Cấu trúc đề thi môn Toán vào lớp 10 thường bao gồm 6 dạng cơ bản, học sinh cần nắm chắc phương pháp giải đối với từng dạng bài để đạt được kết quả như mong muốn.
Đề minh họa môn Toán vào lớp 10 năm học 2019-2020 tại Hà Nội. |
Dạng bài 1: Biểu thức chứa căn thức
Đây là dạng bài dễ ghi điểm nhất, thường chiếm 2 điểm trong cấu trúc đề thi với các vấn đề liên quan đến rút gọn biểu thức chứa căn, giải phương trình, bất phương trình ở mức độ đơn giản.
Vì đây là câu gỡ điểm nên học sinh cần chú ý cách trình bày, điều kiện xác định và kết luận khi làm bài để lấy được 1,5 điểm. Trong câu này thường có 0,5 điểm phân loại, có thể thuộc vào dạng: Bất đẳng thức, tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất, tìm giá trị biểu thức nguyên...
Dạng bài 2: Phương trình - hệ phương trình
Học sinh cần lưu ý dạng bài này nhất dù thi chuyên hay không chuyên. Những dạng bài thường gặp gồm: Phương trình bậc nhất, phương trình bậc hai, phương trình chứa dấu giá trị tuyệt đối, phương trình chứa ẩn ở mẫu, hệ phương trình bậc nhất hai ẩn, hệ phương trình có chứa tham số.
Dạng này thường không có ý phân loại và bài ở mức độ cơ bản. Do vậy học sinh cần tận dụng để lấy trọn vẹn điểm.
Dạng bài 3: Giải bài toán bằng cách lập phương trình - hệ phương trình
Dạng bài này thường thuộc câu thứ 2 trong cấu trúc đề thi và chiếm khoảng 2 điểm. Các bài toán thường liên quan đến chuyển động, năng suất và các bài toán có yếu tố hình học.
Một số tỉnh/thành phố có thể cho dạng toán này liên quan đến thực tế, toán lãi suất, toán liên quan đến tài chính.
Với chuyên đề giải bài toán bằng cách lập phương trình - hệ phương trình, học sinh thường mắc phải một số sai lầm dễ gây mất điểm, cụ thể như: thiếu điều kiện, thiếu đơn vị khi đặt ẩn, trình bày vắn tắt, thiếu lập luận để đưa ra phương trình, giải xong quên kiểm tra lại, quên kết luận, tính toán sai.
Chỉ cần sai sót một chút trong câu này sẽ gây mất điểm đáng tiếc, bởi nó chiếm 20% số điểm bài thi.
Dạng bài 4: Đồ thị hàm số
Dạng bài này chủ yếu liên quan đến nghiệm của phương trình bậc 2 và định lí Vi-et, hoặc thường được kết hợp với vẽ đồ thị hàm số hoặc sự tương giao của đồ thị.
Thông thường câu này có 0,5 điểm ở mức độ cơ bản, còn 0,5 điểm tương đối khó mang tính phân loại học sinh.
Dạng bài 5: Hình học
Học sinh nên tập trung vào hình học học kỳ II, đó là phần tứ giác nội tiếp với các dạng toán: Chứng minh tứ giác nội tiếp, ứng dụng tứ giác nội tiếp, góc trong đường tròn... để chứng minh các tính chất hình học, chứng minh các đẳng thức.
Các kiến thức của học kì I như: Hệ thức lượng trong tam giác vuông, đường tròn sẽ là kiến thức nền trong bài thi. Do vậy học sinh cũng cần chú ý trong quá trình ôn luyện.
Phần này thường chiếm 3,5 điểm trong cấu trúc đề thi. Trong đó 1 điểm thường là nhận biết - thông hiểu, 2 điểm thuộc mức độ vận dụng còn 0,5 điểm ở mức vận dụng cao.
Ngoài ra, một số tỉnh đang có xu hướng thi hình không gian thì sẽ bớt 0,5 điểm ở phần vận dụng cao, thay vào đó là câu hỏi về hình không gian, ví dụ như Hà Nội, TPHCM cũng thi vào hình không gian. Vì vậy học sinh ở các tỉnh/thành phố khác cần lưu ý điều này.
Dạng bào 6: Bất đẳng thức
Dạng bài này chiếm trọng số khoảng 0,5 điểm, được đánh giá là tương đối khó, dành cho những học sinh giỏi muốn đạt điểm 10 môn Toán.
Khi gặp dạng bài này, học sinh không nên làm trước vì nó sẽ chiếm nhiều thời gian, gây ảnh hưởng tâm lí khi làm những câu hỏi khác. Muốn chinh phục dạng bài này, cần tập trung vào bất đẳng thức Cauchy và phương pháp đánh giá phương trình khi giải.
Thủy Tiên (T/h)