế hoạch kiểm tra để vạch trần âm mưu gian lận này".
Như kế hoạch đã định sẵn trước đó, phòng Thanh tra - pháp chế - an ninh tiến hành trích xuất lý lịch của toàn bộ số sinh viên tham gia thi tiếng Anh tối hôm đó (bao gồm ảnh, địa chỉ, tên, cha mẹ...). Bên cạnh đó, cán bộ coi thi còn bố trí thêm tám người xuống từng phòng kiểm tra, nhằm không bỏ sót bất kỳ trường hợp gian lận nào. Theo đó, nếu có nghi ngờ về hình ảnh, cán bộ sẽ hỏi thêm địa chỉ và tên cha mẹ để làm cơ sở kiểm tra trong suốt thời gian thi.
Cho đến 19h cùng ngày, toàn bộ sinh viên vào phòng thi. Trao đổi với PV về kế hoạch vạch trần sai phạm của nhóm sinh viên nhờ thi hộ, ông Nguyễn Quốc Bảo - Trưởng phòng Thanh tra - pháp chế - an ninh cho biết: "Trong lúc thí sinh làm bài, các cán bộ coi thi vẫn được quyền kiểm tra nhân thân của từng sinh viên. Kết quả là, các cán bộ của nhà trường phát hiện 24 thí sinh mạo danh thi hộ cho sinh viên. Đa phần những người thi hộ đều còn rất trẻ, độ tuổi khoảng 22-26. Ngay lập tức, đoàn kiểm tra của trường đã lập biên bản đình chỉ thi, giữ thẻ sinh viên và yêu cầu người thi hộ làm tường trình về toàn bộ sự việc. Làm việc với các cán bộ nhà trường, có những người không có giấy tờ tùy thân, nên nhà trường yêu cầu cho người lên bảo lãnh".
Nhận thi hộ qua facebook(!)
Bản tường trình của những người thi hộ cho biết, trước khi nhận lời thi hộ, những người này quen biết nhóm sinh viên qua facebook. Sau một vài lần nói chuyện, nhóm sinh viên liên lạc với người mới quen để nhờ thi hộ. Sau khi nhận lời, những người thi hộ chỉ thi giúp chứ không thỏa thuận về tiền. Trong khi đó, có một vài trường hợp người thi hộ khai nhận, có sự thỏa thuận về tiền bạc với sinh viên trước khi thi hộ với giá 800.000 đồng. Thế nhưng, tại thời điểm xảy những người thi hộ này vẫn chưa nhận tiền từ các sinh viên.
Trao đổi về kế hoạch tinh vi của những người thi hộ, ông Nguyễn Quốc Bảo cho hay: "Theo quy định, thẻ sinh viên của trường phải in hình sinh viên và mã vạch. Thế nhưng, những người thi hộ đã làm giả thẻ sinh viên giống y hệt. Chính vì vậy, nếu không có người báo tin trước để tổ chức kiểm tra thông tin liên quan thì cán bộ coi thi sẽ khó có thể phát hiện ra những thẻ sinh viên giả này. Toàn bộ những người tham gia thi hộ không phải sinh viên trong trường". Đánh giá về sự việc này, một cán bộ trường Tôn Đức Thắng cho biết, những người tham gia thi hộ quá tinh vi khi trang bị cho mình những giấy tờ giả giống y như thật.
Ngoài việc làm việc với 24 người thi hộ, ông Ninh còn cho biết: "Sau khi làm việc với những người thi hộ, trường đã tiến hành mời nhóm sinh viên nhờ thi hộ lên phòng để làm việc. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nên cho đến nay nhà trường vẫn chưa làm việc hết được với những sinh viên nhờ người thi hộ. Nhà trường đã giao toàn bộ sự việc cho phòng Thanh tra - pháp chế - an ninh tiếp tục thu thập thông tin và làm việc trực tiếp với những người liên quan. Chính vì vậy, cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được báo cáo kết quả sự việc. Theo quy định, sinh viên nhờ người thi hộ có thể bị đình chỉ học tập từ 6 tháng trở lên hoặc buộc thôi học".
Đánh giá về hành vi thi hộ xảy ra tại trường, ông Ninh cho hay: "Đây là lần đầu tiên trường phát hiện vụ thi hộ diễn ra trong trường. Không những thế, đây lại là vụ thi hộ lớn nhất. Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, nhà trường cũng đã liên hệ với Công an phường Tân Phong và Công an quận 7 để được hỗ trợ. Tuy nhiên, tại thời điểm diễn ra buổi thi, cơ quan chức năng không tới kịp. Còn sau đó, cơ quan chức năng có đến liên hệ để hỗ trợ xử lý việc này hay không thì đến nay chúng tôi chưa nhận được báo cáo từ phòng Thanh tra - pháp chế - an ninh". Trả lời về việc, có thông tin cho biết trong vụ việc này cơ quan chức năng địa phương tắc trách, vô trách nhiệm, ông Ninh khẳng định: "Nhà trường không hề nói điều đó".
Tìm hiểu thêm, được biết, ngay khi phát hiện vụ việc, nhà trường đã liên hệ với Công an phường và Công an quận nhưng đều nhận được câu trả lời rằng đây là vụ việc nội bộ nên đề nghị trường xử lý theo quy chế. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng cơ quan chức năng địa phương tắc trách, vô trách nhiệm trong vụ thi hộ này, một cán bộ trường cung cấp thêm. Sáng ngày 14/11, PV báo ĐS&PL liên hệ với Công an phường Tân Phong để làm rõ về vấn đề này, thì một cán bộ đề nghị PV liên hệ với Công an quận 7 để biết chi tiết hơn.
Mức xử lý cao nhất là đuổi học Trao đổi với PV về vụ việc ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, thành viên Hội Luật gia châu á cho biết: “Đối với những trường hợp thí sinh nhờ người thi hộ, sẽ phải chịu mức xử lý cao nhất là đuổi học. Tuy nhiên, tùy theo mỗi trường sẽ có mức xử lý khác nhau. Nhẹ hơn, sinh viên có thể bị hủy kết quả thi của môn học bị phát hiện thi hộ, buộc phải học lại từ đầu. Đồng thời, những sinh viên này sẽ bị nêu tên, cảnh cáo công khai trước toàn trường. Đối với những trường hợp tham gia thi hộ, cơ quan công an sẽ thông báo về địa phương và xử phạt hành chính các đối tượng này theo quy định của pháp luật”. Công an TP.HCM đã đến trường nắm thông tin Trao đổi với PV, một cán bộ trường Tôn Đức Thắng cho biết, đây là vụ việc thi hộ nghiêm trọng, và nhiều khả năng có liên quan đến một đường dây thi hộ quy mô lớn. Chính vì vậy, nhà trường rất muốn làm rõ sự việc để cảnh báo cho những trường khác. Cho đến ngày 13/11, đại diện PA83 (phòng An ninh chính trị nội bộ) Công an TP.HCM đã đến trường nắm thông tin và tư vấn nhà trường cần chuyển hồ sơ cho Công an quận 7. Chính vì vậy, chiều cùng ngày trường đã cử người chuyển hồ sơ cho Công an quận 7 để được hỗ trợ, điều tra, làm rõ. |