Cấp cứu người phụ nữ bị xoắn buồng trứng hiếm gặp
Theo thông tin trên VOV, vào 21h30 ngày 23/2, Bệnh viện 199 Bộ Công an đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ (du khách nước ngoài có quốc tịch Nga, 32 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau quặn hố chậu trái. Trước đó, bệnh nhân đã khám sức khỏe tại cơ sở khác với chẩn đoán vỡ nang buồng trứng, được kê đơn thuốc và điều trị tại nhà, nhưng tình trạng không cải thiện.
Tại đây, bệnh nhân đã được khám và kết hợp làm các xét nghiệm cần thiết. Căn cứ vào các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán, đây là một trường hợp xoắn buồng trứng - vòi trứng cấp cứu, dịch ổ bụng lượng nhiều, tình trạng của bệnh nhân sẽ trở nên nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Bệnh nhân này nhanh chóng được chuyển mổ nội soi cấp cứu.
Kíp phẫu thuật tiến hành mổ nội soi, quan sát trong ổ bụng thấy buồng trứng (vòi trứng trái) xoắn 3 vòng, buồng trứng xung huyết nâu sẫm, có dấu hiệu hoại tử; dịch ổ bụng ngập tới góc gan.
Qua đánh giá của bác sĩ, bệnh nhân có khả năng bảo tồn được buồng trứng nên kíp mổ tiến hành hút dịch, tháo xoắn buồng trứng trái. Ca phẫu thuật thực hiện trong khoảng 45 phút. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi hậu phẫu, dự kiến sau 2 ngày sẽ được xuất viện.
Ca phẫu thuật thành công mang lại niềm vui cho bệnh nhân vì bảo tồn được buồng trứng, nhất là khi bệnh nhân chưa kết hôn và chưa sinh con lần nào.
Bác sĩ CKII Trương Quốc Việt cho biết, những trường xoắn do u buồng trứng là không hiếm gặp trên lâm sàng, nhưng bản thân buồng trứng – phần phụ xoắn vào nhau là cực kỳ hiếm gặp, đặc biệt trên bệnh nhân này bị xoắn tới 3 vòng. Có thể xem đây là một trong những ca lâm sàng khá kín đáo và hiếm gặp. Vì vậy, việc chẩn đoán đòi hỏi bác sĩ phải có nhiều kinh nghiệm trên lâm sàng cũng như nhận định tốt trên siêu âm.
Bác sĩ cũng khuyến cáo: “Xoắn buồng trứng là một trong những cấp cứu phụ khoa nghiêm trọng. Các chị em không nên chủ quan, đặc biệt là khi có các triệu chứng như đau bụng cấp tính hoặc đau vùng bụng dưới, buồn nôn và nôn mửa, chóng mặt, hoặc thậm chí là mất ý thức. Tình trạng này nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, xoắn buồng trứng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm nhiễm, hoại tử phải cắt bỏ buồng trứng, hoặc thậm chí nguy hiểm đến tính mạng".
Đắk Lắk ghi nhận 81 trường hợp mắc thủy đậu
VTV Times dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho thấy đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 81 trường hợp mắc thủy đậu, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2023. Các ca bệnh tập trung nhiều ở 3 ổ dịch với 70 ca bệnh là học sinh của 3 trường học mầm non tại TP.Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar và huyện Buôn Đôn.
Trường hợp đầu tiên mắc bệnh thủy đậu tại tỉnh Đắk Lắk được ghi nhận là trường hợp bé T. (5 tuổi), đang học tại Trường Mầm non Măng Non (huyện Ea Kar). Trước đó, ngày 2/1, bé T. có hiện tượng sốt, nốt bọng nước đầu tiên ở bụng sau đó lan sang tay và trán.
Ngày 3/1, người nhà đi mua thuốc tại nhà thuốc tư nhân để tự điều trị 3 - 4 ngày cho bé. Sau khi các nốt mụn nước đã khô, bé T. đi học trở lại.
Sau đó, từ ngày 17 - 22/1, Trường Mầm non Măng Non đã ghi nhận thêm 27 trường hợp bị thủy đậu.
Ngay sau khi ghi nhận thông tin về ổ dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Ea Kar nhanh chóng tiến hành xác minh các trường hợp mắc bệnh tại trường học, lập danh sách các bé theo ngày mắc bệnh, tiền sử tiêm chủng thủy đậu, cơ sở điều trị và tình trạng hiện tại.
Cùng với đó cấp phát Chloramin B cho trường học để vệ sinh phòng học và đồ chơi, hướng dẫn nhà trường, phụ huynh thực hiện các biện pháp để phòng dịch bệnh lây lan và cách chăm sóc khi trẻ mắc bệnh.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống bệnh thủy đậu. Nhờ vậy, sau hơn 1 tháng, tại huyện Ea Kar không ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh thủy đậu.
Bác sĩ Trần Kim Long - Phó phụ trách Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh thủy đậu bắt nguồn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trẻ đến trường học trở lại, môi trường sinh hoạt, chế độ ăn uống, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
Bên cạnh đó thời tiết mùa Đông - Xuân với nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn phát triển nên rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, lây lan qua đường hô hấp và tiêu hoá, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
XEM THÊM: Người đàn ông liệt nửa người vì làm việc này sau bữa tối, bác sĩ chỉ ra những sai lầm nguy hiểm
Cũng theo bác sĩ Long, đến ngày 23/2, trong tổng số 81 ca bệnh được ghi nhận tại Đắk Lắk, có tới 70 ca là học sinh ở các trường mầm non, hầu hết do các cháu chưa được tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh.
Nhằm khống chế và kiểm soát dịch thủy đậu, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp Trung tâm Y tế các huyện, thành phố điều tra xác minh các ca bệnh, ổ dịch và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch.
"Biện pháp tốt nhất, hiệu quả và lâu dài nhất là chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu, người đã tiêm chủng vaccine thủy đậu có khả năng miễn dịch tuyệt đối với bệnh. Khoảng 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, không bị biến chứng", bác sĩ Long nói.
Sau cơn đau chân, người đàn ông phải thở oxy, dùng thuốc huyết áp
VietNamNet đưa tin, tại Trung tâm A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), anh Đ.K.H (45 tuổi, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội) đang phải thở oxy. Theo người nhà, tối 14/2, anh H. thấy đau và nóng ở gần đầu gối chân trái nhưng không có mụn, nhọt.
Sáng 15/2, gia đình vội đưa anh H. vào Bệnh viện K khám. Từ khi đi khám tới lúc nhận kết quả chỉ 4,5 tiếng nhưng anh H. đã suy hô hấp phải thở oxy. Bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm khuẩn nên chuyển ngay sang Bệnh viện Bạch Mai.
TS.BS Nguyễn Hữu Quân - Trung tâm A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân H. vào viện trong tình trạng suy hô hấp, thở oxy. Bác sĩ chẩn đoán sốc nhiễm trùng máu nên tiến hành cấp cứu theo phác đồ.
Anh H. bị viêm mô tế bào do miễn dịch suy giảm với căn nguyên trầy xước da. Bác sĩ Quân chia sẻ, ở người bình thường, những vết thương nhỏ không gây ảnh hưởng tới vậy. Tuy nhiên, anh H. có tiền sử uống nhiều rượu, sức đề kháng kém gây viêm lan tỏa và nhiễm trùng dẫn tới sốc nhiễm trùng máu. Toàn bộ chân trái, 1/4 thân trái của bệnh nhân có dấu hiệu viêm hoại tử, bác sĩ phải phải rạch trích mủ. Anh H. hiện phải thở oxy, dùng thuốc huyết áp.
Bác sĩ Quân cho biết uống nhiều rượu không chỉ gây ra các bệnh gan, thần kinh mà còn làm suy giảm miễn dịch, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn.
Viêm mô tế bào là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây đau ở các lớp sâu của da. Tình trạng này có thể khởi phát đột ngột và đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Một số trường hợp có sự xuất hiện của mụn nước, da bị lõm hoặc đốm. Các triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, ớn lạnh, đổ mồ hôi, run rẩy, sốt, buồn nôn.
Các trường hợp nhẹ liên quan đến nhiễm trùng cục bộ có kèm theo mẩn đỏ. Các trường hợp nghiêm trọng hơn liên quan đến nhiễm trùng lây lan nhanh chóng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.
Đinh Kim(T/h)