(ĐSPL) - Nhiều năm qua, người dân xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) dường như bị cô lập, bởi chưa có một con đường liên thông với các vùng lân cận. Hàng ngày, họ phải gồng mình đi qua một lối mòn với những ụ đất, vết bánh xe hằn lún sâu rất nguy hiểm. Khao khát duy nhất của người dân là có một con đường để trẻ em được đến trường, dân làng đi lại giao thương hàng hóa, tìm ra lối thoát nghèo.
Chúng tôi đến thăm thôn Tân Biên và thôn Tân Cương, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh phải men theo con đường ghồ ghề, lởm chởm những ụ đất ngay từ trung tâm xã. Dọc suốt con đường này là đường đất với những đoạn hằn xe sâu đến cả mét, đầy ổ voi, ổ gà khiến người đi đứng tim, dựng tóc gáy, buộc phải dừng dắt bộ.
|
Con đường dẫn từ trung tâm xã Tân Phúc vào các thôn Tân Cương, Tân Biên |
Hướng về thôn Tân Biên, nơi được xem là “cùng trời cuối đất” của Thanh Hóa, một ngôi làng nhỏ hiện ra giữa núi rừng như một thế giới biệt lập với bên ngoài. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Thái và Mường.
Ở đây, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cuộc sống rất khó khăn, vất vả của người dân. Vào mùa mưa, đường sá lầy lội khiến bản làng gần như bị cô lập với các khu vực lân cận. Giao thương bên ngoài gặp nhiều khó khăn, đời sống bà con chỉ trông chờ vào mấy sào lúa và cây sắn trên đồi. Cuộc sống khốn khó, cộng với việc phải hạn chế đi lại, cái đói, cái nghèo cứ thế đeo bám người dân.
|
Nhiều đoạn lằn xe sâu đến cả mét, xe máy và người đi bộ chỉ có thể men theo mép đường thành những lối mòn nhỏ để đi |
Anh Hà Dương Hưng, người dân thôn Tân Biên cho hay: “Chúng tôiở đây quanh năm chỉ trông chờ vào mấy cây lúa, cây sắn. Đường sá không thuận lợi nên việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày nắng, người dân phải tranh thủ xuống trung tâm xã để mua bán, giao thương, còn khi mưa xuống thì chẳng ai có thể đi ra khỏi nhà được. Mỗi lần đi qua đoạn đường này, tôi như dựng tóc gáy, bị ngã là chuyện bình thường.Trẻ con không thể đến trường, vì đường xa, đi lại lại vất vả”.
"Nhiều khi bà con phải tổ chức san lấp đất, nhưng rồi đâu lại vào đấy, nguy hiểm nhất là lúc mưa lũ đột nhiên kéo đến", anh Hưng chia sẻ thêm.
Một người dân khác ở thôn Tân Biên cho hay: “Trời mưa lầy lội không làm được việc gì. Có đi xe đạp thì cũng vác xe lên, xắn quần mà đi. Khi có việc gấp, chẳng may đau ốm đi cấp cứu thì không biết sẽ thế nào.Nhiều lần chính quyền các thôn và xã huy động người dân đào đường, đắp đất nhưng chỉ được vài bữa. Con đường nhỏ nhưng hằng ngày xe tải vẫn chở luồng, chở gỗ. Sau mỗi lần xe vào, con đường lại như bị cày xới lên thành những hố sâu...”.
|
Người dân san lấp mặt đường để đi lại |
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Chớng, chủ tịch UBND xã Tân Phúc cho biết : “Nhiều thôn trong xã khó khăn vì chưa có đường đi, trong đó đáng nói nhất vẫn là con đường dẫn từ trung tâm xã đến thôn Tân Biên, Tân Cương. Lãnh đạo địa phương cũng rất trăn trở mỗi khi mùa mưa tới, rất bất lợi cho việc đi lại của người dân. Hàng năm, chính quyền địa phương đã huy động sự đóng góp công sức của người dân nhưng chẳng ăn thua.Tuy nhiên, vì hiện tại xã đang rất khó khăn trong vấn đề kinh phí, nên rất mong được sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp trên để người dân thoát nghèo khó".
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-hoa-dan-bi-co-lap-vi-duong-xuong-cap-a69678.html