Đồng Nai ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên
Theo TTXVN, ngày 16/4, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết trên địa bàn tỉnh đã có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên tại huyện Vĩnh Cửu. Ngành chức năng tỉnh đã và đang khẩn trương tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.
Trước đó, ngày 5/4, bệnh nhân N.N.H (15 tuổi, ngụ khu phố 6, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) bị sốt cao và được người nhà cho uống thuốc, tự điều trị tại nhà. Đến ngày 8/4, người nhà đưa bệnh nhân đi khám và nhập viện theo dõi với chẩn đoán lâm sàng sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM).
Tới ngày 10/4, bệnh nhân bất tỉnh, được lọc máu, chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, đến ngày 15/4, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán do sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan, xuất huyết tiêu hóa.
Ngay khi ghi nhận trường hợp tử vong, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu đã tiến hành điều tra dịch tễ, môi trường bên ngoài và trong nhà bệnh nhân. Kết quả cho thấy, gần nhà bệnh nhân đã có một ca mắc sốt xuất huyết vào khoảng 2 tuần trước. Quanh khu vực bệnh nhân sinh sống có nhiều vật dụng chứa nước có loăng quăng như quạt hơi nước, bình bông, nước đọng ở các khe cửa sắt.
Ngành chức năng nhận định, đây là trường hợp bệnh được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue, bệnh chuyển biến nhanh, sốc, tổn thương đa cơ quan. Dù số ca sốt xuất huyết tại huyện Vĩnh Cửu chưa có dấu hiệu gia tăng, song tại Đồng Nai đang là mùa nắng, nóng nên người dân còn chủ quan, trong nhà còn nhiều vật dụng chứa nước không được súc rửa, dọn dẹp thường xuyên, là môi trường thuận lợi cho loăng quăng, muỗi phát triển.
Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu, Trạm Y tế thị trấn Vĩnh An chủ động theo dõi tình hình sốt xuất huyết tại địa phương, nếu xuất hiện thêm các trường hợp có sốt thì mở rộng địa bàn xử lý, đảm bảo không để dịch bệnh lan rộng sang các địa phương khác.
Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông về sốt xuất huyết và các biện pháp phòng, chống, đặc biệt là truyền thông trực tiếp, hướng dẫn người dân các biện pháp diệt loăng quăng, xử lý dụng cụ chứa nước, không bỏ sót dụng cụ chứa nước có loăng quăng; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, máy phun, vật tư chống dịch sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh bùng phát.
Chạy đua với thời gian cứu người đàn ông bị cây gỗ đập vào bụng
Theo VietNamNet, nam bệnh nhân N.V.C (49 tuổi, quê thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) bị cây gỗ đập vào bụng khi đang làm việc. Ông được đưa vào khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ trong tình trạng đau bụng dữ dội, mạch nhanh, thở nhanh, huyết áp tụt, da xanh niêm mạc nhợt, bụng cứng như gỗ.
Bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám, cấp cứu hồi sức. Kết quả chụp CT-Scanner ổ bụng, X-quang, hình ảnh siêu âm, kết hợp các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ hội chẩn, xác định bệnh nhân bị chấn thương bụng kín sau tai nạn lao động, theo dõi thủng tạng rỗng và chỉ định mổ cấp cứu.
Quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện ổ bụng của người bệnh có nhiều dịch tiêu hóa, máu lẫn thức ăn tập trung chủ yếu ở vùng dưới gan và nhiều vị trí. Quai ruột non vùng mạn sườn phải bị vỡ, đang trào dịch tiêu hóa ra ổ bụng, kèm theo rách mạch máu mạc treo ruột non đang chảy máu.
Các bác sĩ nhanh chóng khâu phục hồi đoạn ruột tổn thương, khâu lại chỗ rách mạc treo ruột, lau rửa sạch ổ bụng và đặt dẫn lưu. Sau hơn 1 giờ, ca phẫu thuật thành công, người bệnh qua cơn nguy kịch. Sau hơn 1 tuần điều trị, người bệnh ổn định sức khỏe, được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Lâm - khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ, đánh giá ca bệnh này khó, vào viện trong tình trạng rất nguy cấp. "Người bệnh vừa thủng tạng, vừa mất máu, nếu không xử lý kịp thời tiên lượng rất xấu, buộc bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân", bác sĩ Lâm chia sẻ.
Bé gái 8 tuổi bị liệt mặt ngoại biên bên phải
Tạp chí Tri Thức đưa tin, bé gái H.D.C. (8 tuổi, trú tại Phú Thọ) được mẹ phát hiện có triệu chứng bất thường trên mặt nên đưa đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ).
Sau kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị liệt mặt ngoại biên bên phải. Qua 6 ngày điều trị bằng các thủ thuật y học cổ truyền, hiện gương mặt bé cân đối hơn nhưng chưa phục hồi hoàn toàn.
Bác sĩ CKI Phạm Anh Hùng - Trưởng khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng cho biết, hiện nay khoa cũng đang điều trị cho 3 bệnh nhân khác cũng bị chứng liệt bell.
"Nguyên nhân chủ yếu gây liệt mặt ngoại biên là lạnh. Bởi dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với bề mặt da nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi sẽ co lại gây tổn thương thần kinh số 7 ngoại biên. Chỉ mất vài giây khi tiếp xúc với nguồn lạnh, người dân đã có thể mắc bệnh", bác sĩ Hùng nói.
Bác sĩ Hùng khuyến cáo mùa hè không nên mở điều hòa quá lạnh. Người dân cần giữ ấm đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, ngoài ra tuyệt đối không tắm quá khuya.
Khi cho trẻ nhỏ ra ngoài trời vào lúc sáng sớm hoặc đêm muộn, cha mẹ cần mặc ấm, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn. Gia đình cũng tránh cho trẻ ngồi nơi gió lùa, đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe máy.
Đ.K(T/h)