+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 22/2: Hà Nội ghi nhận bệnh nhân mắc liên cầu lợn đầu tiên trong năm 2024

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 22/2/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 22/2/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Hà Nội ghi nhận bệnh nhân mắc liên cầu lợn đầu tiên trong năm 2024

    Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận ca mắc liên cầu lợn là người đàn ông 67 tuổi, nghề nghiệp bảo vệ (ở huyện Chương Mỹ). Đây là ca mắc liên cầu lợn đầu tiên trên địa bàn Hà Nội trong năm 2024.

    Trước khi nhập viện hai ngày, bệnh nhân khởi phát bệnh với các triệu chứng, sốt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng đau đầu nhiều, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chậm chạp. Bệnh nhân được xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho kết quả dương tính với liên cầu lợn (S.Suis).

    Liên cầu lợn là vi khuẩn cư trú tự nhiên ở đường hô hấp trên, đặc biệt là amidan, khoang mũi, đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh hoặc bị bệnh. Bệnh lây nhiễm sang người qua tiếp xúc với vết thương hở trên da, ăn đồ tái sống... Hiện nay, các ca mắc căn bệnh nguy hiểm này đang có xu hướng gia tăng, nguyên nhân liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc món ăn từ thịt lợn chưa nấu chín.

    tin tuc doi song ngay 2222024 ha noi ghi nhan benh nhan mac lien cau lon dau tien trong nam 2024
    Ban xuất huyết hoại tử màu tím đen, đỏ tía xuất hiện trên da chân bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Ảnh minh họa: Tri Thức

    Thời gian ủ bệnh liên cầu khuẩn tính từ khi phơi nhiễm đến khi phát bệnh thông thường từ vài giờ đến 3 ngày nhưng cũng có thể lâu hơn, kéo dài 7 - 10 ngày. Các biểu hiện chính của bệnh là sốt cao, có những cơn rét run, nôn và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đau đầu dữ dội. Trường hợp bệnh nặng, nguy kịch xuất hiện các rối loạn thần kinh như, lơ mơ, lú lẫn, hôn mê, co giật… hoặc tổn thương các dây thần kinh trung ương.

    Người bệnh còn xuất hiện rối loạn hô hấp như, khó thở, viêm phổi, suy hô hấp, suy chức năng gan, suy chức năng thận, xuất huyết dưới da toàn thân dưới dạng mảng bầm tím, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết nội tạng và nhiều rối loạn khác.

    Theo TTXVN, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi phát hiện một trong những triệu chứng trên, nhất là ở người có tiền sử tiếp xúc thường xuyên với lợn hoặc ăn tiết canh, thịt lợn cần khẩn trương đưa người bệnh đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế.

    Để tránh mắc bệnh, người chăn nuôi và giết mổ, chế biến thịt lợn cần nghiêm chỉnh chấp hành, thực hiện tốt biện pháp vệ sinh chăn nuôi, chuồng trại, khi tiếp xúc, giết mổ chế biến thịt lợn như mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đeo găng tay; thường xuyên phun khử khuẩn chuồng trại, nơi giết mổ.

    Tuyệt đối không giết mổ, không ăn thịt lợn bệnh, lợn chết, tiết canh lợn, thịt lợn sống, thịt lợn tái chưa nấu chín kỹ. Lợn bệnh, lợn chết phải được tiêu hủy, chôn, phun thuốc khử trùng theo đúng quy định. Người tiêu dùng nên lựa chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.

    Người đàn ông nhập viện cấp cứu do bị chó nhà nuôi tấn công

    Báo Người Lao Động đưa tin chiều 21/2, một lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) cho biết đơn vị vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân bị chính chó Becgie của gia đình nuôi cắn trọng thương.

    Theo thông tin ban đầu, sáng 21/2, ông Lê Văn T. (35 tuổi, ngụ xã Ea Toh, huyện Krông Năng) thả con chó Becgie nặng khoảng 35kg của gia đình nuôi, ra khỏi chuồng. Khi vừa được thả ra ngoài, con chó Becgie bất ngờ lao vào cắn ông T. tới tấp khiến nạn nhân bị thương nặng. Phát hiện vụ việc, người thân đã đánh đuổi con chó Becgie và đưa ông T. đi cấp cứu.

    Theo Trung tâm y tế huyện Krông Năng, ông T. được đưa vào viện trong tình trạng hoảng loạn, mất máu nhiều, có nhiều vết thương phức tạp tại vùng cánh tay phải, vùng ngực, đứt gân tay… Các bác sĩ đã tổ chức phẫu thuật nối gân, xử lý các vết thương và sức khỏe của bệnh nhân đã dần ổn định.

    XEM THÊM: Phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhân bị kéo đâm xuyên cổ

    Theo thống kê của Sở Y tế Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Đây là những trường hợp bị chó cắn nhưng không đến cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại.

    Yếu chân tay do hạ kali máu vì u tuyến thượng thận

    Theo thông tin trên VTV Times, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa điều trị thành công cho bệnh nhân L.Q.A. (SN 1990, trú tại tỉnh Đồng Nai) bị yếu chân tay do hạ kali máu vì u tuyến thượng thận.

    Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, yếu liệt 2 chi dưới. Qua khai thác được biết bệnh nhân có tiền sử dùng thuốc điều trị tăng huyết áp thường xuyên nhưng huyết áp vẫn chưa kiểm soát được tốt, thỉnh thoảng bị yếu liệt chi phải nhập viện truyền kali. Ngoài ra, bệnh nhân có tình trạng râu tóc phát triển nhanh bất thường. 

    Các bác sĩ khoa Nội nhận định khả năng cao là hậu quả của tình trạng bệnh lý do u tuyến thượng thận gây ra. Sau khi chụp CTscan tuyến thượng thận, kết quả có hình ảnh u tuyến thượng thận trái, kích thước khoảng 15mm. 

    Sau 4 ngày bù kali máu và dùng thuốc hạ huyết áp tích cực, bệnh nhân tạm ổn định. Các bác sĩ đã hội chẩn, đồng thời giải thích tình trạng cho bệnh nhân và người nhà để chuyển sang khoa Ngoại thực hiện phẫu thuật loại bỏ khối u.

    tin tuc doi song ngay 2222024 ha noi ghi nhan benh nhan mac lien cau lon dau tien trong nam 20241
    Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: VTV Times

    Bác sĩ CKI Bùi Khắc Thái, phẫu thuật viên chính cho biết, sau hội chẩn, các bác sĩ thống nhất phương pháp phẫu thuật nội soi sau phúc mạc để cắt bỏ khối u cho bệnh nhân. Với cơ địa thành bụng dày, thừa cân, nhiều mỡ, gây khó khăn cho các phẫu thuật viên trong tạo khoang và bộc lộ thận, tuyến thượng thận. 

    Sau gần 3 giờ, các bác sĩ đã bóc tách khối u tuyến thượng thận ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Đến nay, sức khỏe của bệnh nhân đã dần hồi phục, hai chi dưới đã có thể đi lại bình thường và đã được xuất viện.

    U tuyến thượng thận thường khó nhận biết, phát triển âm thầm, nhiều trường hợp phát hiện bệnh thông qua việc kiểm tra một vấn đề sức khỏe khác. Do đó, nếu người bệnh gặp các triệu chứng như: Yếu cơ đột ngột, hạ kali máu, tăng huyết áp, mệt mỏi, thay đổi giọng nói, tuyến vú to bất thường, đa lông tóc, tăng cân bất thường nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín gần nhất để thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra tình trạng cơ thể. 

    Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần để chủ động bảo vệ cơ thể và phát hiện sớm các bệnh lý.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-ngay-22-2-2024-ha-noi-ghi-nhan-benh-nhan-mac-lien-cau-lon-dau-tien-trong-nam-2024-a611394.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan