Người đàn ông đột quỵ gục luôn trước mặt bác sĩ
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết đơn vị này vừa kịp thời cứu ca bệnh đột quỵ gục luôn ngay trước mặt bác sĩ khi đang khám bệnh định kỳ thông thường, theo báo Người Lao Động.
Cụ thể, nam bệnh nhân T.V.H (70 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đến tái khám bệnh mạn tính định kỳ song bỗng nhiên ú ớ đớ họng không nói được, liệt tay chân rồi gục luôn trên bàn khám. Quy trình báo động đỏ cấp cứu đột quỵ lập tức được khởi động khẩn cấp.
Người bệnh nhanh chóng được cấp cứu, chụp CT não điều trị thuốc tan cục máu đông và dùng dụng cụ lấy huyết khối thông lại mạch máu tắc. TS.BS Nguyễn Bá Thắng – Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược cho hay, may mắn phát hiện ngay và xử trí can thiệp kịp thời tại bệnh viện chỉ trong 20 phút nên sức khỏe người bệnh phục hồi rất nhanh.
Sau 12 tiếng, bệnh nhân hầu như không còn triệu chứng, trở lại bình thường. Kết quả chụp MRI cho thấy người bệnh không còn tổn thương nào trên não. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại đơn vị đột quỵ để phục hồi chức năng và truy tìm nguyên nhân để ngăn ngừa đột quỵ tái phát.
Đỉa dài 5cm sống trong đường thở bé 5 tuổi
Báo Công Lý dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết đơn vị vừa tiến hành nội soi gắp một con đỉa dài khoảng 5cm từ đường thở của bệnh nhi H.H.D (5 tuổi, ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa).
Theo gia đình, nhiều ngày nay bệnh nhi ở nhà có biểu hiện ho đờm, khò khè, không sốt, điều trị tại bệnh viện huyện nhiều ngày nhưng vẫn bị khó thở. Đến ngày 31/10, gia đình đưa cháu xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Khoảng 14h ngày 1/11, bệnh nhi có hiện tượng khó thở, người tím tái và được đưa xuống khoa Hồi sức cấp cứu. Sau khi thăm khám và kiểm tra, các bác sĩ đã xác định tại khí quản của bé có dị vật, lập tức chuyển thẳng bé đến phòng mổ tiến hành nội soi và gắp ra một con đỉa còn sống.
Bác sĩ Ngô Việt Hưng – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, người trực tiếp nội soi gắp dị vật cho biết, trong trình nội soi, do con đỉa di chuyển trong đường thở của bé nên khó tiếp cận.
Bên cạnh đó, con đỉa sống lâu ngày trong khí quản của bé nên càng ngày càng to lên, hút máu khiến cho thành phế quản của bé bị viêm loét, chảy máu, đọng nhiều dịch mủ, che bít kín đường thở. Sau khi gắp dị vật, sức khỏe của bệnh nhi hiện đã ổn định.
Bảo tồn tử cung cho sản phụ có thai tại vết mổ
Bác sĩ Lê Mạnh Quý – khoa Phụ nội tiết Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, cho hay đơn vị vừa tiếp nhận sản phụ L.T.H (27 tuổi, trú tại Tân Kỳ, Nghệ An), mang thai 8 tuần trong tình trạng có dấu hiệu sẩy thai, máu bắt đầu chảy nhiều từ khi nhập viện.
Qua khai thác bệnh sử được biết sản phụ từng 2 lần mổ đẻ, lần này mang thai tuy thai ở trong tử cung nhưng lại "làm tổ" tại vết mổ cũ, nên rất nguy hiểm. Các y bác sĩ trong khoa nhanh chóng hội chẩn và quyết định mổ cấp cứu lấy khối thai cầm máu, bảo tồn tử cung cho sản phụ.
Quá trình phẫu thuật phát hiện khối chửa phình to, sắp vỡ chảy máu vào ổ bụng. Do sản phụ còn trẻ tuổi, vẫn còn nguyện vọng sinh con nên kíp phẫu thuật đã tiến hành các kỹ thuật cao trong phẫu thuật sản phụ khoa như: Thắt động mạch tử cung, thắt động mạch hạ vị... để bảo tồn tử cung. Sau 7 ngày phẫu thuật, sản phụ đã ổn định và được ra viện với toàn trạng khỏe mạnh.
Được biết, thai tại vết mổ được liệt kê vào danh sách biến chứng sản khoa nguy hiểm. Tỷ lệ có thể gặp là 0,05% ở phụ nữ mang thai (cứ 2.000 phụ nữ mang thai lại có 1 người mắc). Thai "làm tổ" tại vết mổ sẽ không thể phát triển thành em bé khỏe mạnh. Ngày nay, do mổ lấy thai càng nhiều nên tỷ lệ thai tại vết mổ càng tăng.
Thai tại vết mổ rất nguy hiểm vì có thể gây sẩy thai băng huyết, nguy hiểm đến tính mạng mẹ. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp phải cắt tử cung, đồng nghĩa với việc người phụ nữ sẽ không thể mang thai được nữa.
Đinh Kim (T/h)