Phát hiện hơn trăm con giun đũa trong bụng bé 64 tháng tuổi
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, sáng 30/8, khoa Ngoại - Gây mê hồi sức Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhi H.T.K.T (64 tháng tuổi, trú tại xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) trong tình trạng sốt, đau bụng vật vã, nôn ói, đi cầu phân lỏng, người xanh xao, gầy, suy dinh dưỡng nặng.
Khai thác bệnh sử, các bác sĩ cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đại tiện phân lỏng nhiều ngày, thành bụng căng, ấn đau lan tỏa. Kết quả chụp X-quang bụng cho thấy, nhiều hình cản quang dạng ống khu trú hố chậu phải và vùng bụng dưới, siêu âm thấy hình ảnh giun ký sinh chiếm toàn bộ trong các quai ruột.
Các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị tắc ruột do búi giun. Ngay lập tức bệnh nhi được chuyển mổ cấp cứu. TTƯT, BS CKII. Nguyễn Đức Hùng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi.
Với sự khẩn trương của toàn bộ ekip, chỉ sau 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra 115 con giun đũa từ trong ruột bệnh nhi. Sau phẫu thuật, bệnh nhi được theo dõi và chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và Bệnh lý sơ sinh Bệnh Viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam. Hiện tại, bệnh nhi đã tỉnh táo và dần ổn định.
Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Đức Hùng Sơn, tắc ruột là một cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến hoại tử ruột và các biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ. Tắc ruột do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nguyên nhân thường gặp ở trẻ là tắc ruột do giun đũa.
Đau quặn bụng, cơn đau tăng dần, khám thấy thành bụng căng, nhu động ruột giảm, kích thích phúc mạc vùng bụng, nôn hoặc trước đó có nôn ra giun… là một số triệu chứng khi trẻ bị tắc ruột do giun. Tắc ruột kéo dài có thể gây lồng ruột, xoắn ruột, xuất huyết hoặc hoại tử ruột, thậm chí gây thủng ruột, rối loạn điện giải, vô niệu, nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, người lớn khi chăm sóc trẻ nên chú ý việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tẩy giun theo định kỳ 6 tháng/lần cho trẻ và phòng ngừa bệnh giun đũa bằng cách vệ sinh, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn; Uống nước đun sôi, rửa rau củ quả dưới vòi nước sạch.
Hướng dẫn trẻ nhỏ không ngậm tay lên miệng, rửa tay sạch sẽ khi chơi đùa.
Bên cạnh đó, cần giáo dục người dân không phóng uế bừa bãi; Không dùng phân tươi bón rau, trồng cây; Không thả rông thú cưng; Tăng cường xây dựng nhà vệ sinh ở nông thôn và nhà vệ sinh công cộng ở thành thị.
Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc sốt xuất huyết tử vong
Báo Nhân Dân dẫn thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận 2 ca mắc sốt xuất huyết tử vong trong năm 2023. Trường hợp đầu tiên là nam thanh niên 19 tuổi (ở quận Hà Đông, Hà Nội). Bệnh nhân có tiền sử u bạch mạch đã phẫu thuật và viêm gan C mạn. Ngày 23/8, bệnh nhân sốt 38,5 độ C, đau đầu, đau mỏi cơ khớp.
Sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện tư, hết sốt, đến tối 26/8, bệnh nhân nôn ra máu cục lẫn thức ăn, đại tiện phân đen. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Quân y 103 điều trị, được chẩn đoán sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo. Dù được điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh tiếp tục nặng lên và bệnh nhân tử vong ngày 29/8.
Một trường hợp khác cũng được ghi nhận tử vong do sốt xuất huyết là nữ bệnh nhân (45 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, nữ bệnh nhân phát hiện sốt xuất huyết và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, sau đó 1 ngày chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Trong đêm 29/8, nữ bệnh nhân có dấu hiệu mệt, nhịp thở tăng. Đến sáng 30/8, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu nặng lên rõ hơn. Bác sĩ cho biết, các dấu hiệu suy hô hấp, suy tuần hoàn của bệnh nhân diễn biến quá nhanh. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng thuốc vận mạch, thêm kháng sinh, truyền cao phân tử tiếp và truyền 4 đơn vị khối tiểu cầu…
Kết quả xét nghiệm cho thấy, tình trạng tiên lượng của bệnh nhân rất nặng, sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, do bệnh nặng, bệnh nhân đã tử vong trong đêm 30/8.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, trường hợp nữ bệnh nhân nói trên là ca bệnh sốt xuất huyết nặng nhất mà bệnh viện tiếp nhận trong mùa dịch năm nay. Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận những ca bệnh có diễn biến nặng, được hội chẩn, chuyển tuyến lên bệnh viện trung ương. Sau đó, sức khoẻ của bệnh nhân ổn định.
Phát hiện mắc ung thư máu sau khi bị râu tôm chọc vào ngón tay
Theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, các bác sĩ tại đây vừa tiếp nhận điều trị trường hợp bệnh nhân khá hy hữu: Tình cờ phát hiện ung thư máu sau khi bị râu tôm chọc vào ngón tay.
Cụ thể, bệnh nhân H.T.M (54 tuổi) có tiền sử khỏe mạnh. 10 ngày trước khi vào viện, bà M. bị râu tôm chọc vào ngón tay phải khiến ngón tay sưng nề, tấy đỏ, đau nhiều. Bệnh nhân đi chích rạch tháo mủ tại phòng khám tư. Sau vài ngày, bệnh nhân đi khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh phát hiện bạch cầu, tiểu cầu tăng cao. Bên cạnh đó, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng lách to.
Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Bạch cầu tuỷ mạn (ung thư máu mạn tính). Trải qua 10 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện, về uống thuốc tại nhà và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ.
XEM THÊM: Cuộc gọi của cháu trai cứu mạng bà ngoại bị tắc mạch máu nuôi tim
ThS.BS. Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hoá chất - Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho hay, bệnh ung thư máu mạn tính nhiều trường hợp chỉ tình cờ phát hiện khi khám, xét nghiệm tầm soát sức khoẻ hoặc khi đi khám vì một vấn đề sức khoẻ liên quan nào đó.
Do đó, khi có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, người dân không nên chủ quan mà cần đi khám ngay. Khám sức khoẻ định kỳ hàng năm cũng vô cùng quan trọng để kiểm soát sức khoẻ của mình và phát hiện bệnh ở giai đoạn "mầm mống".
Đinh Kim(T/h)