+Aa-
    Zalo

    Cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam chia sẻ bí quyết sống

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cụ ông Trương Triêm (104 tuổi) và cụ bà Trần Thị Cháu (106 tuổi) vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác định là cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam.

    (ĐSPL) - Cụ ông Trương Triêm (104 tuổi) và cụ bà Trần Thị Cháu (106 tuổi) ở phường An Đôn (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác định là cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam. Đằng sau kỷ lục không dễ đạt được này là một câu chuyện dài về cuộc sống khổ cực thời trẻ của hai vợ chồng cụ.

     

    (bgiay)Cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam chia sẻ bí quyết sống

    Vợ chồng cụ Trương Triêm (104 tuổi) và cụ Trần Thị Cháu (106 tuổi) hạnh phúc đến "đầu bạc răng long".

    Vượt lên nghèo khó

    Phải mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới tìm gặp được cụ Triêm và cụ Cháu. Bởi khi tìm về phường An Đôn, hỏi nhà hai cụ, hàng xóm láng giềng đều nói ông Triêm, bà Cháu đã không sống ở đây nữa. Muốn tìm thì tới nhà ông Trương Ngọc Hiệp ở phường 2, TX.Quảng Trị sẽ gặp được họ.

    Men theo địa chỉ, chúng tôi tìm đến gặp hai cụ, thực sự rất bất ngờ vì cụ ông Trương Triêm vẫn đi lại linh hoạt, miệng cười nói tự nhiên và cụ vẫn còn khá minh mẫn. Còn cụ Cháu tuy phải nằm một chỗ vì cách đây 15 năm cụ không may bị ngã gãy chân đi lại không vững nhưng vẫn nghe, nói rõ ràng.

    Theo giấy Chứng minh nhân dân do Công an tỉnh Bình - Trị - Thiên (cũ) cấp cho vợ chồng cụ Trương Triêm thì cụ sinh ngày 15/10/1910 và cụ Trần Thị Cháu sinh ngày 28/10/1908. Trò chuyện với cụ Triêm, chúng tôi càng khâm phục về trí nhớ của cụ. Bởi dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn nhớ như in những kỉ niệm hồi còn trai trẻ.

    Kể về cuộc đời vợ chồng sớm tối có nhau, cụ Triêm cho biết, cụ sinh ra trong một gia đình nghèo khó có 3 anh em. Thuở còn thơ cụ đã phải chịu cảnh mồ côi mẹ, ít năm sau cha cũng lâm bệnh rồi mù hai mắt. Một mình cụ phải bươn chải để nuôi cha già và hai em. Hai em của cụ sau này lớn lên thì tham gia cách mạng rồi hy sinh trong kháng chiến.

    Những năm tháng chiến tranh rất ác liệt nên gia đình cụ phải di chuyển lên vùng đồi Ba Quạt, An Đôn để sinh sống và tránh bom đạn. Mối nhân duyên của cụ Triêm và cụ Cháu cũng bắt đầu từ đó, họ gặp nhau từ những lần chạy giặc trốn ở trong rừng cho đến những lúc cùng nhau đi chăn bò, làm đồng... rồi nảy sinh tình cảm, kết nên duyên vợ chồng.

    Nhớ lại ngày mới cưới, cụ Triêm kể: "Hồi đó cực khổ lắm, cưới xin không được tổ chức linh đình như bây giờ mô. Chỉ có vài miếng trầu cau, dăm ba đĩa kẹo, vậy là về ở với nhau thành vợ thành chồng. Cuộc sống sau khi cưới gặp nhiều khó khăn, hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau cố gắng làm việc để có cái mà ăn".

    Thời gian thấm thoắt trôi, lần lượt 7 người con (6 trai, 1 gái) ra đời trong niềm vui của hai cụ. Nhưng đông con cái, cuộc sống của họ lại chật vật hơn nhiều, những ngày đói khổ, cơm không đủ ăn phải ăn củ sắn, ăn trấu cám thay bữa.

    Nghèo đói bủa vây, nhưng hai vợ chồng cụ ít khi xảy ra mâu thuẫn. "Khi nào gặp khó khăn, chúng tôi thường thẳng thắn nói ra để cùng nhau tìm cách tháo gỡ. Điều quan trọng là vợ chồng phải biết tin tưởng, thông cảm cho nhau. Có lẽ tinh thần luôn thoải mái cũng là lý do giúp hai vợ chồng tôi sống thọ", cụ Cháu bộc bạch.

    Bí quyết bách niên giai lão

    Nhắc đến vợ chồng cụ Triêm ai cũng ngưỡng mộ, vì hai cụ sống với nhau rất tình cảm. "Nhiều lần anh em chúng tôi muốn đưa bố mẹ về sống chung nhưng tính hai cụ không muốn phiền hà con cháu, nên chẳng chịu sống chung với bất kỳ đứa con nào.

    Phải đến một năm trở lại đây, khi sức khỏe của hai cụ yếu dần mới chịu cho chúng tôi đưa về để tiện chăm sóc. Đưa hai cụ về nhà cũng thấy an tâm, hơn nữa có con cái bên cạnh, chắc chắn các cụ sẽ vui hơn" - ông Trương Ngọc Hiệp (con thứ 5 của cụ Triêm) cho biết.

    (bgiay)Cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam chia sẻ bí quyết sống

    Cụ Triêm và cụ Cháu vui vầy cùng con cháu trong ngày lễ mừng thọ.

    Trước kia thời còn trẻ, cuộc sống của cụ Triêm và cụ Cháu chủ yếu gắn với ruộng vườn bằng công việc đồng áng, cày cấy quanh năm, thời gian rảnh rỗi thì nuôi bò, thả trúm lươn. Nhưng từ khi cụ Cháu bị ngã gãy chân nằm liệt giường, cụ Triêm ở nhà dành thời gian để chăm sóc cụ bà. Hàng ngày cụ ông nấu cơm, trồng rau, chăm sóc cụ bà từ miếng ăn đến việc tắm rửa, sinh hoạt.

    Để cụ bà không cảm thấy nhàm chán, hàng ngày cụ Triêm tìm thêm sách, báo, những câu chuyện vui để kể cho cụ bà nghe. Cuộc sống bình dị, mộc mạc của hai cụ cứ trôi qua từng ngày như vậy. Khi hai cụ còn ở gần nhau, đến bữa ăn có miếng gì ngon, cụ ông đều nhường cho cụ bà. Còn giờ tuổi đã cao, cụ Triêm không còn xuống bếp nấu ăn cho cụ bà ăn nữa, thay vào đó, con cháu nấu gì hai cụ ăn nấy.

    Chia sẻ về bí quyết sống thọ, cụ Triêm nói: "Là nông dân chính gốc nên quá trình lao động đã rèn luyện và cho vợ chồng tôi sức khỏe. Ai cũng vậy, vận động thường xuyên thì sẽ giúp cho con người trở nên khỏe mạnh, ít ốm đau hơn".

    Qua tìm hiểu từ người thân của cụ, chúng tôi được biết thêm rằng cụ Triêm không bao giờ hút thuốc, ai mời uống rượu cũng tìm cách khéo từ chối và không ăn kiêng bất cứ thứ gì. Khi không lao động được nữa thì mỗi ngày cụ dành thời gian khoảng 30 phút để vận động, đi lại trong vườn nhà.

    Có lẽ, do vợ chồng cụ lớn lên từ vất vả, khổ cực nên dễ thông cảm cho nhau về hoàn cảnh. Cả hai đều nỗ lực, chăm chỉ làm ăn để nuôi 7 người con khôn lớn. Những người con của cụ Triêm đều học được từ cha mẹ đức tính cần cù, chăm chỉ, biết lo lắng cho cuộc sống.

    Hiện cụ Triêm vẫn còn trăn trở, đau đáu trong lòng, đó là cụ có hai người con trai lớn lên đi bộ đội rồi hy sinh ở chiến trường. Nhiều năm qua cụ cùng con cháu trong nhà đi tìm hài cốt của hai con ở chiến trường nhưng vẫn vô vọng.

    Thấu hiểu được tình thương, sự vất vả của cha mẹ nên các con của hai cụ luôn luôn thương yêu lẫn nhau, không để cho cụ phải phiền lòng. Để dạy bảo các con điều hay lẽ phải, cụ Triêm thường nói với các con rằng: "Ló (lúa) đầy căn, ăn có chừng", ý nói là phải biết chăm chỉ, cần cù lao động thì mới làm ra được của cải, mới đảm bảo cho cuộc sống của mình.

    Khi đã có của cải rồi, nhiều đến mấy cũng cần tiết kiệm để phòng khi khó khăn, đừng lãng phí bất cứ thứ gì kể cả một miếng vải, một tờ giấy.

    Ngoài ra, cụ còn khuyên bảo các con rằng, làm gì cũng phải lấy chữ đức đi đầu, anh em phải sống hòa thuận, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau, phải sống chan hòa với bà con lối xóm, không được làm điều ác, thất đức, có lỗi với chính bản thân và ảnh hưởng đến cộng đồng.

    Ngũ đại đồng đường

    Hiện cụ Triêm và cụ Cháu đã có 21 người cháu nội, ngoại cùng 19 chắt, 5 chít. Con cháu của cụ đều thành đạt và có cuộc sống ổn định, nhiều người cháu của hai cụ đã có gia đình và đã ở riêng, một số ở cùng với cha mẹ. ông Trương Ngọc Hiệp cho hay, mỗi lần có việc, hai cụ thường gọi con cháu lại và răn dạy những điều hay lẽ phải, đạo lý làm người.

    Đặc biệt là việc vợ chồng sống với nhau cần quan tâm, giúp đỡ, chia ngọt sẻ bùi để được hạnh phúc trọn vẹn. Trong suy nghĩ của các cháu, chắt luôn xem ông Triêm, bà Cháu là tấm gương sáng, luôn dành tình yêu thương hết mực đối với con cháu. Vừa qua, gia đình cũng đã tổ chức lễ mừng thọ cho cụ Triêm và cụ Cháu.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cap-vo-chong-cao-tuoi-nhat-viet-nam-chia-se-bi-quyet-song-a53608.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam

    Vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam

    Cụ ông 106 tuổi và bạn đời kém 6 tuổi ở Nghệ An vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là cặp vợ chồng cao tuổi nhất nước.