+Aa-
    Zalo

    Thi vào lớp 10: Những dạng đề nghị luận 2K5 đặc biệt lưu ý trong bài thi môn Ngữ Văn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nghị luận về một tác phẩm văn học, nghị luận về sự vật hiện tượng xã hội hay nghị luận về một tư tưởng đạo lý,... là những dạng bài quan trọng mà học sinh 2K5 cần lưu ý.

    Nghị luận về một tác phẩm văn học, nghị luận về sự vật hiện tượng xã hội hay nghị luận về một tư tưởng đạo lý,... là những dạng bài quan trọng mà học sinh 2K5 cần đặc biệt lưu ý khi ôn thi môn Ngữ Văn vào lớp 10.

    Những dạng đề nghị luận 2K5 đặc biệt lưu ý trong bài thi môn Ngữ Văn vào lớp 10. Ảnh minh họa 

    Nghị luận về một tư tưởng đạo lý

    Nghị luận về một tư tưởng đạo lí là bàn luận vấn đề thuộc đạo đức, lối sống, nhân cách con người và ứng xử trong xã hội như đức tính khiêm tốn, tinh thần lạc quan, tấm gương vượt khó... (tích cực) hay lối sống ích kỉ hưởng thụ, bệnh vô cảm, sự dối trá... (tiêu cực).

    Dù đề bài yêu cầu nghị luận về vấn đề tích cực hay tiêu cực, viết đoạn văn hay bài văn thì bài viết vẫn phải đầy đủ 3 luận điểm sau:

    Luận điểm 1: Giải thích các khái niệm, quan niệm, khái quát vấn đề cần nghị luận là gì.

    Luận điểm 2: Nhận định, đánh giá về vấn đề tư tưởng đạo lí.

    Luận điểm 3: Phản đề, bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

    Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống

    Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống là bàn luận, trình bày quan điểm về một hiện tượng xảy ra trong thực tế, thu hút sự quan tâm của nhiều người như nếp sống văn minh đô thị, nghiện mạng xã hội, cuồng thần tượng...

    Đó có thể là hiện tượng tốt hoặc xấu nhưng dù đề bài ra theo hướng nào thì khi viết đều phải triển khai được 4 luận điểm chính:

    Luận điểm 1: Giải thích hiện tượng đời sống, làm rõ các khái niệm trong đề bài.

    Luận điểm 2: Nêu thực trạng hiện tượng đang diễn ra trong thực tế. Ảnh hưởng ra sao đối với đời sống xã hội?

    Luận điểm 3: Lí giải nguyên nhân của hiện tượng, tác hại hoặc vai trò của hiện tượng đối với đời sống con người.

    Luận điểm 4: Đề xuất giải pháp, liên hệ thực tế bản thân.

    Một lưu ý quan trọng mà thí sinh cần ghi nhớ là đối với những hiện tượng tích cực cần làm rõ tác dụng, ý nghĩa của nó với thực tiễn cuộc sống; đồng thời phê phán những hiện tượng trái ngược; đề xuất giải pháp nhân rộng hiện tượng và bài học liên hệ. Đối với hiện tượng tiêu cực thì phải phân tích được tác hại, hậu quả cũng như đề xuất phương án khắc phục hiện tượng.

    Bên cạnh đó, khi viết dạng văn nghị luận xã hội, học sinh cần lưu ý xác định đúng yêu cầu của đề bài, thực hiện đúng phương pháp và chọn lựa đúng kiến thức cần huy động. Đặc biệt dẫn chứng sử dụng trong bài viết phải có sự chọn lọc, vừa đủ và thuyết phục người đọc. Cùng với đó lập luận phải sắc sảo, chặt chẽ và thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của người viết.

    Nghị luận về nhân vật trong tác phẩm chuyện

    Có thể thấy đây là dạng bài kiểu bài phổ biến nhất trong dạng đề nghị luận về tác phẩm truyện, do vậy học sinh cần đặc biệt lưu ý trong quá trình ôn thi. Với kiểu bài này học sinh nên triển khai theo các ý sau:

    Phần mở bài: Giới thiệu tác phẩm và nhân vật cần nghị luận.

    Phần thân bài: Học sinh cần làm nổi bật các vấn đề trọng tâm thông qua 3 luận điểm:

    Luận điểm 1: Xác định các yếu tố khắc họa lên một nhân vật: Hoàn cảnh xuất thân, phẩm chất, tính cách, công việc.

    Luận điểm 2: Phân tích các lời nói, hành động của nhân vật thông qua các tình huống để khái quát lên phẩm chất của nhân vật.

    Luận điểm 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật.

    Phần kết bài: Khái quát ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm thể hiện qua nhân vật.

    Phân tích giá trị nội dung trong tác phẩm truyện

    Đây là dạng bài thường gặp trong đề thi vào 10 môn Ngữ Văn, để giải quyết dạng bài này học sinh cần thực hiện các luận điểm dưới đây:

    Luận điểm 1: Xác định giá trị nội dung của tác phẩm truyện.

    Luận điểm 2: Triển khai giá trị nội dung thành các luận điểm trong bài để phân tích rõ ràng, cụ thể từng khía cạnh.

    Luận điểm 3: Tìm dẫn chứng, chi tiết trong tác phẩm để minh chứng cho các luận điểm trên.

    Phân tích tình huống truyện

    Đối với dạng đề phân tích tình huống truyện điều quan trọng nhất là học sinh phải xác định được tình huống truyện, sau đó cần phân tích tác dụng của tình huống truyện trong việc khắc họa nhân vật và chủ đề tác phẩm.

    Bên cạnh đó học sinh cần lưu ý để tránh mắc phải những lỗi sai như phân tích vụn vặt, sa vào kể chuyện dài dòng, lan man mà không đúng trọng tâm đề bài.

    Ngoài ra, đối với dạng nghị luận về tác phẩm truyện, học sinh cần ôn tập theo đặc trưng thể loại, tập trung vào các yếu tố quan trọng của tác phẩm truyện như chủ đề, nhân vật, ngôi kể, tình huống truyện, chi tiết nghệ thuật….

    Bên cạnh đó học sinh cần lập dàn ý trước khi viết để đảm bảo đủ ý, đúng trọng tâm đề bài, tránh tình trạng phân tích theo kiểu suy diễn không đúng với ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

    Thủy Tiên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thi-vao-lop-10-nhung-dang-de-nghi-luan-2k5-dac-biet-luu-y-trong-bai-thi-mon-ngu-van-a330707.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan