+Aa-
    Zalo

    Đường đời kỳ diệu của đôi vợ chồng mù chung khát vọng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Những thiệt thòi bất hạnh do tật nguyền đã khiến họ sống như một người bình thường đã khó, vậy mà họ đã vươn lên trên nỗi bất hạnh cùng dìu nhau đi qua bóng tối để xây dựng mái ấm hạnh phúc.\r\n

    (ĐSPL)- Những thiệt thòi bất hạnh do tật nguyền đã khiến họ sống như một người bình thường đã khó, vậy mà họ đã vươn lên trên nỗi bất hạnh cùng dìu nhau đi qua bóng tối để xây dựng mái ấm hạnh phúc.
    Chung một nỗi đau, cùng một khát vọng
    Câu chuyện cảm động về cặp vợ chồng khiếm thị tại thôn Bích Đại, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, khiến ai cũng ngỡ họ mới được nghe một câu chuyện tình như cổ tích giữa đời thường.
    18 tuổi, đang là tuổi đẹp nhất của đời người con gái, chị Hằng (quê tại xã Phú Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) đã bỏ lỡ bao nhiêu dự định mơ ước cho tương lai bởi năm 2000 khi chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12, bỗng chị thấy mắt mình mờ dần đi, bố mẹ cho chị lên bệnh viện huyện khám, các bác sỹ chẩn đoán chị bị viêm đáy mắt, có khả năng sẽ bị mù. Bố mẹ chị đã cố gắng chạy chữa nhưng đều vô vọng, đến năm 2003 chị vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng. Chị Hằng tâm sự: “Nhớ lại quãng thời gian ấy, tôi sống như người không hồn, tôi rơi vào khoảng trầm của cuộc đời một cô gái ở tuổi 18. Từng khao khát là một giáo viên dạy văn, tôi đã quyết tâm học thật tốt để thực hiện ước mơ của mình. Nhưng hạnh phúc không mỉm cười với tôi. Khi đó tôi trở nên bất mãn và tự ti trước cuộc sống. Tôi đã  từng nghĩ mình đang trở thành kẻ vô dụng, kẻ ăn bám bố mẹ trong khi bố mẹ phải nuôi bốn chị em và bố mẹ đã bán từng hạt thóc lấy tiền cứu chữa đôi mắt cho tôi, cuộc sống gia đình tôi khó khăn chồng khó khăn”.
    Hàng ngày mọi sinh hoạt của chị đều nhờ vào bố mẹ và người thân. Chị nghĩ mình đã không còn ý nghĩa trên cuộc sống này. “Đôi lúc tôi cũng muốn tìm cách giải thoát cho chính mình, cho gia đình nhưng thương bố mẹ đã vất vả vì tôi và tôi cũng tin rằng cuộc đời sẽ không bạc với tôi đến mức ấy. Nên tôi đã cố gắng sống, cố gắng học cách tự chăm sóc bản thân và trong đầu luôn có một ý chí, tự mình phải vượt qua chính mình”, chị Hằng chia sẻ.
    Cũng vào thời điểm đó, tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, chàng thanh niên Bùi Văn Linh, 23 tuổi cũng đang đi tìm ánh sáng và lý tưởng riêng cho mình. 22 tuổi, anh có một gia đình nhỏ, một cô con gái kháu khỉnh, đáng yêu nhưng hạnh phúc đến với anh quá ngắn ngủi và mong manh. Một ngày anh nhận thấy mắt mình mờ dần, đi khám được chẩn đoán với căn bệnh viêm đáy mắt không thể cứu chữa. Chính vì vậy, người vợ đã bỏ lại anh và đứa con thơ đi tìm hạnh phúc mới. “Tôi cam chịu số phận, khi ấy tôi chỉ thương đứa con, nó còn quá nhỏ, không có mẹ chăm sóc sẽ là một thiệt thòi lớn cho nó”, anh Linh nói.
     
    Đôi vợ chồng mù chung một khát vọng vượt qua bóng tối
    Anh Linh hàng ngày vẫn miệt mài công việc của mình.
    Cùng nhau  vượt qua bóng tối
    Năm 2004, không hẹn mà gặp, anh Linh và chị Hằng cùng xin vào học tại Học viện Y học cổ truyền, học ngành xoa bóp, bấm huyệt. Anh Linh tâm sự: “Đối với chúng tôi, học chữ đã là một điều khó khăn, học nghề lại càng vất vả hơn. Ban đầu học có rất nhiều điều bỡ ngỡ, lạ lùng. Mình phải dùng tay, tai và sự cảm nhận của bản thân mới có thể học được. Nhiều lúc tôi cũng thấy nản và muốn buông xuôi. Nhưng được bạn bè, thầy cô động viên và nhất là cô bạn cùng lớp (vợ tôi bây giờ) khích lệ nên tôi đã cố gắng học để thoát khỏi sự mặc cảm, tự lập thân, lập nghiệp và cứu người”.
    Khi vào trường học, anh Linh và chị Hằng học chung một lớp, được sắp xếp ngồi gần nhau. Vì không nhìn thấy khuôn mặt, vóc dáng của nhau nên họ chỉ tìm hiểu nhau qua giọng nói và những lời chia sẻ. Một thời gian sau họ chính thức thành người yêu của nhau, mặc bên ngoài có bao lời bàn tán và e ngại cho tương lai của họ. Bằng sự đồng cảm, hai trái tim tật nguyền vẫn quyết định đến với nhau.
    Kết thúc 6 tháng đào tạo, họ bịn rịn chia tay và hẹn ngày gặp lại. Chị Hằng trở về Hưng Yên làm việc, anh Linh cũng trở về quê hương hoạt động trong hội người mù. Quãng đường hơn 100km cũng không làm tình yêu của anh chị lay chuyển, anh vẫn quyết tâm theo đuổi chị dù bị gia đình chị phản  đối. Sau mỗi tuần làm việc, anh thường bắt xe ôm xuống Hưng Yên thăm chị, chỉ cần nghe được giọng nói của chị là anh cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
    Đôi vợ chồng mù chung một khát vọng vượt qua bóng tối
    Anh Linh, chị Hằng hạnh phúc bên nhau.
    Chị Hằng tâm sự: “Nhiều lúc tôi cũng khuyên anh nên từ bỏ và tìm một hạnh phúc gần mình hơn, bởi gia đình tôi cũng phản đối vì anh đã là đàn ông có vợ. Mỗi lần tôi nói như vậy, anh càng quyết tâm hơn và mong muốn mang lại hạnh phúc cho tôi. Tôi thấy mình thật may mắn khi có được tình yêu của anh. Sau ba năm, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua khoảng cách địa lý, vượt qua rào cản của gia đình để vun đắp hạnh phúc cho chính mình”.
    Cuộc sống của đôi vợ chồng mù lòa, những buổi đầu còn nhiều khó khăn, vất vả. Với kiến thức từ Học viện Y học cổ truyền, anh chị đã làm nghề xoa bóp, bấm huyệt, trị các bệnh như đau cột sống, đau vai gáy, xương, khớp... ngay tại quê nhà. Không chỉ có người dân địa phương mà nhiều bệnh nhân những vùng lân cận cũng tìm đến nhà anh. Anh Linh cho biết: “Có ngày tôi phải dậy từ 5h sáng vì bệnh nhân ở xa, họ đến là mình bắt tay vào công việc thôi. Tôi làm đến 7h tối mới nghỉ. Nhiều người bệnh đến hỏi tôi sao mắt không nhìn thấy mà có thể bấm huyệt chuẩn đến như vậy. Khi ấy tôi chỉ cười và nói với họ: Mắt của tôi không nhìn thấy, nhưng tay của tôi vẫn còn hoạt động được nó không hề bị liệt, khi chữa bệnh tôi dùng đôi tay tuyệt đối cộng thêm sự cảm nhận để có thể bấm một cách chính xác nhất”.
    Anh Linh, chị Hằng như những cây xương rồng mọc trên cát, dù trong điều kiện sống khắc nghiệt nhất vẫn mạnh mẽ vươn lên và nở hoa. Họ đã vươn lên từ trong bóng tối, thắp sáng cho cuộc sống bằng chính nghị lực của họ, biến những điều không thể thành có thể, biến tuyệt vọng thành hy vọng để làm cho cuộc sống này tươi đẹp hơn.                            
    Anh chia sẻ rất nhiều về công việc mình làm, với vợ chồng anh, làm để chữa bệnh cứu người, chứ không quá đặt nặng về tiền nong. Thành quả mà anh chị đạt được phải đổ mồ hôi công sức mới có nên anh rất trân trọng công việc thường ngày của mình, trân trọng tình yêu, niềm tin mà chị Hằng đã dành cho mình và nhất là trân trọng bốn đứa con đáng yêu của hai vợ chồng, đó cũng chính là niềm hạnh phúc bình dị  mà anh chị có được.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duong-doi-ky-dieu-cua-doi-vo-chong-mu-chung-khat-vong-a49528.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan