Tết Đoan Dương, Tiết Thiên Trung, Tiết Địa Lạp đều là tên gọi khác của Tết Đoan Ngọ. Đoan trong Tết Đoan Dương nghĩa là mở đầu, dương là hỏa khí của trời đất và của con người trong ngày. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tiết Thiên Trung vì mặt trời hôm đó đứng ở điểm cao nhất của bầu trời. Còn tên gọi Tiết Địa Lạp được giải thích là ngày các thần trên trời ghi vào sổ trường thọ các thông tin bao gồm địa vị xã hội và chính trị mỗi người, các quan hệ họ hàng lúc thịnh suy của người đó.
Tết Đoan ngọ được tổ chức vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm. Đoan Ngọ (Đoan là mở đầu, Ngọ là giữa trưa) là bắt đầu giữa trưa; Dương là mặt trời, là khí dương. Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam...
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ thường rơi vào thời điểm nắng nóng kéo dài, sâu bọ phát triển nhiều. Cho nên, ngày lễ này còn được gọi là ngày diệt sâu bọ hoặc giết sâu bọ.
Tết Đoan ngọ 2024 sẽ rơi vào thứ Hai ngày 10/6. Vào ngày này, người dân làm lễ cúng Tết Đoan ngọ với mong muốn tiêu diệt các loài sâu bọ gây hại cho cây trồng và cầu mong một vụ mùa bội thu, cũng như tiêu diệt những loài gây bệnh cho con người, vật nuôi.
Theo quan niệm dân gian, việc ăn trái cây và rượu nếp vào ngày 5/5 âm lịch là cách để diệt trừ sâu bọ. Nghi thức này bao gồm súc miệng ba lần cho sạch sâu bọ, ăn một bát rượu nếp để làm sâu bọ say và ăn trái cây để giết sâu bọ.
Ở một số nơi, người dân có tập quán ăn bánh tro, chè trôi nước, hạt sen để diệt trừ sâu bọ và bệnh tật trong người. Nhiều người còn tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ sâu bọ.
Ở nhiều địa phương ven biển, vào Tết Đoan ngọ, người dân chờ đúng giờ Ngọ đi tắm biển để cầu bình an khỏe mạnh vì theo quan niệm dân gian, đây là ngày khí dương mạnh nhất trong năm, giờ Ngọ là giờ dương khí mạnh nhất trong ngày. Cũng với quan niệm đó, nhiều người hái các loại thảo dược đúng thời điểm này vì cho rằng đây là lúc dược tính trong cây cỏ cao nhất.
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, mọi nhà chuẩn bị vật phẩm, mâm lễ cúng tổ tiên. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong một mùa bội thu. Tùy thuộc vào vùng miền mà mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ cũng khác nhau nhưng cơ bản mâm cúng Tết Đoan ngọ gồm có:
- Hương, hoa, vàng mã
- Nước
- Cơm rượu
- Các loại trái cây như mận, vải, hồng xiêm, chuối, dưa hấu...
- Bánh ú tro
- Thịt vịt
- Xôi chè
Nếu như mâm cúng Tết Đoan ngọ của người miền Bắc có bánh gio người miền Nam lại có bánh ú, người miền Trung có thịt vịt.
Tết Đoan ngọ là dịp người ta thường ăn ở nhà với gia đình. Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan ngọ, mọi người thường ăn bánh gio, chè hạt sen, trái cây và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Nhiều người ăn rượu nếp ngay sau khi ngủ dậy.
Sau lễ cúng tết đoan ngọ là các tục lệ giết sâu bọ. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ sâu bọ, xua đuổi hết bệnh tật.