Gắp con đỉa sống kí sinh nhiều ngày trong khí quản người đàn ông
Báo Yên Bái đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái vừa gắp thành công con đỉa (con nấc) sống kí sinh nhiều ngày trong khí quản của bệnh nhân nam 62 tuổi, người dân tộc Dao, trú tại xã An Lạc (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái).
Theo bệnh nhân chia sẻ, trước khi nhập viện khoảng 4 tháng bệnh nhân có đi rừng và có uống nước suối. Những ngày sau đó, bệnh nhân thường xuyên có biểu hiện ho ra máu, khàn tiếng.
Ngày 22/2, người bệnh đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, được các bác sĩ khoa Tai - mũi - họng phát hiện trong khí quản của bệnh nhân có dị vật sống. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện một con đỉa ngọ nguậy ở trong khí quản. Ngay sau đó, bác sĩ tiến hành nội soi, gắp con đỉa ra. Con đỉa dài hơn 5 cm ở trong lòng khí quản của bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Quân - Trưởng khoa Khoa Tai - mũi - họng chia sẻ, con đỉa sống chủ yếu ở khu vực suối chảy, bám vào các viên đá, sỏi, dễ dàng chui vào mũi, họng, khí quản thông qua đường uống. Nếu không được phát hiện và lấy ra sớm có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp trên kéo dài, khó thở, suy hô hấp ảnh hưởng đến tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo tới người dân, đặc biệt là người dân vùng cao nên chuẩn bị sẵn các chai nước đã được đun sôi để nguội mang theo khi đi làm, đi rừng, tránh sử dụng các nguồn nước suối chưa được đun nấu. Khi có các biểu hiện như ho kéo dài, tiếng thở rít, nói khàn tiếng…, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
Nam thanh niên đột quỵ, tử vong trên sân bóng đá
Theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, Phòng khám đa khoa Hùng Vương - Sơn Dương (thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, mới đây, đơn vị cấp cứu của phòng khám này nhận được cuộc gọi từ người dân khu vực xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) đề nghị hỗ trợ y tế cho nam thanh niên bị mất ý thức.
Người dân kể lại, nam thanh niên chơi đá bóng đến khoảng 17h, anh kêu mệt ra sân nằm nghỉ. Trận bóng tiếp tục diễn ra, đến khoảng 17h30 có người phát hiện nam thanh niên không cử động, mất ý thức nên gọi TYT kiểm tra và gọi cấp cứu tới hỗ trợ.
Ngay lập tức Trung tâm cấp cứu 115 của phòng khám có mặt tại hiện trường tiếp cận nạn nhân trong tình trạng: mất ý thức, ngừng tim. Nhận định đây là 1 trường hợp đột quỵ, tiến hành cấp cứu hồi sức tim phổi tích cực nhưng nạn nhân không qua khỏi do thời gian phát hiện nạn nhân muộn.
Bác sĩ Lý Lan Hương - Giám đốc chuyên môn Phòng khám đa khoa Hùng Vương - Sơn Dương khuyến cáo, khi tham gia chơi thể thao hãy chú ý tới sức khỏe của bản thân. Tập thể dục thể thao đều đặn hằng ngày tốt hơn tập gắng sức không thường xuyên, đồng thời cần yêu cầu hỗ trợ khi cơ thể có biểu hiện khác thường. Việc khám sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ ăn uống, vận động hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Trước đây, đột quỵ thường xảy ra với người cao tuổi và trung niên, người từ 50 tuổi trở lên. Thế nhưng, gần đây tỷ lệ đột quỵ gia tăng ở cả người trẻ, chủ yếu do một số nguyên nhân như: dị dạng mạch máu não, mạch máu có thể có những túi phình hoặc tắc nghẽn, bệnh lý mãn tính không lây (tăng huyết áp, tiểu đường...).
Ngoài ra, thói quen về sinh hoạt, ăn uống, vận động có thể gây đột quỵ như: hút thuốc lá; ăn những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, ít vận động sẽ khiến việc tích lũy mỡ thừa trong máu.
XEM THÊM: Hồi sinh bé gái sinh cực non 24 tuần, chỉ nặng 550 gram
Bác sĩ khuyến cáo, mỗi người cần khám sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần để sàng lọc và phát hiện yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe.
Cân đối sử dụng các nhóm thực phẩm, tăng cường rau xanh nhưng đồng thời đảm bảo cung cấp đủ những nhóm chất sinh năng lượng như: protein (cá, thịt trắng, trứng, hạn chế các loại thịt đỏ); có thói quen tập thể thao tối thiểu 30 phút/ngày cũng sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Cấp cứu cụ ông 99 tuổi hôn mê do đái tháo đường
VTV Times đưa tin, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (Phú Thọ) vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công trường hợp cụ ông 99 tuổi hôn mê do đái tháo đường. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, Glasgow 10 điểm, sốt, khó thở liên tục cả 2 thì, độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi 90%, chỉ số đường huyết 36mmol/l (cao hơn gấp 6 lần người bình thường).
Sau khi tiến hành thăm khám và dựa trên kết quả các cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán: Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu đái tháo đường type 2, viêm phổi/suy kiệt.
Bệnh nhân nhanh chóng được xử trí, điều trị tích cực, kiểm soát đường huyết, cân bằng kiềm toan. Sau 11 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, chỉ số đường máu được kiểm soát tốt, hết tình trạng viêm phổi và đã được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung - Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực & Chống độc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông cho biết, đái tháo đường là bệnh gây ra do rối loạn chuyển hóa hóc môn insulin trong cơ thể.
Bệnh diễn tiến một cách âm thầm và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như đau tim, suy tim, đột quỵ, suy thận, mù mắt và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Việc khám sức khỏe định kỳ là một biện pháp quan trọng để ngăn chặn nguy cơ này.
Vì vậy, người dân nếu xuất hiện các triệu chứng như tiểu nhiều, khát thường xuyên, sụt cân, mệt mỏi, mờ mắt, thường xuyên nhiễm trùng da, nhiễm trùng tiết niệu thì nên đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tránh để bệnh kéo dài gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng.
Đinh Kim(T/h)