Cứu bé gái 8 tuổi bị thủng dạ dày vùng môn vị
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa cứu thành công một trường hợp trẻ bị thủng dạ dày vùng môn vị.
Cụ thể, theo bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nữ bệnh nhi B.L.Tr. (8 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng lừ đừ, đau bụng, môi hồng nhạt, bụng căng cứng, ấn đau, đề kháng thành bụng, cổ mềm.
Qua khai thác bệnh sử được biết, sáng ngày nhập viện, trẻ đang ở trường học thì đột ngột than đau bụng, ói 3 lần ra thức ăn sáng. Ngay khi nhà trường báo về, phụ huynh đã nhanh chóng đưa bệnh nhi nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố với tiền căn là chưa ghi nhận bệnh lý, không dùng thuốc.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được chẩn đoán viêm phúc mạc nghi do thủng tạng rỗng. Siêu âm ổ bụng ghi nhận hình ảnh dày thâm nhiễm mạc nối lan tỏa ổ bụng, dịch tự do ổ bụng lượng vừa, dịch có hồi âm. Kết quả chụp X-quang bụng thấy hơi tự do trong ổ bụng. Xét nghiệm máu có bạch cầu tăng, rối loạn điện giải.
"Các bác sĩ nhanh chóng cho trẻ nhập viện, tiến hành truyền dịch, sử dụng kháng sinh, hội chẩn ngoại khoa và báo mổ khẩn. Quá trình phẫu thuật ghi nhận giả mạc rải rác khắp ổ bụng, dịch ổ bụng nhiều và dơ, vị trí dưới gan gần túi mật có nhiều giả mạc, dính.
Tách dính và gỡ giả mạc thấy lỗ thủng vị trí môn vị mặt trước kích thước 5mm, bờ sắc gọn, mô dạ dày xung quanh hơi sượng cứng. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy tổn thương viêm cấp hoại tử. Đây là trường hợp thủng dạ dày vùng môn vị hiếm gặp ở trẻ em", bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho hay.
Bệnh nhi đã được xén mép lỗ thủng, khâu lại lỗ thủng môn vị. Sau phẫu thuật bệnh nhân được chuyển sang khoa hồi sức ngoại điều trị. Sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, tỉnh táo và hết đau bụng, rút được ống dẫn lưu, ăn uống khá.
Thiếu nữ quê Hà Nội mắc bệnh hiếm
Theo báo Phụ Nữ Việt Nam, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa thông tin ca bệnh đầu tiên trên thế giới về gen lặn KRT1 với đột biến mới trong bệnh da vảy cá ly thượng bì nông kết hợp với chứng rậm lông.
Ca bệnh hiếm này cũng đã được báo cáo tại hội nghị da liễu hằng năm của Mỹ với sự tham dự của đại biểu đến từ hơn 100 nước trên thế giới được tổ chức vào tháng 3/2024.
Theo đó, bệnh nhân là N.H.P. (16 tuổi, ngụ Hà Nội). Người nhà bệnh nhân cho biết, khi vừa chào đời P. bình thường nhưng chỉ vài ngày sau thì da bé bị phồng lên như vết bỏng, bên trong đầy nước, chạm vào thì bị trượt da, không mặc quần áo được.
Gia đình đã đưa cháu thăm khám, điều trị tại nhiều bệnh viện; chuyển mẫu bệnh phẩm sang nước ngoài xét nghiệm và được chẩn đoán bị bệnh ly thượng bì bẩm sinh.
Gia đình được bác sĩ cho hay, bệnh chưa có thuốc điều trị. Được khuyến cáo không cho bé tiếp xúc với hóa chất, P. không sử dụng xà bông tắm, được thoa kem làm mềm da. Khi lớn hơn, tình trạng bệnh của bé có đỡ hơn.
Năm 2023, P. được gia đình đưa vào TP.HCM thăm khám. Bác sĩ CKI Hoàng Văn Minh - Cố vấn chuyên môn Trung tâm U máu - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, thời điểm tiếp nhận bệnh nhân ghi nhận có tình trạng da bong vảy cứng, hình gợn sóng, sần sùi màu xám khu trú tại cổ tay, khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân, nách, các nếp gấp, mu bàn tay và bàn chân kết hợp với rậm lông lan tỏa toàn thân và khô da khắp cơ thể.
Lúc này, bác sĩ nghĩ ngay đến bệnh da vảy cá ly thượng bì nông và đã cho bệnh nhân làm giải trình tự toàn bộ gen mã hóa và gửi mẫu bệnh phẩm sang Hàn Quốc để làm xét nghiệm. Cha mẹ của bệnh nhân sau đó cũng được giải trình tự gen.
Kết quả cho thấy, trên người con (bệnh nhân P.) có một biến thể dị hợp tử phức hợp của KRT1 đã được xác định: một biến thể, p.Gly537IlefsTer77, di truyền từ mẹ và một biến thế khác, p.Arg386Ter, di truyền từ cha. Đáng chú ý là đột biến p.Arg386Ter là một phát hiện mới, chưa được báo cáo trước đây.
Bác sĩ Hoàng Văn Minh cho biết, đây là một ca bệnh khó, điều trị khó và thời gian điều trị kéo dài. Hiện cách điều trị cho ca bệnh này chủ yếu là điều trị triệu chứng, với những thuốc bôi làm mềm da, ẩm da… để tránh tình trạng bong tróc vảy cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ, bệnh da vảy cá ly thượng bì nông - Superficial epidermolytic ichthyosis (SEI) là một bệnh da di truyền hiếm gặp, đặc trưng bởi bóng nước thượng bì, tăng sừng nhẹ ở các nếp gấp, và sự phát triển của vùng da bị bong tróc nông, không có ban đỏ da.
Trong khi, đột biến gen KRT1/KRT10 gây ra bệnh da vảy cá ly thượng bì, đột biến gen trội trên nhiễm sắc thể thường ở gen KRT2 là nguyên nhân gây ra bệnh da vảy cá ly thượng bì nông.
Uống phải dầu hỏa, bé 20 tháng tuổi khó thở, suy hô hấp
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhi 20 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng ho nhiều, khó thở, suy hô hấp.
Gia đình bệnh nhi kể trẻ sống cùng ông bà. Sáng 15/4, trong lúc tự chơi một mình, trẻ đã tiến gần đến bàn thờ thần tài ở góc nhà. Thấy có chai nước trên bàn, trẻ đã cầm lên và uống.
Khi nhận thấy cháu ho và khóc lớn, bà chạy lại và phát hiện bé vừa uống dầu hỏa. Trẻ nhanh chóng được đưa đến trạm y tế gần nhất để sơ cứu, sau đó được chuyển Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị.
Theo các bác sĩ, rất may là trường hợp trẻ uống dầu hỏa này được phát hiện sớm và nhập viện kịp thời điều trị. Hiện tình trạng trẻ ổn định, tiếp tục được theo dõi, điều trị theo phác đồ.
Các bác sĩ khuyến cáo gia đình có con nhỏ không dự trữ xăng, dầu ở nơi dễ thấy, dễ lấy, không để trong các chai nhựa. Những đồ dùng, thiết bị điện cũng cần được chú ý để bảo đảm an toàn cho trẻ, tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.
Khi phát hiện trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hoặc phát hiện trẻ vừa ăn, uống dầu hỏa, xăng…, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Đ.K(T/h)