(ĐSPL) - Với người dân ở nhiều bản làng miền núi xã Luận Khê, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), một con đường để trẻ em có thể đến trường và người dân tìm ra lối thoát nghèo là một niềm ước mơ lớn từ bấy lâu nay.
Men theo con đường nhiều dốc đèo cheo leo, từ trung tâm xã, chúng tôi tìm đến bản Kha của xã Luận Khê, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Được biết, Kha và Buồng là hai bản xa xôi và nghèo nhất của xã miền núi này. Con đường dẫn vào bản là đường rừng, khúc khuỷu và hiểm trở. Lại thêm những ổ voi, ổ gà, những dốc lên, dốc xuống nhiều vô kể khiến người đi không khỏi thót tim.
|
Con đường dẫn đến bản Kha đầy gian nan |
Nhiều người nói đùa rằng, phụ nữ đang mang bầu không nên đi con đường này, bởi sẽ rất nguy hiểm cho em bé. Về bản Kha giống như về nơi “cùng trời cuối đất”, ngôi làng nhỏ hiện ra giữa núi rừng kì vĩ như một thế giới riêng biệt lập với bên ngoài, nằm dọc bên sườn núi Pù Cả cao vời vợi. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Thái.
Có dịp về với bản Kha, bản Buồng, tận mắt chứng kiến cuộc sống nơi đây mới thấy hết được những nhọc nhằn của đồng bào. Vào mùa mưa, đường sá lầy lội và bị lũ chia cắt khiến bản làng gần như bị cô lập với các khu vực lân cận. Giao thương bên ngoài gặp nhiều khó khăn, trong khi đời sống bà con chỉ trông chờ vào mấy thửa ruộng bậc thang và cây sắn trên nương. Bởi vậy, cái đói, cái nghèo cứ thế đeo bám họ quanh năm suốt tháng.
Anh Vi Văn Nhàn, người dân bản Kha tâm sự: “Người dân ở bản này đều nghèo như nhau. Nhà nào cũng chỉ trông chờ vào mấy cây lúa, cây sắn, ăn còn không đủ thì sao mà hết nghèo được. Đường sá không thuận lợi nên có muốn đi đâu hay mua bán gì cũng khó khăn. Năm ngoái, nhờ có chính phủ mà điện lưới đã về bản, cuộc sống sinh hoạt của bà con cũng đỡ khổ hơn nhiều. Nhưng có con đường từ xưa tới nay vẫn thế, chúng tôi thường tranh thủ xuống chợ vào những ngày nắng, còn khi mưa xuống thì chẳng ai đi đâu được. Thương lũ trẻ, đường khó đi mà trường xa quá, đi học phải tùy theo thời tiết, thế nên có đứa nào qua nổi lớp 9 đâu. Chỉ ước sao có một con đường đi cho lũ trẻ đỡ khổ…”
|
Con đường vào mùa mưa trở nên lầy lội |
Một người dân khác cũng cho biết thêm: “Nhiều lần chính quyền xã huy động dân đào đường, đắp đất nhưng chỉ được vài bữa. Con đường nhỏ như lòng bàn tay nhưng xe tải vẫn cứ đi vào bản chở luồng, chở gỗ. Sau mỗi lần xe vào, con đường lại như bị cày xới lên thành những hố sâu hoắm, nhưng không có cách nào ngăn được, vì đó là con đường kiếm sống của người dân. Nhiều trường hợp có người bị ốm nhưng phải chịu chết vì không kịp đưa đi bệnh viện cấp cứu”.
|
Con đường nhỏ như lòng bàn tay nhưng vẫn bị cày nát bởi xe chở luồng, chở gỗ. |
Ông Cầm Thanh Xứng, Chủ tịch xã Luận Khê chia sẻ: “Trong xã vẫn còn nhiều thôn bản khó khăn vì chưa có đường đi. Đường nhựa mới chỉ đến trung tâm xã. Lãnh đạo địa phương cũng rất trăn trở mỗi khi mùa mưa tới, rất bất lợi cho việc đi lại của người dân, nhất là với các thôn bản xa xôi như bản Kha, Buồng, Ngọc Trà… Giao thông đi lại là huyết mạch của đời sống, xác định với vai trò trách nhiệm của những nhà lãnh đạo, hàng năm Đảng ủy đã có chỉ đạo cho chính quyền địa phương huy động sự đóng góp công sức của nhân dân để tu sửa đường nhưng chỉ là hạt cát giữa biển đông”.
Điện, đường, trường, trạm là những yếu tố cốt lõi để đưa miền núi đi lên từ đói nghèo. Thế nhưng, dường như mọi thứ với địa phương này vẫn còn đầy thách thức, con đường để thoát nghèo vẫn chỉ là một giấc mơ xa tầm với của đồng bào miền núi nơi đây.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ban-lang-vung-cao-khao-khat-mot-con-duong-a54054.html