+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 23/2: Cứu sống người đàn ông ngưng tim 90 phút

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 23/2/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 23/2/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Cứu sống người đàn ông ngưng tim 90 phút

    Báo Đồng Nai đưa tin, các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh mới đây đã cấp cứu thành công, cứu sống nam bệnh nhân T.Q. (57 tuổi, ngụ xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) bị nhồi máu cơ tim, ngưng tim 90 phút. Đây là trường hợp rất đặc biệt, được xem là kỳ tích.

    Trước đó, ngày 27/1, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội. Sau khi đo điện tim, cơn đau càng dữ dội hơn, nhịp tim tụt dần. Diễn tiến bệnh quá nhanh khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng ngưng tim, ngưng thở, mạch và huyết áp đều không đo được.

    Ngay lập tức, các bác sĩ đã bật báo động đỏ toàn viện, huy động các y, bác sĩ ở các khoa, phòng tập trung cấp cứu cho bệnh nhân. Các bác sĩ đã tiến hành đặt ống thở, ép tim ngoài lồng ngực, tiêm thuốc hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 2322024 cuu song nguoi dan ong ngung tim 90 phut
    Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Báo Đồng Nai

    Sau khi tiêm 30 ống thuốc hồi sinh tim phổi, sốc điện 4 lần, ép tim liên tục, đến phút thứ 90, bệnh nhân có nhịp tim trở lại. Lúc này, các bác sĩ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tái thông động mạch vành bên phải cho bệnh nhân, giúp mạch và huyết áp của bệnh nhân dần ổn định.

    Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân vẫn hôn mê nên được đưa về khu hồi sức để thở máy. 1 ngày sau hồi sức, bệnh nhân được phát hiện bị suy đa tạng nên được lọc máy liên tục. 2 ngày sau lọc máu, bệnh nhân đáp ứng tốt, chức năng gan, thận được cải thiện, mạch, huyết áp dần tốt hơn, tỉnh táo, có thể tự thở và cai máy thở.

    Bác sĩ Võ Chí Trung - Đơn vị Can thiệp tim mạch, khoa Nội tim mạch - lão học Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, có đến 90% bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở sẽ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân Q. hồi phục sau 90 phút ngưng tim được xem là kỳ tích, là sự động viên tinh thần rất lớn đối với ekip cấp cứu nói riêng và bệnh viện nói chung.

    Điều trị cho bé gái 5 tuổi bị bỏng nặng do cồn

    Theo thông tin trên VTV Times, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi bỏng nặng do cồn, hiện đang được các y bác sĩ tích cực điều trị. Cụ thể, bệnh nhi N.K.H. (nữ, SN 2019, trú tại tỉnh Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng sốc, bỏng nặng vùng đầu, ngực, đùi, mông và hai tay.

    Sau khi được chống sốc, truyền dịch, vận mạch tại khoa Cấp cứu, bệnh nhi tiếp tục được các y bác sĩ theo dõi tích cực.

    Theo gia đình, thời điểm xảy ra sự cố, bệnh nhi đang chơi với bạn ở sau nhà. Do không chứng kiến trẻ nghịch cồn nên bệnh nhi chỉ được người thân phát hiện và dập lửa tại chỗ khi bị lửa bén vào người.

    Cồn là chất dễ cháy, dễ bắt lửa. Hiểm họa cháy nổ do cồn gây ra rất nghiêm trọng. Bỏng do cồn là một trong những tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ nhỏ, xảy ra khi trẻ sử dụng các chất hóa học, thích khám phá, tìm hiểu và thử nghiệm. Phần lớn các sự cố xảy ra khi không có người lớn bên cạnh.

    XEM THÊM: Vụ phải mổ do trả nhầm kết quả: Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Lâm Đồng xin lỗi gia đình bệnh nhân

    Trước những hậu quả từ bỏng, bác sĩ CKI. Ngô Hồng Phúc - Phó Trưởng khoa Bỏng - Chỉnh trực Bệnh viện Nhi đồng 2 có những thông tin lưu ý đến phụ huynh. Khi phát hiện trẻ bị bỏng, phụ huynh nên:

    - Bình tĩnh và đưa trẻ ra khỏi khu vực gây bỏng;

    - Loại bỏ quần áo hoặc vật dụng gây bỏng nếu có thể nhưng không cố gắng kéo ra nếu chúng bám vào da;

    - Làm mát vết bỏng bằng cách đưa chỗ bỏng vào vòi nước đang chảy với áp lực vừa phải khoảng 15 phút. Không sử dụng đá hoặc nước đá lạnh trực tiếp lên vùng da bỏng;

    - Sử dụng gạc, khăn hoặc vải sạch để choàng lại vết thương, phòng ngừa nhiễm khuẩn và giảm đau;

    - Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục sơ cứu và điều trị. Trong thời gian đó, hãy giữ ấm cho trẻ bằng cách che chắn hoặc đắp thêm chăn mền;

    Lưu ý trong khi sơ cứu vết bỏng, nên tránh sử dụng các loại thuốc dân gian, mỡ trăn, nước mắm hay kem đánh răng, vì nó có thể gây nhiễm trùng và kéo dài quá trình điều trị.

    Phụ huynh cần chú ý và cảnh giác đối với các hóa chất có thể gây cháy nổ, gây bỏng. Cần để xa tầm với của trẻ để đảm bảo an toàn cho các em và tránh được những sự cố đáng tiếc do bỏng gây ra.

    Bình Thuận ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại

    Theo TTXVN, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại. Trường hợp tử vong là bé gái T.T.H.T (4 tuổi, ngụ thôn Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). 

    Qua điều tra dịch tễ, ngày 7/2, bé gái này bị con chó nhỏ của nhà hàng xóm cắn nhiều nhát sâu vào vùng mặt, trán, quanh mắt, gò má. Người nhà đã đưa bé đi điều trị bằng phương pháp của dân tộc mà không xử lý vết thương bằng xà phòng, không đi tiêm phòng vaccine dại, huyết thanh kháng dại.

    Đến ngày 13/2, bé gái có dấu hiệu lừ đừ, nôn ói. Ngày 14/2, bé được người nhà đưa đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực La Gi, sau đó được chuyển vào bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

    Tại đây, bệnh nhân được thăm khám và chuẩn đoán bệnh dại với các triệu chứng: sốt, la hét, kích động khi quạt gió và đưa nước cho bé, hoảng sợ, bị nhiều vết cắn vùng đầu mặt…

    Đến khoảng 22h cùng ngày, tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng và được bệnh viện cho về nhà. Ngày 15/2, bệnh nhân tử vong. Đây là trường hợp tử vong do bệnh dại đầu tiên trên địa bàn từ đầu năm 2024 đến nay.

    Về tình trạng con vật, sau khi cắn bệnh nhân, con chó có biểu hiện hung dữ, chảy nước bọt nhiều, cắn những con chó xung quanh và bị người nhà đánh chết; không ghi nhận thêm có người bị chó cắn.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 2322024 cuu song nguoi dan ong ngung tim 90 phut1
    Người có nguy cơ cao nên thực hiện tiêm phòng phơi nhiễm, những người bị phơi nhiễm thực hiện điều trị dự phòng bằng vaccine, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ảnh minh họa

    Ngay khi ghi nhận trường hợp trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông báo ổ dịch lây truyền từ động vật sang người cho Chi cục Thú y tỉnh phối hợp điều tra, giám sát.

    Trung tâm Y tế Hàm Tân, Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Thắng tiến hành điều tra, giám sát ca dại, gia đình bệnh nhân và người thân trong gia đình bệnh nhân.

    Đồng thời, tuyên truyền vận động người nhà bị chó dại cào, cắn đi tiêm ngừa vaccine phòng dại; tư vấn điều trị dự phòng bệnh dại đối với những người tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân…

    Để chủ động phòng, chống bệnh dại, ngành Y tế tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh dại phải được xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn và đến ngay điểm tiêm phòng dại để được khám và điều trị dự phòng, tuyệt đối không điều trị bằng thuốc nam. 

    Ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, cách xử lý vết thương khi bị động vật cào, cắn và các biện phòng, chống bệnh dại.

    Những người có nguy cơ cao nên thực hiện tiêm phòng phơi nhiễm, những người bị phơi nhiễm thực hiện điều trị dự phòng bằng vaccine, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

    Sở Y tế tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên động vật như: tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dại; nguy cơ dịch bệnh phát sinh; lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng; tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật…

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-23-2-2024-cuu-song-nguoi-dan-ong-ngung-tim-90-phut-a611548.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan