Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa cho bệnh nhân ung thư đại tràng
Báo Dân Trí đưa tin các bác sĩ khoa Phẫu trị, xạ trị và Y học hạt nhân, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vừa tiến hành phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa cho một bệnh nhân bị ung thư đại tràng.
Cụ thể, bệnh nhân B.V.T (70 tuổi) nhập viện với chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Người bệnh có tiền sử ung thư đại tràng đã phẫu thuật cắt đại tràng (mổ mở) và điều trị hóa chất.
Bác sĩ CKI Trịnh Công Định - Khoa Phẫu trị, xạ trị và Y học hạt nhân cho hay, thông thường đối với những người bệnh đã từng phẫu thuật cắt đại tràng (phẫu thuật tại đường tiêu hóa), sẽ phải tiến hành mổ mở với vết mổ lớn vì nguy cơ dính ruột có thể xảy ra.
Tuy nhiên, bằng việc làm chủ kĩ thuật cùng với mong muốn bảo vệ sức khỏe tối đa cho người bệnh, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa cho bệnh nhân.
Tiến hành phẫu thuật nội soi sẽ giúp giảm đau đớn, giảm nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng do vết mổ lớn có thể gây ra cho người bệnh, từ đó giúp bệnh nhân nhanh hồi phục sức khỏe, đặc biệt có ý nghĩa đối với người bệnh ung thư.
Ca phẫu thuật được thực hiện thành công sau gần 2 tiếng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và được xuất viện sau 6 ngày.
Nhập viện sau khi đắp mặt, bôi kem "detox" tại spa gần nhà
VietNamNet dẫn thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết vài năm gần đây, đơn vị này tiếp nhận các trường hợp sau chăm sóc da, làm đẹp bằng các sản phẩm không rõ thành phần, nguồn gốc tại các spa, dẫn đến tình trạng biến chứng, nhiễm trùng nặng.
Gần đây nhất là một cô gái 24 tuổi, đến khám vì sốt cao, mệt mỏi, mụn nước lõm giữa lan tỏa toàn bộ vùng mặt. Nữ bệnh nhân kể, tình trạng này xảy ra 3 ngày sau khi cô điều trị đắp mặt, bôi kem được gọi là "detox" tại spa gần nhà để điều trị trứng cá.
Người bệnh bị ngứa, đau rát khắp mặt. Vùng mặt bệnh nhân có nhiều mụn nước lõm giữa kích thước đồng đều 2x3mm lan tỏa toàn bộ vùng trán, hai bên má, mũi, cằm. Mụn đóng vảy tiết nâu, một số tổn thương chảy mủ vàng dày.
May mắn, bệnh nhân không có tổn thương niêm mạc mắt, miệng. Bệnh nhân không có tiền sử đi du dịch nước ngoài trong vài tháng gần đây (loại trừ yếu tố dịch tễ của bệnh đậu mùa khỉ). Từ kết quả xét nghiệm tế bào học và các xét nghiệm khác, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị Eczema herpesticum.
Bệnh nhân được điều trị acyclovir đường uống, kháng sinh đường toàn thân, chăm sóc tại chỗ. Tới ngày 30/10, sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân đã hết sốt, tổn thương cải thiện, khô bắt đầu bong vảy.
Người đàn ông vỡ động mạch, ho ra khoảng 20ml máu/ngày
Ngày 30/10, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM công bố vừa phát hiện một ca vỡ động mạch thân tay đầu hiếm gặp, theo báo Người Lao Động. Bệnh nhân là nam, 69 tuổi, nhập viện vì sốt liên tục 2 tuần, kèm tức ngực phải. Tiền sử bệnh lao và đã điều trị khỏi cách đây 17 năm và tăng huyết áp.
Kết quả chụp lồng ngực phát hiện túi giả phình kích thước 50 x 42mm ở mặt dưới thân động mạch thân tay đầu phải, nghi dọa vỡ. Trong quá trình nằm viện, bệnh nhân sốt liên tục, lạnh run, tức ngực phải, ho khạc máu đỏ tươi khoảng 20ml mỗi ngày.
Sau 3 tuần điều trị kháng sinh, bệnh nhân bớt sốt nhưng còn đau tức ngực, ho ra máu đỏ tươi 40ml/ngày, vùng da mặt cổ và ngực trên đen sạm. Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu, tạo cầu nối động mạch cảnh trái -cảnh phải và đặt stent phủ vào động mạch thần tay đầu và dưới đòn phải, giúp đảm bảo tưới máu bán cầu não phải và phòng trường hợp nhiễm trùng túi giả phình tiến triển...
Qua 3 tuần điều trị, người bệnh ho từ máu bầm chuyển sang đàm trắng, không còn đau ngực, không sốt; khối phình giảm kích thước. Sau 6 tháng, bệnh nhân không còn các triệu chứng gì và trở lại sinh hoạt bình thường.
Đinh Kim(T/h)