(ĐSPL) - Nhiều bác sĩ chia sẻ, trong giới y khoa những bác sĩ có thu nhập tiền tỷ mỗi tháng không phải hiếm.
Mức lương của các bác sĩ là bao nhiêu?
Tin tức trên Infonet, từ trước đến nay người ta vẫn tò mò lương của bác sĩ là bao nhiêu một tháng? Vì sao bác sĩ giàu mà vẫn than thu nhập thấp?
Một bác sĩ công tác tại bệnh viện công ở Hà Nội đã 15 năm tâm sự, 1 tháng thu nhập của anh do nhà nước trả khoảng hơn 5 triệu đồng cộng thêm tiền trực khoảng 500 nghìn đồng/tháng. Tổng thu nhập từ bệnh viện khoảng gần 6 triệu đồng.
Nếu so với các người bạn bằng tuổi, ở cùng mức học như nhau thì giờ đây họ đã trở thành giám đốc, trưởng phòng và những người làm ở ngành tài chính kinh doanh thì mức thu nhập của họ cao hơn rất nhiều.
Mức lương của bác sĩ không phải so sánh với mặt bằng xã hội mà so sánh với những hi sinh và học hỏi của họ. Điều đó khiến các bác sĩ luôn cảm thấy “bị hắt hủi” vì công việc vất vả, phải trực đêm và phải liên tục học hỏi.
Bảng lương của bác sĩ bệnh viện công lập. (Ảnh: Infonet). |
Mới ra trường một bác sĩ chỉ có thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng, hầu như các bác sĩ sẽ có thêm khoản trợ cấp khác nhưng đó chỉ là với bác sĩ ở những bệnh viện lớn.
Một trưởng khoa của Bệnh viện Tâm thần trung ương chia sẻ, làm việc 17 – 18 năm tại bệnh viện, cả lương quản lý khoa nhưng tổng thu nhập của chị mỗi tháng chỉ khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này để nuôi các con ăn học ở Hà Nội là eo hẹp. Với các bác sĩ của bệnh viện tâm thần việc làm thêm cũng khó hơn các bác sĩ nội khoa, ngoại khoa.
Theo quy định của Bộ Nội vụ, mức lương của bác sĩ hiện tại cũng giống như lương của giáo viên, của kỹ sư, của các ngành nghề khác. Với mức lương cơ bản (cơ sở) của ta là 1.150.000 đồng/tháng. Bác sĩ ra trường được hưởng lương của cử nhân (trình độ đại học nói chung), có hệ số 1 là 2,34. Cứ 3 năm được tăng lương một lần lên 0,33 thành hệ số 2 (2,67), rồi hệ số 3 (3,00) ... Tối đa có 9 bậc lương (hệ số 9 là 4,98).
Bác sĩ sau khi tốt nghiệp ra trường, phải qua một quá trình học việc hoặc thử việc, nếu may mắn được ký hợp đồng sẽ được hưởng 85\% của hệ số lương 2,34 tức là 2,34 x 1.150.000 x 0,85 = 2.287.350 đồng, nếu trừ bảo hiểm còn khoảng 2,2 triệu đồng/tháng.
Ở cấp học thạc sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 2 là 2,67 và tiến sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 3 là 3,00.
Nếu là Bác sĩ chính, Giảng viên chính, Phó giáo sư được công nhận tương đương Giảng viên chính (tương đương Chuyên viên chính) sẽ được hưởng lương bậc 1 là 4,40 và cứ 3 năm tăng một bậc thêm hệ số 0,34 cho tới tối đa là bậc 8 (hệ số 6,78).
Nếu là Bác sĩ cao cấp, Giảng viên cao cấp, Giáo sư được công nhận tương đương Giảng viên cao cấp (tương đương Chuyên viên cao cấp) sẽ được hưởng lương bậc 1 là 6,20 và cứ 3 năm tăng thêm một bậc là 0,36 cho tới tối đa là bậc 6 (hệ số là 8,00).
Nếu so với nghề khác, nghề bác sĩ phải luôn luôn đi học, luôn luôn trau dồi kiến thức thì thu nhập của họ đôi khi chỉ “đủ tiền đi học thêm”.
Thu nhập tiền tỷ nhờ đâu?
Thông tin trên Infonet, có nhiều bác sĩ chia sẻ, trong giới y khoa cũng có bác sĩ có thu nhập tiền tỷ mỗi tháng.
TS Trần Tuấn, chuyên gia về y tế cộng đồng có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực y tế từ quản lý, vận động chính sách tới nghiên cứu cho biết: "Tôi biết có những bác sĩ học cùng thế hệ với tôi những năm cuối 70 – đầu 80 của thế kỷ trước bây giờ họ rất giàu, thậm chí có người thu nhập 1 tỷ đồng 1 tháng là bình thường.
Tôi cứ ví dụ như thế này để các bạn dễ hình dung. Một bác sĩ nội khoa hoặc bác sĩ nhi chẳng hạn. Ban ngày họ làm ở cơ quan đến 4h 30 hết giờ hành chính họ về khám ở nhà. Mỗi ngày từ 20 – 40 cháu, khám rất nhanh từ 2- 3 phút/cháu. Như vậy mỗi buổi có phòng khám riêng họ đã có thu nhập ít nhất được khoảng 5 triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản thu nhập khác hữu hình mà ai cũng biết đó là khoản từ hoa hồng của các hãng dược nếu có, từ bệnh nhân cảm ơn nếu có."
Có nhiều bác sĩ chia sẻ, trong giới y khoa cũng có bác sĩ có thu nhập tiền tỷ mỗi tháng.(Ảnh minh họa). |
Một bác sĩ ở BV Bạch Mai cho rằng: “Nếu họ đã làm việc trong lĩnh vực y 30 năm, khi đó thu nhập khủng cũng có gì là lạ. Hơn nữa bác sỹ muốn có thu nhập ổn định thì phải có bệnh nhân, nếu chuyên môn không tốt, thái độ chẳng ra gì thì cũng chỉ chộp giật được một vài bệnh nhân rồi thì chả có ai thèm đến khám nữa, thì lấy đâu ra thu nhập khủng?
Tôi biết những bác sỹ, giáo sư chuyên môn giỏi, muốn mời họ sang nói một bài hoặc giảng một thủ thuật cho mình, có lúc phải bỏ ra vài chục nghìn USD cho một buổi của họ, chưa tính tiền vé máy bay, ăn ở, như vậy thu nhập 1 tỷ / tháng của các đại giáo sư cũng không có gì là lạ. Hơn nữa các bác sỹ, giáo sư người Việt mình được mời sang nước ngoài trình diễn kỹ thuật, nói bài, hiện nay cũng không còn là chuyện hiếm.
Vậy mình phải thấy mừng cho nền y tế của mình đã có những bước tiến nhảy vọt sánh tầm với thế giới. Chuyện phòng khám tư khám đông bệnh nhân, vài phút/bệnh nhân thì đằng sau vài phút đó là vài chục năm kinh nghiệm của người bác sỹ. Khám chữa bệnh có hiệu quả thì lần sau bệnh nhân họ mới quay lại, người nọ mách người kia, đó là công sức, thu nhập chính đáng của bác sỹ giỏi.
Ngành Y cũng là ngành dịch vụ, không hề được bao cấp mà phải tự lực cánh sinh, những bác sỹ nào thu nhập thấp thì phải tự xem lại mình làm việc như thế nào, cũng như các shop, có shop đông khách, shop ít khách, điều đó hoàn toàn là quy luật kinh tế thị trường mà thôi”.
Tâm sự với Infonet, một bác sĩ có đôi bàn tay vàng trong lĩnh vực thẩm mỹ chia sẻ về thu nhập bác sĩ: Với các bác sĩ đã số họ ở mức thu nhập ổn định với xã hội. Nếu bác sĩ chỉ làm ở cơ sở nhà nước và giảng dạy ở trường thu nhập không cao.
Trong giới thẩm mỹ cũng có những bác sĩ thu nhập tiền tỷ nhưng rất ít và những người đó phải có nhiều năm kinh nghiệm và học hỏi rất nhiều.
Người ta thường nói bác sĩ thẩm mỹ giàu vì họ nghĩ làm phẫu thuật nâng ngực rẻ nhất cũng 3 – 4 nghìn USD nhưng để có được 3 -4 nghìn USD đó bác sĩ chỉ được 1 phần nhỏ vì còn các chi phí khác nữa. Để các bác sĩ có thể kiếm được 1 tỷ thì họ phải được bệnh nhân tin tưởng và đến với họ.
Một bác sĩ gây mê hồi sức tâm sự nếu bác sĩ ngoại khoa có chuyên môn giỏi, có phòng mạch riêng có biết cách làm PR thì thu nhập đó không quá khó. Có nhiều bác sĩ tại TP.HCM họ tự xây bệnh viện riêng cũng như mở phòng khám riêng để có thêm thu nhập nếu họ thực sự giỏi.
Theo Infonet