Nhiều lần bị khách quỵt tiền, nhưng cũng không ít lần anh Mạnh - tài xế Grab phải “bỏ của chạy lấy người” khi khách yêu cầu chở đến một nơi hoang vắng, bảo chờ 10 phút để gọi bạn trả tiền.
Tài xế Grab luôn có những nguy hiểm rình rập và đôi khi vì miếng cơm manh áo họ phải bất chấp. |
Sinh nghề tử nghiệp?
Thông tin một nam tài xế xe ôm công nghệ Grab bị sát hại tại khu vực bãi hoang gần công trường đường nối Phạm Văn Đồng đến khu công nghiệp Nam Thăng Long quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) xảy ra mới đây khiến dư luận hết sức bàng hoàng.
Xót xa hơn, nạn nhân mới 18 tuổi, đang là sinh viên năm nhất, trường cao đẳng tại Hà Nội. Chỉ vì cơm áo, gạo tiền, chàng trai trẻ đã phải bỏ mạng trước sự tàn độc, manh động, liều lĩnh, mất hết tính người của các đối tượng được mệnh danh “thượng đế”.
Trước đó, nhiều vụ việc tương tự cũng từng xảy ra ở một số địa phương. Không ít tài xế Grab khác cũng lo lắng cho số phận cũng như sự an nguy của mình khi làm công việc này.
Trải lòng với PV báo ĐS&PL, anh Trần Văn Mạnh, 33 tuổi, quê Phú Thọ (trọ tại ngõ 6, Phạm Văn Đồng, hiện đang là tài xế Grab) cho biết, những năm tháng hành nghề, anh cũng đã từng rơi vào những tình huống cực kỳ nguy hiểm và anh phải tự mình giải thoát, cứu mạng sống của chính mình.
Anh Mạnh kể, trước đây anh là xe ôm truyền thống, địa điểm anh đứng chờ khách thường ở ngõ 6 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội) cứ có khách gọi là anh đi. Những chuyến đi của anh cũng không dài, chỉ vài ki lô mét là sau đó, anh quay lại, chờ khách mới.
“Nói thật, làm nghề xe ôm cũng khá vất vả, nắng mưa đều ở ngoài đường hết. Nhất là nguy hiểm luôn rình rập trên từng cây số. Ngày trước tôi chỉ chạy đến khi trời gần tối thì về nhà ăn cơm với vợ con và nghỉ ngơi luôn. Nhưng bây giờ, công nghệ phát triển, xe ôm nhiều, vì thế tôi phải tranh thủ làm cả buổi tối”, anh Mạnh nói.
Thoát hiểm trong tích tắc
Từ xe ôm truyền thống, anh Mạnh giờ đã chuyển sang chạy Grab để tăng thêm thu nhập và không bị mất khách. Chính vì thế, cứ có khách hàng đặt qua hệ thống là anh lên đường, xa, gần anh đều phải đi hết.
Anh Mạnh nhớ lại: “Có hôm, trời vừa nhá nhem tối, tôi chuẩn bị về thì có khách gọi điểm đón ở Hoàng Quốc Việt, nhưng khách đi đến tận Bắc Ninh. Tôi cũng sợ, vì hơi xa hơn nữa lại là buổi tối. Nhưng cả ngày mới kiếm được vài chục ngàn, giờ có cơ hội thì không thể bỏ lỡ. Tôi liền đi đến đón khách thì đó là một thanh niên, người gầy, mặc bộ quần áo đen. Thanh niên đó cho tôi địa chỉ chính xác và nói sẽ chỉ đường nếu tôi không biết.
Trên đường đi, cậu thanh niên đó không nói gì với tôi cả. Thậm chí tôi có hỏi cậu ta cũng ậm ừ cho qua chuyện. Thi thoảng, tôi có nghe vị khách đó nói chuyện điện thoại với bạn, nhưng lời lẽ rất tục tĩu và bất cần. Tôi bắt đầu lo, vì trời đã tối. Nghĩ đến những tình huống trước đây tôi thường được nghe anh em trong giới kể càng khiến tôi sợ”.
Theo chia sẻ của anh Mạnh, lúc đó dù rất lo lắng nhưng anh vẫn cố gắng đưa chàng thanh niên đó đến địa điểm theo lộ trình đã đặt. Sau khi đến nơi, anh ta nói chờ một lát vào gọi bạn trả tiền. Một lúc sau thanh niên áo đen xuất hiện và nói bạn đi vắng cần đưa đến một địa chỉ khác.
“Lúc này tôi bảo không đi và xin tiền về vì trời đã tối, hơn nữa lại đường xa. Anh ta trợn mắt nhìn tôi, tôi linh cảm có chuyện không lành nhưng vì ở đó có mình tôi với anh ta nên tôi miễn cưỡng đồng ý. Đến địa điểm thứ hai, anh ta vào nhà bạn mãi không thấy ra, tôi có gọi điện thì giọng anh ta gắt lên. Trong đầu tôi phân vân với suy nghĩ, nếu cứ đứng chờ anh ta mãi thì có khi đến sáng. Vậy là, dù mệt mỏi, tiếc công sức, tôi đành chấp nhận đi một chuyến Grab 0 đồng. Về nhà vợ tôi cứ nói tôi liều, nhưng cũng an ủi “còn người còn của”...”, anh Mạnh tâm sự.
Cũng theo anh Mạnh, trước đây anh đã từng bị 2 người khách một nam một nữ lừa đến khu đồng vắng và giở chiêu để “bùng” tiền. “Nghĩ lại tôi thấy mình thật may mắn. Ngày đó tôi tham, thấy cặp đôi nói sẽ trả thêm tiền và chở họ ra khỏi khu vực Bắc Thăng Long. Lòng vòng nhiều cây số, đến nơi họ mới nói không có tiền. Đòi thì họ quay ra cãi nhau, người đàn ông hùng hổ giơ nắm đấm và ném về phía tôi cái nhìn sắc lẹm. Sợ quá, chẳng biết làm sao, tôi đành chịu “bỏ của chạy lấy người” vì người đàn ông kia nhìn rất hổ báo”, anh Mạnh chia sẻ.
“Sinh nghề tử nghiệp” quả không bao giờ sai, anh Mạnh cũng như nhiều người chạy Grab đã trải qua không biết bao nhiêu chuyện. Nhưng có một điều mà đến giờ họ đã nghiệm ra, đó chính là phải đặt sự an toàn của bản thân lên hàng đầu. Không nên vì tiền mà liều lĩnh.
Mai Thu
Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 158