+Aa-
    Zalo

    Tình yêu làm “đất lạ” hóa “quê hương”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Họ đã vượt qua biết bao sự thành kiến hắt hủi để đến với nhau: “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”…

    (ĐSPL) - Trại phong Phú Bình, Thái Nguyên giờ đã đổi khác nhiều, trên mảnh đất mà người ta lầm tưởng chỉ dành cho những “con hủi”, người đời ít ai dám bén mảng tới thì giờ đây chính mảnh đất này đã vun vén hạnh phúc cho biết bao gia đình. Họ đã vượt qua biết bao sự thành kiến hắt hủi để đến với nhau: “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”…

    Họ đã viết nên một chuyện tình đẹp ở mảnh đất tưởng chừng chỉ có bất hạnh. Đó là câu chuyện của đôi vợ chồng ông Phạm Thành Trung và bà Vi Thị Em mà chúng tôi có dịp gặp gỡ tại trại phong Phú Bình (xã Tân Kim, huyện Phú Bình, Thái Nguyên).

    Tình yêu làm “đất lạ” hóa “quê hương”

    Vợ chồng ông Phạm Thành Trung và bà Vi Thị Em.

    Những tháng ngày địa ngục…

    Sinh năm 1932, tuổi thơ ông Phạm Thành Trung (quê Lạng Sơn) trôi qua trong hoàn cảnh nghèo khó. Nhưng cái nghèo khó ấy không hằn sâu trong tâm trí ông bằng cái ngày ông phát hiện ra mình mắc phải căn bệnh quái ác mà người đời xa lánh “bệnh hủi” (bệnh phong).

    Ông trung kể lại: Ngày ấy người ta sợ “con hủi” hơn cả sợ ma. Ai bị “hủi” là bị cả làng xua đuổi, bắt vào trong rừng dựng lều ở biệt lập, người nào không may mắn thì chỉ vào ở trong rừng được một hai ngày là bị hổ tha đi.

    Ông biết mình mắc bệnh năm từ 18 tuổi. May mắn hơn những người bệnh khác, khi biết mình mắc bệnh ông đã được gia đình giấu kín và được chú đưa lên Lạng Sơn khám. Vì thế, ông vẫn sinh hoạt như bao người bình thường khác. Cuối năm 1954, vì bệnh ngày một nặng nên ông Trung xin chuyển vào điều trị tại trại phong Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh).

    Nơi ông sống và điều trị tách biệt hẳn với bên ngoài, hoang sơ, rậm rạp, cây cối um tùm. Thời đó, người ta sợ mảnh đất này vì nhắc đến trại phong là nghĩ ngay đến những con người ma quái, tay chân thối rữa, lê lết, trông rất kinh tởm.

    Ông gần như tuyệt vọng, đau đớn về những nỗi đau đang gặm nhấm ông từng ngày, từng giờ cả về thể xác lẫn tâm hồn. Căn bệnh quái ác này đã chôn vùi đi tuổi thanh xuân của ông cũng như bao người khác. Bệnh phong quái ác đã chôn vùi cuộc sống cũng như tuổi trẻ của ông, nó đã biến con người ông trở nên cằn cỗi, đau khổ. Nhiều lúc đau đớn tủi hờn ông đã nghĩ đến cái chết để được giải thoát.

    Trong ký ức của ông đó là những ngày ông phải sống trong địa ngục!

    Cuối năm 1964, do gia đình có việc hệ trọng, ông đã trở về quê hương, về với mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên nhưng chứa đựng biết bao đau khổ bi kịch của cuộc đời ông. Ông về quê được 8 tháng, đến giữa năm 1965 ông xin chuyển lên điều trị tại trại phong Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên). Ông đâu ngờ rằng, tại mảnh đất này ông đã tìm được người bạn đời gắn bó với ông suốt cuộc đời.

    Sự kỳ diệu của Tình yêu!

    Ông Trung đã gắn bó với trại phong Phú Bình được 48 năm. Ông đã khỏi bệnh từ lâu nhưng về quê không còn đất sống nên ông quyết định gắn bó với mảnh đất này. Cứ tưởng sự cô đơn sẽ theo ông đến hết đời, nhưng hai chữ “duyên phận” đã đưa bà Vi Thị Em đến bên và sưởi ấm trái tim đã nguội lạnh của ông từ lâu, nhen nhóm trong ông một ngọn lửa mang tên “hy vọng”.

    Cũng như ông, bà Em cũng là bệnh nhân mắc bệnh Phong. Bà đến trại phong Phú Bình trước ông 6 năm, bà kém ông một tuổi, ông phải lòng bà ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng vì mặc cảm không giám thổ lộ. Ông chỉ âm thầm quan tâm chăm sóc bà như một người bạn – người cùng cảnh ngộ.

    Rồi cái gì đến cũng phải đến, sự chân thành của ông đã chinh phục được trái tim bà, bà Em đã mạnh dạn thổ lộ tình cảm và mong muốn chung sống với ông suốt đời. Năm 2007, không có điều kiện cưới hỏi và được sự giúp đỡ của bệnh nhân trong trại, hai ông bà đã làm một mâm cơm đạm bạc; dưới sự chứng kiến của mọi người và tập thể y bác sĩ, hai ông bà đã quyết định dọn về chung sống với nhau.

    Hạnh phúc bình dị mà giản đơn!

    Hiện hai ông bà đang sống tại một căn phòng nhỏ nằm cạnh dãy nhà tập thể của khu điều trị. Cuộc sống hiện nay của hai ông bà trông cậy hoàn toàn vào 450 nghìn đồng tiền trợ cấp của Nhà nước.

    Hạnh phúc đến với ông muộn màng nhưng có lẽ thế là trọn vẹn. Ông nói “ chính tình yêu của bà đã tái sinh con người bệnh tật mặc cảm trong tôi”.

    Do di chứng của bệnh, bà Em bị cụt một bên chân, phải dùng chân giả nên việc đi lại rất khó khăn. Việc sinh hoạt hàng ngày của bà đều do ông phụ trách, nhưng ông không than vãn mà ông còn lấy làm hạnh phúc khi được chăm sóc người bạn đời của mình.

    Tôi hỏi ông: ông có thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại không? Không cần suy nghĩ ông trả lời tôi ngay rằng: “hạnh phúc với tôi lúc này chỉ cần có bà ấy là đủ”. Có những hạnh phúc bình dị mà giản đơn như thế.

    Làng phong Phú Bình giờ đã đổi khác nhiều, trên mảnh đất mà người ta lầm tưởng chỉ dành cho những con hủi, người đời ít ai dám bén mảng tới thì giờ đây chính mảnh đất này đã vun vén hạnh phúc cho biết bao gia đình.

    Họ đã vượt qua biết bao sự thành kiến hắt hủi để đến với nhau: “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” (thơ Chế Lan Viên). Phú Bình đã trở thành quê hương của ông Trung, bà Em và cũng như bao người đã phải trải qua căn bệnh phong quái ác.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-yeu-lam-dat-la-hoa-que-huong-a56389.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Thói quen vợ chồng khiến nửa kia phát cáu

    Thói quen vợ chồng khiến nửa kia phát cáu

    Các bà vợ thường khó chịu bởi tính luộm thuộm, tùy tiện của ông xã ở nhà, còn chồng không thể nào hiểu tại sao vợ lại tốn thời gian, cầu kỳ quá mức trước khi ra ngoài.