Người lao động có con là F0 được hưởng quyền lợi gì?
Có lẽ, đó là câu hỏi còn đang khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Hầu hết trẻ em đều chưa được tiêm vắc-xin nên rất dễ bị lây chéo Covid-19. Vậy, khi con không may trở thành F0, người lao động phải nghỉ làm ở nhà chăm con có được hưởng quyền lợi gì không?
Nếu phải ở nhà chăm sóc con bị nhiễm Covid-19, người lao động cần nắm được quyền lợi mà mình sẽ được hưởng để tránh thiệt thòi.
Theo Điều 24 và Khoản 2, Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động tham gia BHXH bắt buộc, phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau.
Như vậy, người lao động có con là F0 sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp có đóng bảo hiểm xã hội, con dưới 7 tuổi và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh.
Thời gian nghỉ được giải quyết chế độ ốm đau sẽ xác định theo thời gian được ghi trên giấy ra viện của con (tính cả thời gian được bác sĩ chỉ định nghỉ thêm) hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Tuy nhiên, thời gian hưởng chế độ cũng bị giới hạn tối đa theo khoản 1 Điều 27 Luật BHXH như sau:
Đối với con dưới 3 tuổi: Số ngày hưởng chế độ tối đa 20 ngày/năm/con.
Đối với con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi: Số ngày hưởng chế độ tối đa 15 ngày/năm/con.
(Thời gian nghỉ tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần).
Chú ý: Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH thì cha mẹ có thể lựa chọn cùng nghỉ hoặc nghỉ luân phiên để chăm con. Cả hai trường hợp này đều được giải quyết hưởng chế độ ốm đau tương ứng với từng người.
Về mức hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ chăm con F0, căn cứ Điều 28 Luật BHXH năm 2014, người lao động nghỉ làm chăm con là F0 dưới 07 tuổi được tính hưởng chế độ ốm đau theo công thức như sau:
Mức hưởng/ngày = 75% x Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ : 24
Lưu ý: Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc trước đó đã có thời gian đóng BHXH, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ hưởng chế độ ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng được tính dựa trên tiền lương đóng BHXH của tháng đó.
Ví dụ: Chị A đóng BHXH hằng tháng là 10 triệu đồng/tháng. Chị A có con 02 tuổi bị mắc Covid-19, phải nghỉ làm 18 ngày.
Khi đó, số tiền chế độ mà chị A được hưởng tính như sau:
Mức hưởng = 75% x 10 triệu đồng : 24 x 18 ngày = 5.625.000 đồng.
Thủ tục hưởng chế độ ốm đau cho người lao động có con là F0
Căn cứ Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019, hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ chăm con là F0 của người lao động được thực hiện như sau:
Đối với trường hợp điều trị nội trú, hồ sơ gồm: bản sao giấy ra viện của con người lao động dưới 07 tuổi. Nếu chuyển tuyến khám, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.
Đối với trường hợp điều trị ngoại trú, hồ sơ gồm: bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của 01 trong 02 người là bản sao, hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người lao động cần thực hiện theo các thủ tục dưới đây để được hưởng chế độ:
Bước 1: Nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động. Thời hạn nộp: Trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
Bước 2: Doanh nghiệp lập hồ sơ và gửi cơ quan BHXH. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, doanh nghiệp lập Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau (Mẫu số 01B-HSB) và nộp cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH giải quyết: Cơ quan BHXH cấp quận, huyện nơi doanh nghiệp đóng BHXH.
Bước 3: Cơ quan BHXH giải quyết hồ sơ. Thời hạn giải quyết: Tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Có 3 cách thức chi trả tiền, gồm có: Thông qua doanh nghiệp; thông qua tài khoản ATM của người lao động; hoặc trực tiếp tại cơ quan BHXH (trường hợp chưa nhận tại doanh nghiệp mà doanh nghiệp đã chuyển lại cho cơ quan BHXH).
Như vậy, không chỉ lao động là F0, mà lao động có con là F0 phải nghỉ làm để chăm sóc cũng sẽ được hưởng chế độ từ BHXH, cần lưu ý để không bị thiệt thòi.
Một số lưu ý khi điều trị F0 là trẻ em tại nhà
Bác sĩ Chu Quang Liên (Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu - bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc) lưu ý:“Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc Covid-19 khi tiếp xúc với các ca nhiễm do hệ miễn dịch của con còn non yếu. Trong trường hợp trẻ là F0 được điều trị tại nhà, cha mẹ cần chăm sóc và quản lý chặt chẽ bởi trẻ chưa biết cách tự chăm sóc bản thân, nhiều trẻ nhỏ thì chưa biết nói, chưa biết thể hiện những khó chịu của cơ thể. Do đó, cha mẹ cần quan sát kỹ lưỡng, nếu con có biểu hiện nặng, cần đưa trẻ đến ngay các bệnh viện được phép điều trị F0 để được cấp cứu kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng”.
Dưới đây là 8 điều cha mẹ cần thực hiện nghiêm túc để đảm bảo việc điều trị Covid-19 tại nhà cho bé đạt hiệu quả:
Đo thân nhiệt cho con ít nhất 2 lần/ngày hoặc đo khi bé có biểu hiện bị sốt.
Khai báo y tế cho con hằng ngày qua các ứng dụng được bộ Y tế công bố.
Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ thì có thể sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol cho trẻ. Liều dùng được khuyến cáo là 10-15mg/kg/lần, mỗi 4-6 tiếng uống một lần, không quá 4 lần/ngày.
Nếu trẻ có triệu chứng ho, cha mẹ có thể cho con uống thuốc ho nhưng ưu tiên sản phẩm bằng thảo dược.
Cho con uống nhiều nước và bổ sung điện giải nếu bé bị sốt hoặc tiêu chảy, không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm mà không có chỉ định từ bác sĩ.
Cho bé mặc quần áo thoải mái, phòng cách ly đảm bảo khô thoáng, sát khuẩn vật dụng, bề mặt tiếp xúc thường xuyên. Vệ sinh cá nhân cho trẻ mỗi ngày, súc miệng bằng nước muối sinh lý, rửa tay, sát khuẩn thường xuyên.
Cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ qua các bữa ăn để cung cấp năng lượng và tăng sức đề kháng cho con. Trường hợp bé còn bú mẹ thì mẹ nên ăn uống đủ chất để con được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thông qua sữa mẹ.
Tạo không khí vui tươi, thoải mái để con cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi phải cách ly tại nhà. Đồng thời, hướng dẫn bé các bài tập vận động thường xuyên, nâng cao sức khỏe.
Thu Hà