Cô gái nhập viện cấp cứu sau khi uống hơn 20 viên paracetamol
Theo thông tin trên VietNamNet, nữ bệnh nhân T.H.H (25 tuổi, ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh sau khi uống hơn 20 viên thuốc paracetamol ở nhà.
Ngay sau khi uống thuốc, bệnh nhân bị đau bụng, nôn nhiều, tức ngực, khó thở, phải đi cấp cứu. Bác sĩ nhanh chóng rửa dạ dày, truyền dịch bù nước, điện giải, dùng thuốc giải độc cho người bệnh. Tới ngày 15/4, sau 5 ngày điều trị tích cực, người bệnh ổn định và đủ điều kiện xuất viện.
Bác sĩ CKI Trần Thạch Hải - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh, cho biết paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến. Thuốc có tính an toàn cao, ít tác dụng phụ khi được sử dụng đúng liều lượng và đúng cách.
Tuy nhiên, việc sử dụng quá liều paracetamol có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy gan, suy thận, viêm tụy, hạ đường huyết và nhiễm acid lactic.
Bác sĩ Hải khuyên trước khi dùng thuốc, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc, không uống quá liều quy định. Nếu bệnh nhân có biểu hiện hoặc nghi ngờ ngộ độc thuốc, cần đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Cô gái 19 tuổi mang khối u nang buồng trứng nặng hơn 10kg
Báo Giao Thông dẫn thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, các bác sĩ tại bệnh viện vừa mổ lấy khối u nang buồng trứng nặng hơn 10kg cho nữ bệnh nhân N.T.V (19 tuổi, ngụ huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai).
Trước đó, bệnh nhân được người nhà đưa đến nhập viện trong tình trạng bụng to như người mang thai, sắp sinh. Sau khi tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ thăm khám, chỉ định mổ hở cho bệnh nhân để đưa khối u ra ngoài.
Theo các bác sĩ đây là khối u dạng dịch, chủ yếu chứa nước nên đã cho mổ hở để hút hết dịch bên trong rồi mới lấy phần vỏ khối u ra ngoài. Tuy nhiên, do bệnh nhân còn trẻ, chưa lập gia đình nên các bác sĩ đã phải cố gắng bảo tồn một buồng trứng và tử cung để bệnh nhân có thể sinh con sau này.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, hiện nay người trẻ mắc u buồng trứng khá nhiều, do đó, cần phải thăm khám phụ khoa ở cả những bé gái trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên dù chưa kết hôn.
Theo người nhà bệnh nhân V., khối u này bắt đầu to dần và phát triển cách đây một năm nhưng do gia đình khó khăn nên bố mẹ không đưa V. đi thăm khám. Đến nay, khối u quá lớn, V. bắt đầu gặp khó khăn trong sinh hoạt, gia đình mới đưa đi mổ.
Thiếu niên chấn thương thận nặng vì gặp tai nạn giao thông
VOV đưa tin, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM vừa cứu kịp thời một thiếu niên bị chấn thương thận nặng do tai nạn giao thông. Cụ thể, bệnh nhân Đ.T.A (15 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM) cùng nhóm bạn di chuyển từ TP.HCM đến Vũng Tàu bằng xe máy.
T.A được một bạn chở nhưng do người bạn ngủ gục trong quá trình lái xe, bất ngờ đâm vào tường nhà dân, cả hai bất tỉnh tại chỗ. Người cầm lái bị gãy chân, còn hông của T.A bị va chạm mạnh vào tường.
Sau khi sơ cứu tại Bệnh viện Vũng Tàu, bệnh nhân T.A được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp tục điều trị. Tại đây, hình ảnh chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị chấn thương thận trái độ 4, tụ dịch, máu bao quanh thận phải.
Các bác sĩ tiến hành hồi sức và truyền 500ml máu, điều trị bảo tồn thận cho bệnh nhân. Sau 6 ngày, bệnh nhân tiếp tục xuất huyết nên được truyền thêm 500 ml máu.
Tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành can thiệp mạch máu để cầm máu. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và xuất viện trong ngày 15/4.
Theo bác sĩ CKI Trần Đại Phú - khoa Ngoại thận - Tiết niệu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca chấn thương thận, phần lớn là độ 1, 2, 3.
Đối với các trường hợp chấn thương thận nặng độ 4, độ 5, trước đây, bệnh viện tiến hành mổ cầm máu nhưng việc này rất khó để xác định vị trí chính xác mạch máu bị chảy, dẫn đến có khả năng phải cắt bỏ thận.
Hiện nay, nhờ những tiến bộ của X-quang và can thiệp nội mạch mà xu hướng điều trị bảo tồn tối đa thận chấn thương ngày càng được thống nhất và áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Trường hợp bệnh nhân này được các bác sĩ dùng kỹ thuật can thiệp mạch điều trị chấn thương thận. Đây là ca thứ hai tại Bệnh viện Nhi đồng 1 áp dụng kỹ thuật này. Ca can thiệp mạch đầu tiên vào 1 năm trước, qua nhiều lần tái khám, hiện tại tình trạng bệnh nhân đó cũng đã ổn định.
“Tuy chấn thương thận tỉ lệ ít gặp hơn so với các chấn thương tạng khác do thận nằm sau phúc mạc. Tuy nhiên, các chấn thương vùng bụng bị chấn thương mạnh do bé bị té trên cao xuống, té xe hoặc đụng dập mạnh vùng đó, nhìn tại chỗ có thể thấy là bị dập và bầm tím nhiều. Những trường hợp này phải đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Trần Đại Phú cho biết.
Đ.K(T/h)