Vị trưởng thôn lại ngao ngán khi nghĩ về những ngày sắp tới: “Ngoài 5 đứa con hiện nay ra, số lượng những đứa con bị họ bán trót lọt không rõ là bao nhiêu, vì chưa bắt quả tang được lần nào nên chúng tôi không thể đề xuất cấp trên xử lý thế nào được.
Ngôi nhà của cặp vợ chồng nghi vấn chuyên sinh con để… bán. |
Đã rất nhiều lần người địa phương rình bắt, song cặp vợ chồng này hành động rất tinh vi, kín kẽ nên chưa bắt quả tang được lần nào. Mới đây, biết tin cô vợ lại mang thai, thôn đã phải lên kế hoạch canh chừng vì sợ đứa trẻ này sẽ bị bán đi tiếp.
Sắp sinh bỏ đi, khi về bụng lép kẹp
Người bị nghi vấn chuyên sinh con để bán đó là Bùi Thị Dinh (SN 1975, ngụ xã Thành Lập, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Nhiều năm trước kia, khi là một nữ “cửu vạn” (khuân vác) tại các bãi khai thác vàng tại một bãi vàng trên địa bàn huyện Lương Sơn, Dinh quen người chồng 47 tuổi, quê xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Đến năm 1995, hai người rời bãi vàng, dắt díu nhau về quê Dinh sinh sống. Không đăng ký kết hôn, không tổ chức đám cưới, không ra mắt họ hàng. Theo phản ánh của người địa phương, cặp vợ chồng này rất ít khi giao du, tiếp xúc với mọi người xung quanh, kể cả với anh em họ hàng.
Về quê, công việc chính của họ là đi vác xi măng cho một công ty xi măng cách nhà không xa. Dù thu nhập từ việc làm này tương đối khá nhưng thỏi chi tiêu “thả phanh” không tích lũy dành dụm nên cuộc sống gia đình không khá giả. Đã vậy, họ lại sinh nhiều con, gia đình càng lâm vào tình cảnh khó khăn, thuộc diện nghèo nhất làng.
Theo tố cáo của địa phương và người thân cặp vợ chồng, điều đáng lên án là họ nhẫn tâm đem những đứa con mới sinh đi bán để lấy tiền tiêu xài và sắm sửa vật dụng trong nhà. Sự việc được phát hiện vào năm 2007, khi chị này mang thai một đứa con trai. Như những lần trước, dù đang trong thời kỳ mang bầu, thiếu phụ vẫn ngày ngày cùng chồng đi vác xi măng.
Riêng lần này, gần đến ngày sinh nở, đột nhiên vợ chồng họ “biến mất” khỏi địa phương. Ai nấy trong thôn đều nghĩ Dinh đã tới ngày sinh và được chồng đưa tới bệnh viện hoặc đâu đó để “lâm bồn”. Bẵng đi khoảng một tháng sau ngày biến mất, lại thấy đôi vợ chồng này có mặt ở địa phương, tất bật đi làm như bình thường, có điều lạ chiếc bụng bầu đã lép xẹp. Ai đó quan tâm hỏi chuyện đứa bé sinh có khoẻ không, hay mới sinh sao đã đi làm, cả hai đều lảng tránh, không nói năng gì.
Họ hàng, hàng xóm bắt đầu nghi ngờ chuyện vợ chồng chị này đem con đi bán. Lần trở về này, vợ chồng có tiền mua sắm được rất nhiều thứ như vô tuyến, bếp ga, tậu bò về nuôi… những thứ mà họ rất khó có điều kiện sắm. “Họ làm được đồng nào tiêu hết đồng đó, cơm gạo phải lo chạy từng bữa, con cái đông, đi học mà bố mẹ không có nổi tiền học phí đóng cho các con, nợ nần tiền nhà trường qua năm này tới năm khác… lấy tiền đâu mà mua sắm nhiều như vậy?”, một người hàng xóm đặt vấn đề.
Địa phương phải lập “trạm gác” tại nhà canh chừng
Lần thứ nhất mới chỉ là nghi vấn. Đến lần thứ hai, nghi vấn này càng thêm cơ sở. Một thời gian sau, lại thấy chị Dinh mang thai, cận kề ngày sinh, vợ chồng lại biến mất; khi trở về lại không ai thấy đứa con mới sinh đâu cả. Nghi vấn lần đầu, vẫn còn tâm lý “đèn nhà nào nhà nấy tỏ” nên mọi người bàng quan, nhưng đến lần thứ hai này, phẫn nộ trước nghi án chuyên sinh con để bán, mọi người đã vào cuộc. Ngay đứa con út mới được 6 tuổi của chị Dinh, chính quyền cũng cho người tới tận nhà “canh chừng”, đề phong trường hợp cháu bé bị bán đi.
PV đã tìm gặp ông Nguyễn Xuân Đường, trưởng thôn để xác minh sự việc. Ông Đường xác nhận, dù thôn mình là thôn có nhiều hộ nghèo nhất trong xã, có rất nhiều cặp vợ chồng sinh nhiều con, nhưng chưa có trường hợp nào sinh con và đem con đi bán như vợ chồng chị Dinh, và chuyện này rất đáng để lên an.
Ông trưởng thôn cho biết mỗi lần chị Dinh sinh con, chính quyền đều phải cử người canh chừng. |
Ông Đường nói: “Tôi khẳng định, chuyện này hoàn toàn có thật. Bản thân tôi đã từng cùng công an xã đến nhà chị Dinh nhiều lần nhằm mục đích “canh chừng” họ đem con đi bán. Canh chừng ráo riết là thế, vậy mà nhiều lần anh chồng trong cơn say còn thách thức chúng tôi: “Con chúng tôi, chúng tôi thích “cho”, thích bán cho ai là quyền của chúng tôi. Chúng tôi đẻ được thì cũng cho, bán được”. Anh ấy dám tuyên bố như thế, càng có cơ sở về việc bán con”.
Ông trưởng thôn nhớ lại những tình huống bi hài thời điểm chị Dinh mang thai sáu năm trước. Vì đôi vợ chồng này “hành tung” rất tinh vi, kín kẽ nên tính từ lúc mang thai cho tới ngày sinh, hầu như ngày nào trưởng thôn hay công an xã cũng đều phải đến nhà “canh me”.
Dù rất nhiều lần hỏi han, tâm tình, vợ chồng Dinh đều lảng tránh không nói chuyện, hoặc vợ chồng kiếm chuyện cãi lộn nhau. Sau đó, cô vợ lủi đi đâu đó tránh, anh chồng ở lại giả vờ say rượu, nói năng linh tinh một lúc rồi leo lên gác đi ngủ, ai gọi ai lay đến mấy cũng nhất quyết không dậy. “Lần nào họ cũng lặp lại cách xử sự như vậy khiến chúng tôi thực sự khó xử. Anh em họp bàn nhiều lần, quyết tâm canh chừng sát sao, cháu bé mới không bị bố mẹ đem bán”, ông nói.
Vị trưởng thôn lại ngao ngán khi nghĩ về những ngày sắp tới: “Ngoài 5 đứa con hiện nay ra, số lượng những đứa con bị họ bán trót lọt không rõ là bao nhiêu, vì chưa bắt quả tang được lần nào nên chúng tôi không thể đề xuất cấp trên xử lý thế nào được. Hiện chị Dinh lại mang thai tiếp. Từ khi biết tin, chúng tôi đã phải lên kế hoạch “canh chừng”, sợ đứa trẻ này sẽ lại bị bán đi tiếp. Rồi lại phải lập “trạm gác” ở nhà họ thôi”.
Nghèo vẫn hoàn nghèo
Cùng dẫn chúng tôi tới ngôi nhà của vợ chồng chị Dinh, anh Bùi Huy Du (anh họ chị Dinh) tâm sự vẻ chán nản. Nhà anh và nhà chị Dinh giáp nhau, dù vợ chồng chị Dinh không thân thiết, gần gũi với người anh em, họ hàng nào, nhưng thỉnh thoảng anh em cũng hay chạm mặt.
“Vợ chồng dù điều kiện gia đình khó khăn, con cái đông đúc nhưng họ ăn tiêu rất hoang, con cái bị bỏ bê, không được chăm sóc tới nơi tới chốn. Cô chú ấy đi làm từ 3h sáng tới 12h đêm mới về, mấy đứa con đứa đi học, đứa bỏ đi chơi, chỉ đến khi bố mẹ chúng về, mấy đứa mới lóc nhóc kéo về nhà ăn cơm. Chúng cũng như bố mẹ, ít khi có mặt ở nhà vào ban ngày. Chúng tôi có góp ý thì bị chú ấy mượn rượu say chửi mắng vô cớ. Có sức khỏe như cô chú ấy, dù có đông con, thì chịu khó làm và ăn tiêu tiết kiệm cũng đủ ăn, sao lại đi bán con làm gì”, người anh tâm sự.
Người anh họ kể chuyện các cháu của mình nghi vấn bị bố mẹ bán lấy tiền. |
Quả đúng là không có ai ở nhà. Dẫn chúng tôi đi hết một vòng trong nhà, người họ hàng dẫn chứng: “Mọi người nhìn xem, trong nhà ngoài mấy cái bát đũa vứt vạ vật dưới đất, thì làm gì có thứ gì đáng giá đâu. Vô tuyến, bếp ga, con bò nghi vấn mua từ tiền bán con, tậu về được dăm bữa nửa tháng lại bán đi lấy tiền mà ăn. Vợ chồng đi làm thu nhập khá nhưng tiêu hoang, hết tiền thì quay ra cắn xé, đánh chửi nhau chí chóe. Con cái ra sao đâu có quan tâm lo lắng nên mới có chuyện bán con để lấy tiền tiêu xài”.
Ánh mắt buồn xa xăm, anh Du bày tỏ: “Con cái dứt ruột đẻ ra, ít ra cũng phải có một chút tình phụ tử, mẫu tử; nhưng các em của tôi không hiểu cả hai có còn có tình thương với con cái hay không mà lỡ làm vậy. Bây giờ chúng tôi chỉ mong sao đứa bé sắp sinh tới không phải chịu cảnh như những đứa nghi vấn đã bị bán trước đó, mong các em tôi sẽ suy nghĩ lại mà thay đổi tâm tính, không hành động tội lỗi nữa”.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Hành vi của vợ chồng chị Dinh có dấu hiệu cấu thành tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em được quy định tại Điều 120 BLHS. Hành vi mua bán trẻ em được hiểu là hành vi dùng tiền hoặc phương tiện thanh toán khác để trao đổi trẻ em như một thứ hàng hóa. Về hình phạt, người vi phạm bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm hoặc tù chung thân: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; gây hậu quả nghiêm trọng… |