Bé 8 tuổi tử vong sau gần 4 tháng bị chó cắn
Theo thông tin trên VietNamNet, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình cho biết trên địa bàn huyện Minh Hóa vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đó là cháu P.T.B.V (sinh năm 2015, trú thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa).
Cách đây gần 4 tháng, gia đình cháu V. đã bắt và nuôi một con chó không rõ nguồn gốc. Sau vài ngày nuôi, con chó đã cắn cháu ở chân trái, chảy lượng máu ít, tuy nhiên cháu không được xử trí vết thương, không tiêm vaccine phòng dại, mà chỉ được cắt thuốc nam ở Hà Tĩnh về uống. Sau đó, người nhà cháu V. cũng đã xử lý con chó trên.
Trong vòng hơn 3 tháng nay, cháu không có biểu hiện gì bất thường. Cách đây khoảng 1 tuần, cháu được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị bệnh Thalassemia.
Sau vài ngày, cháu V. bắt đầu có dấu hiệu sốt cao, tăng tiết nước bọt, mệt mỏi, nhức đầu, sợ nước, sợ ánh sáng, co giật, nên bệnh viện đưa đi làm xét nghiệm và được chẩn đoán bệnh dại, chuyển vào khoa hồi sức cấp cứu. Đến ngày 28/8, bệnh viện trả về và cháu đã tử vong trên đường về quê.
Trước đó, từ khoảng tháng 5 đến nay, Quảng Bình đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bị bệnh dại. Một trường hợp ở thôn Thuận Hoan (xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa) và một trường hợp ở phường Đồng Sơn (TP.Đồng Hới). Các trường hợp này đều không tiêm vaccine phòng dại khi bị chó cắn.
Can thiệp tắc mạch bướu máu bánh nhau cứu sống thai nhi
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa lần đầu phối hợp thực hiện thành công ca can thiệp mạch bướu máu bánh nhau, cứu sống thai nhi từ trong bụng mẹ. Đây là ca đầu tiên thành công tại Việt Nam.
Trước đó, sản phụ V.T.T.N (35 tuổi, ngụ Tây Ninh) được phát hiện bướu máu bánh nhau lúc thai 17 tuần và khối bướu ngày càng phát triển. Đến 26 tuần, sau khi các bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp hội chẩn và thống nhất chẩn đoán sản phụ có bướu máu bánh nhau gây thiếu máu và phù thai, suy thai… Kích thước bướu máu bánh nhau to bằng cái chén.
Hai bệnh viện quyết định can thiệp nội mạch gây tắc mạch máu nuôi khối u. Các bác sĩ cho biết, nếu không can thiệp thì khối bướu máu sẽ gây nhiều biến chứng, 30% sẽ gây chuyển dạ sinh non và tỷ lệ tử vong lên đến hơn 50%. Bệnh viện cũng không thể đưa em bé ra ở thời điểm 26 tuần.
Sáng 29/8, thai nhi đã hơn 37 tuần, Bệnh viện Từ Dũ thực hiện ca mổ bắt con cho sản phụ. Dự phòng được các tình huống nguy cơ băng huyết, các bác sĩ đã kiểm soát được chảy máu trong vòng 2 phút sau mổ.
Sau 1 giờ phẫu thuật, em bé chào đời cân nặng 2,9kg. Qua kiểm tra đánh giá tình trạng em bé phát triển tốt, sức khỏe bệnh nhân N. ổn định nên đã cho da kề da như ca mổ lấy thai bình thường.
Cụ bà nhập viện sau khi rạch mụn cơm ở ngón chân
Báo An Ninh Thủ Đô dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, trong tuần vừa qua (từ ngày 18-25/8), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2 ca mắc uốn ván.
Trong đó, một cụ bà 83 tuổi (ở xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa) mắc bệnh sau khi tự rạch mụn cơm ở ngón chân. Cụ thể, 5 ngày sau tự rạch mụn cơm, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng cứng hàm, viêm họng, đau bụng vùng hạ vị, há miệng khó, co cứng cơ toàn thân nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu. Tại đây, cụ bà được chẩn đoán mắc uốn ván và phải nhập viện điều trị.
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 53 tuổi (ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông). Trước khi vào viện 10 ngày, bệnh nhân bị trượt ngã, đầu gối trái va đập mạnh vào nền đá gây xước da. Sau đó, bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư và mua thuốc kháng sinh, giảm đau về uống, không tiêm phòng uốn ván.
Sau khi điều trị 1 tuần tại nhà không khỏi, bệnh nhân xuất hiện thêm hiện tượng cứng hàm, nói khó và được người nhà đưa đến Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc uốn ván.
XEM THÊM: Phát hiện giun sống trong não một phụ nữ ở Australia
Từ đầu năm 2023 cho đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 20 ca mắc uốn ván (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó 2 ca tử vong.
Đinh Kim(T/h)