Tín hiệu tích cực và sự chủ động từ các địa phương
Ngày 17/2/2022, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành (kết nối đến toàn bộ BHXH cấp huyện) về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT tháng 2/2022.
Tại hội nghị, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố đã trao đổi, làm rõ về những khó khăn thuận lợi và đề nghị các giải pháp đẩy mạnh thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2022.
Ông Phan Văn Mến (Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh) cho biết, đã tạm giao kế hoạch thu, phát triển đối tượng, tổ chức hội nghị khách hàng cho BHXH các quận, huyện ngay từ đầu tháng 1. Cùng với đó, BHXH thành phố cũng đã sớm chủ động tham mưu UBND thành phố chỉ đạo và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao, giao chỉ tiêu sớm cho các quận, huyện, thành phố trên địa bàn.
Về truyền thông, Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh khẳng định đã xây dựng các kịch bản tương ứng với tình hình dịch bệnh trên địa bàn, kết hợp cả hình thức hội nghị trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo đạt yêu cầu.
Thời gian tới đây, cùng với sự chuyển biến tích cực trong phòng chống, dịch, quá trình phục hồi kinh tế tốt hơn, số người lao động trở lại TP.Hồ Chí Minh ngày càng lớn, phát triển BHXH, BHYT sẽ thuận lợi hơn. Qua tháng 1, BHXH thành phố đã thu tăng thêm khoảng 60.000 người tham gia BHXH bắt buộc; số thu cũng đạt tốt, tăng so với cùng kỳ năm trước, đạt 6,9% kế hoạch cả năm.
Ông Nguyễn Đức Hòa (Giám đốc BHXH TP.Hà Nội) cũng chia sẻ một số thông tin lạc quan. Cụ thể, số tham gia BHXH bắt buộc có chiều hướng tăng lên ngay trong tháng đầu năm. Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội cũng đã giao chỉ tiêu BHXH, BHYT tới các quận, huyện thị xã và giao tới các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; đồng thời có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.
Về tổ chức các hội nghị tuyên truyền, BHXH TP.Hà Nội sẽ đảm bảo nâng cao chất lượng, chú trọng rà soát để mời đúng đối tượng tiềm năng, chọn báo cáo viên, tuyên truyền viên có kinh nghiệm. BHXH thành phố cũng đã làm việc chặt chẽ với Bưu điện thành phố để bàn các giải pháp phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình năm 2022.
Trên cơ sở ý kiến của BHXH các tỉnh, thành phố, ông Trần Đình Liệu (Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) cũng yêu cầu sự chủ động trong việc triển khai các giải pháp thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
“Trong bối cảnh chỉ tiêu nhiệm vụ tăng cao, nguồn lực con người có hạn, buộc chúng ta phải đổi mới, sáng tạo trong cách làm để đạt mục tiêu đề ra; bố trí nhân lực linh hoạt, cân đối giữa các bộ phận nghiệp vụ, trong đó ưu tiên, chú trọng để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ thu, phát triển BHXH, BHYT của năm”, vị Phó Tổng Giám đốc đề cập.
Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ các giải pháp
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Mạnh (Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) đánh giá: “Toàn ngành đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong năm 2021 với bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.
Chúng ta đã biến áp lực thành động lực, xây dựng các kịch bản, linh hoạt các giải pháp, bảo đảm vẫn duy trì sự tăng trưởng số thu, số người tham gia BHXH, BHYT. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận, biểu dương”.
Về yêu cầu nhiệm vụ năm 2022, trước những khó khăn, thách thức, Tổng Giám đốc chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phải chủ động triển khai từ sớm, từ xa các giải pháp, bám sát sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, chủ động đề xuất với cấp ủy, chỉnh quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chú trọng tham mưu chỉ đạo, giao chỉ tiêu đến từng xã, phường. Tích cực đề xuất ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ người dân trên địa bàn tham gia BHXH, BHYT.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, kế hoạch - đầu tư và nhất là chính quyền các xã. Xây dựng các kịch bản linh hoạt, thay đổi theo từng tình huống, từng thời kỳ, phù hợp với từng địa phương, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Mỗi một cấp cơ quan BHXH, từng bộ phận, lĩnh vực nghiệp vụ, đều phải có kịch bản cụ thể.
Tiếp tục chuẩn hóa, làm giàu dữ liệu, phân tích dữ liệu người chưa tham gia BHXH, BHYT để xác định các biện pháp hiệu quả, chính xác, đúng, trúng nhóm đối tượng tiềm năng; ưu tiên các nhóm dễ trước. Chú ý vận động nhóm tham gia bền vững, dài hạn.
Về công tác truyền thông, phải chủ động thông tin, đi trước một bước để người dân nắm được những thay đổi. Chú trọng truyền thông đến nhóm nhỏ, có tính đặc thù, có kế hoạch chung cho toàn ngành, trên cơ sở đó, các đơn vị cơ sở triển khai. Truyền thông phải rõ kết quả đầu ra, rõ tiêu chí đánh giá, cụ thể là số người tham gia BHXH, BHYT. Cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ truyền thông ở cơ sở.
Về các tổ chức tham gia làm đại lý thu, BHXH các tỉnh rà soát để xây dựng các quy chế phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương, họp thống nhất để mục tiêu, rõ cách làm để cùng triển khai nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Về thanh tra, kiểm tra, nhấn mạnh đây là vừa là công cụ vừa là giải pháp quan trọng, Tổng Giám đốc yêu cầu quá trình thực hiện phải hết sức linh hoạt, đạt mục tiêu cuối cùng là giảm nợ, thu đúng, thu đủ. Bên cạnh đó, quy trình thanh tra, kiểm tra cũng cần được nghiên cứu, xây dựng phù hợp với thực tiễn công tác của ngành hiện nay, thực hiện chủ động ngay với các đơn vị có nguy cơ nợ lớn, nợ đọng lâu, phát huy dữ liệu điện tử, thu hồi nợ bằng các phương pháp gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với đó là phải chủ động phối hợp chặt chẽ với Công an, khởi tố các đơn vị vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT.
Với những bài học kinh nghiệm quý báu từ năm 2021, cùng khí thế, quyết tâm năm mới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tin tưởng, toàn ngành sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT được Chính phủ giao.
Thu Hà